Trái đắng mang tên “đầu tư online"

10:35 | 22/05/2024

49 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đầu tư vào các quỹ hưu trí, quỹ phúc lợi với lợi nhuận từ 50-100% - thoạt nghe đã thấy có điều gì đó sai sai. Tuy nhiên thời gian qua một số người dân, đặc biệt là các chị em nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng dẫn dắt vào “mê cung" đầu tư để rồi bị chiếm đoạt.
Lừa đảo qua mạng nhức nhối đến bao giờ?Lừa đảo qua mạng nhức nhối đến bao giờ?
Tránh bẫy Tránh bẫy "lùa gà" trên sàn thương mại điện tử như thế nào?

Tin người tình ảo, bay ngay tiền tỷ

Qua mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị An (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) kết bạn với một người tên Phạm Tuấn. Ban đầu Tuấn chỉ nhắn tin nói chuyện hỏi han bâng quơ với chị. Sau một thời gian Tuấn bắt đầu “tấn công" chị bằng những lời nhắn yêu thương, những bài hát khiến chị An vui cả ngày. Anh ta không quên giới thiệu mình là lãnh đạo một Tập đoàn nọ và rủ chị An cùng đầu tư vào quỹ gửi phúc lợi của tập đoàn nhằm thu lợi nhuận cao.

Tuấn cho biết quỹ này chỉ có lãnh đạo cấp cao và cán bộ chủ chốt của Tập đoàn mới được tham gia. Vì muốn tạo điều kiện cho “người yêu" có cơ hội kiếm tiền nên gã mới rủ chị An.

Ban đầu chị cũng không tin lắm, nhưng rồi Tuấn "show" ra một số văn bản có đóng dấu đỏ, cùng tài khoản ngân hàng lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì chị An chính thức “sập bẫy".

Trái đắng mang tên “đầu tư online
Một bị hại trình báo tại cơ quan công an.

Chị An chỉ phải nộp 10 triệu đồng để kích hoạt tài khoản, sau đó Tuấn chuyển trả lại số tiền gốc cùng 10% lãi. Tiếp đó Tuấn rủ chị An đầu tư vào gói tiền gửi 800 triệu đồng, trong đó Tuấn góp 500 triệu còn chị An bỏ vào 300 triệu đồng, lợi nhuận chia đôi. Chỉ ba ngày sau, Tuấn chuyển số tiền lãi là 10 triệu đồng cho chị An.

Thấy kiếm tiền dễ nên khi Tuấn rủ đầu tư vào gói tiền quỹ 2,5 tỷ đồng rồi 5 tỷ đồng (mỗi bên góp 50-50) chị An đều gom tiền chuyển vào “quỹ". Khi lợi nhuận chưa trả về thì Tuấn lại rủ chị đầu tư quỹ 8 tỷ đồng. Lúc này chị An đã cạn tiền nên bảo muốn rút hết gốc lãi về. Tuy nhiên lúc này gã mới lộ bộ mặt thật. Tuấn cho biết nếu chị không tiếp tục nộp tiền để hoàn thành thì sẽ bị mất hết tiền (tài khoản đóng băng).

Tương tự, chị L. (sinh năm 1984 trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) có hẹn hò online và nói chuyện với một tài khoản facebook, giới thiệu làm Phó phòng kế toán một công ty thăm dò, khai thác dầu khí.

Ngày 27/4/2024, đối tượng gạ chị L. tham gia đầu tư vào quỹ phúc lợi dầu khí để hưởng phần trăm sinh lời. Do tin tưởng người bạn trai này, chị L. đã lập tài khoản đăng ký tham gia. Đối tượng sau đó đã hướng dẫn chị L. nạp hơn 1 tỷ đồng để đầu tư. Đến đầu tháng 5/2024, đối tượng nhắn tin thông báo đã lừa chị L. để chiếm đoạt số tiền này và chặn liên lạc với chị. Sau đó bị hại đã đến Công an huyện Ba Vì trình báo.

Những chiêu trò tinh vi

Còn nhớ đầu năm 2023, PetroTimes cũng đã thông tin một đường dây lừa đảo có tên quỹ đầu tư dự án Petrovietnam.

Thủ đoạn của các đối tượng được tổ chức một cách bài bản, tinh vi thông qua công cụ chủ lực là website petrovietnam.co.

Đầu tiên, các đối tượng sử dụng mạng xã hội tiếp cận, làm quen với nạn nhân, đa phần là các chị em phụ nữ độc thân hoặc là mẹ đơn thân, có việc làm ổn định, có nhu cầu chia sẻ tình cảm, đặc biệt sống tại các tỉnh thành cách xa Hà Nội (nơi Petrovietnam đặt trụ sở chính), tránh việc các nạn nhân đến tận nơi tìm hiểu.

Các đối tượng rất kiên nhẫn, dành nhiều thời gian để tán tỉnh, lấy được tình cảm của các nạn nhân, có thể lên đến vài tháng hoặc nửa năm để chiêu dụ “con mồi”. Tiếp đó chúng củng cố lòng tin bằng cách đưa ra các loại thẻ căn cước công dân, thẻ cán bộ, giấy công tác, các văn bản, thông báo của thủ trưởng các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí, hình ảnh nhận khen thưởng tại Tập đoàn… nhằm khẳng định bản thân thực sự đang công tác tại Petrovietnam. Các đối tượng còn đồng thời dùng nhiều tài khoản khác nhau để tiếp cận, mục đích khiến các nạn nhân tin rằng cái gọi là “quỹ đầu tư dự án Petrovietnam” có thật.

Các đối tượng không bao giờ để lộ mặt trực tiếp, chỉ trao đổi qua chat, tin nhắn, gọi điện thoại, hình ảnh. Khi các nạn nhân yêu cầu gọi video call, các đối tượng thoái thác bằng cách nói rằng đang làm dự án cho tập đoàn, ở trong công trường 24/24 và trưng ra văn bản của cơ quan, đơn vị cấm nhân viên được quay phim, gọi điện video khi làm việc. Với những thủ đoạn tinh vi như trên, một số phụ nữ đơn thân, nhẹ dạ cả tin đã nộp tiền vào để đầu tư, để rồi bị chiếm đoạt.

Trái đắng mang tên “đầu tư online
Người dân cần cảnh giác với những lời chào mời quỹ phúc lợi, quỹ hưu trí online.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo người dân phải luôn cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước. Mọi người cần cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng; tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng.

Với các cơ hội đầu tư, mọi người cần tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, mọi người cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư. Nếu cảm thấy không chắc chắn, mọi người hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Lưu ý, nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, mọi người đừng ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cảnh báo lừa đảo đầu tư quỹ phúc lợi

Ngày 11/4 vừa qua Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có cảnh báo về tình trạng mạo danh để lừa đảo, trục lợi liên quan đến các dự án, trong đó có dự án sân bay Long Thành.

ACV hiện là chủ đầu tư dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo ACV, quá trình thực hiện các dự án đơn vị ghi nhận một số thông tin, hình ảnh về trang web mạo danh tổng công ty với mục đích lừa đảo, trục lợi. Trong đó, các hình thức lừa đảo gồm: xin việc làm, kêu gọi góp vốn đầu tư, nộp tiền để trúng các gói thầu… Thậm chí, thời gian gần đây liêp tiếp xuất hiện các văn bản giả mạo chữ ký của chủ tịch hội đồng quản trị ACV với nội dung liên quan đến việc tham gia các gói thầu xây dựng sân bay Long Thành, áp dụng quỹ phúc lợi cho nhân viên ACV...

ACV cảnh báo người dân đề cao cảnh giác, không làm theo, từ chối các cuộc điện thoại nghi ngờ lừa đảo. Đặc biệt, không nộp tiền dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến việc xây dựng, khai thác các dự án đầu tư xây dựng mà ACV làm chủ đầu tư, tiêu biểu là dự án sân bay Long Thành.

Yên Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan