TP HCM: Xây bệnh viện như "rùa bò"

06:50 | 24/06/2014

1,728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để khắc phục tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trên địa bàn TP HCM, một trong những giải pháp được đưa ra là đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp một số bệnh viện. Tuy nhiên, hàng loạt các dự án xây dựng của ngành y tế thành phố đang trong tình trạng chậm tiến độ, thậm chí có dự án sau 2 nhiệm kỳ vẫn… nằm trên giấy.

10 năm chưa xong thủ tục!

Dự án chậm tiến độ nhất có thể kể đến là dự án xây mới khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM đặt tại số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh, được phê duyệt từ năm 2004 nhưng đến nay dự án vẫn chưa đủ các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng. Toàn bộ khu đất dự án bị bỏ không đã gần 10 năm nay.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết: Dự án trên nằm trong khu đất có diện tích gần 2.000m2, được phê duyệt vốn đầu tư ban đầu là 76 tỉ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc hàng loạt các thủ tục nên đến năm 2012 dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Ban Giám đốc bệnh viện phải trình UBND TP HCM xin hủy dự án để làm lại từ đầu vì qua nhiều năm chi phí vật tư đã tăng vọt, các trang thiết bị theo thiết kế ban đầu đã trở nên lạc hậu... Quá mệt mỏi với các thủ tục, lãnh đạo bệnh viện chính thức xin “rút lui” khỏi dự án vào năm 2012 và UBND TP HCM chuyển giao dự án cho Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư. Sau đó dự án được lập mới với mức vốn đầu tư chỉ tính riêng phần xây dựng cơ bản, chưa tính đến đầu tư trang thiết bị đã lên đến 242 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2013-2015. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ dự án vẫn đang trong giai đoạn trình xin phép các sở, ngành nên dự án vẫn chỉ… nằm trên giấy.

Dự án khu khám bệnh mới Bệnh viện Ung Bướu TP HCM số 47 đường Nguyễn Huy Lượng sau 10 năm chưa triển khai

Tương tự, dự án Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, tại xã Tân Kiên, Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, diện tích 12,47ha, quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư là 5.000 tỉ đồng. Đây được xác định là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, dự án này cũng đang trong tình cảnh chậm tiến độ. Sau nhiều nỗ lực của các đơn vị liên quan, lễ khởi công san lấp mặt bằng dự án cũng đã được tổ chức vào tháng 7/2013, chậm so với kế hoạch 3 tháng. Và đến nay sau nhiều tháng giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa thể xây dựng vì vướng hai hộ dân chưa chịu giá đền bù nên không giao đất với diện tích hơn 7.000m2. Dự án đành phải nằm chờ giải quyết xong việc đền bù giải tỏa mới có thể thực hiện.

Không chỉ hai dự án trên, hàng loạt dự án y tế khác cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ như: Dự án Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Quận Gò Vấp, khu khám bệnh mới của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu, mở rộng Bệnh viện Quận 4…

Không những chậm tiến độ, nhiều dự án còn đầu tư xây dựng theo kiểu “nửa vời” chỉ có vỏ, không có ruột, nên dự án hoàn thành nhưng hoạt động không hiệu quả. Điển hình là Khoa vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu đặt tại Bệnh viện Quận 2, quy mô 150 giường bệnh được xây dựng khang trang nhưng chưa có trang thiết bị nên dù đã đi vào hoạt động mấy tháng nay nhưng chỉ có 50 bệnh nhân điều trị. Theo sau dự án này, Dự án Khu khám bệnh mới của Bệnh viện Ung Bướu cũng mới chỉ tính đến việc xây cơ sở hạ tầng chứ chưa có phần đầu tư về thiết bị, máy móc.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, dù đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để tăng công suất sử dụng giường bệnh tại Khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại Bệnh viện Quận 2 nhằm giảm tải cho cơ sở chính nhưng không thể, bởi khoa vệ tinh này chưa đủ điều kiện để hoạt động vì thiếu máy móc, thiết bị. Ngay cả những máy móc thông thường để siêu âm, xét nghiệm cũng thiếu, chưa kể tại đây còn không có hệ thống điện dự phòng nếu bị cúp điện đột ngột sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân… Do đó, khoa vệ tinh của bệnh viện hiện chỉ hoạt động cầm chừng chờ đầu tư trang thiết bị.

Sau nhiều tháng san lấp mặt bằng dự án Bệnh viện Nhi đồng TP HCM vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang

Gỡ vướng cho các dự án

Trước tình trạng hàng loạt các dự án cải tạo, xây mới, mở rộng các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM bị chậm tiến độ, HĐND TP HCM đã trực tiếp làm việc với từng bệnh viện có dự án chậm tiến độ để tháo gỡ khó khăn. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM nhận định: Các dự án y tế chậm tiến độ không phải do thiếu kinh phí mà chủ yếu do vướng mắc thủ tục bởi không có được sự thống nhất giữa các sở, ngành. Do đó, HĐND thành phố yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp, hỗ trợ các dự án về mặt pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa công trình vào sử dụng phục vụ bệnh nhân.

Đối với các dự án chậm tiến độ do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, HĐND TP HCM đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường vận động người dân, đồng thời phối hợp các sở, ngành của thành phố có biện pháp xử lý để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nếu xét thấy chính sách hỗ trợ đền bù chưa thỏa đáng thì nhanh chóng chỉnh sửa cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng phải có biện pháp xử lý kiên quyết hơn đối với các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, cản trở, gây khó khăn để trục lợi.

Đối với các công trình làm theo kiểu “nửa vời”, HĐND TP HCM yêu cầu Sở Tài chính, bổ sung kinh phí để hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng. Đồng thời khuyến khích các bệnh viện tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư trang, thiết bị. Ông Huỳnh Công Hùng đề nghị: “Khi thực hiện dự án nào cần thực hiện đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đến nhân lực để đưa các công trình vào sử dụng một cách hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, mỗi nơi một chút nhưng không hoạt động được”.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP HCM kiến nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tính toán lại việc đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, không phải thấy các chuyên khoa: sản, nhi, ung bướu, tim mạch… đang quá tải thì xây dựng tràn lan. Việc đầu tư xây dựng còn phải dựa trên phân tuyến y tế của thành phố, xác định đối tượng bệnh nhân, nguồn nhân lực hiện có của từng tuyến để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị trang thiết bị một cách hợp lý.

Trong tình trạng quá tải của các bệnh viện đang diễn ra ngày càng trầm trọng như hiện nay, việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, với tiến độ thực hiện các dự án y tế như hiện nay, để các bệnh viện mới có thể đi hoạt động chắc có lẽ người dân phải còn chờ dài cổ! Chưa kể việc chậm tiến độ của các dự án còn gây ra sự lãng phí lớn bởi chắc chắn sẽ có hàng loạt các chi phí phát sinh cùng với quá trình chậm trễ này.

Mai Phương