Tố Mỹ "chỉ muốn lật đổ chế độ", Triều Tiên thể hiện nỗi bất an với Trump

12:31 | 14/05/2019

223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những tuyên bố mạnh mẽ của Triều Tiên với Mỹ cho thấy hai bên có sự khác biệt rất lớn, cần tái khởi động nỗ lực ở cấp làm việc.
Tố Mỹ
Tổng thống Mỹ Trump, trái, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lần hai tại Hà Nội cuối tháng 2/2019. Ảnh: Reuters.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày 11/5 lên án mạnh mẽ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc "chính quyền Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản" của người dân. Phản ứng trước cáo buộc này, Bình Nhưỡng cho rằng "Washington không muốn cải thiện quan hệ song phương, mà chỉ muốn lật đổ chế độ".

Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Patrick Cronin, Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ, cho rằng tuyên bố mạnh mẽ của Triều Tiên về việc "Mỹ muốn lật đổ chế độ" cho thấy chính quyền Kim Jong-un vẫn có tâm lý bất an về cam kết đảm bảo an ninh lâu dài và thịnh vượng mà Mỹ đưa ra trong tiến trình đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa.

"Cáo buộc của Triều Tiên nhắm vào cả dư luận trong và ngoài nước. Với người dân trong nước, Bình Nhưỡng giải thích lý do nỗ lực hòa bình với Washington không có tiến triển. Với cộng đồng quốc tế, Triều Tiên thể hiện rằng mình muốn Mỹ nhượng bộ hơn nữa", ông Cronin đánh giá.

Giáo sư Jonathan Cristol, Đại học Adelphi, Mỹ, thì cho rằng đây là "phản ứng kiểu mẫu" của Bình Nhưỡng trước các bình luận của Washington về vấn đề nhân quyền. "Dựa trên bối cảnh hiện nay, cáo buộc của Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump hình dung về tương lai của Triều Tiên không giống với tưởng tượng của lãnh đạo Kim Jong-un", Cristol nói.

Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã rời hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội cuối tháng 2 mà không đạt được thỏa thuận nào về phi hạt nhân hóa bán đảo. Trong họp báo kết thúc hội nghị, Trump cho biết Triều Tiên muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt để đổi lấy việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon. Bình Nhưỡng sau đó đính chính, nói rằng chỉ yêu cầu Mỹ dỡ 5/11 lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nước này.

Trước đó, Trump từng dành nhiều lời ca tụng cho Kim Jong-un, bày tỏ tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ trở thành cường quốc kinh tế nếu từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 2 đến nay, hai bên chưa có động thái nào nối lại thảo luận.

Nói về cơ hội để hai bên phá thế bế tắc, Cronin nhận định Washington vẫn muốn Bình Nhưỡng thực hiện "dù chỉ là bước tiến nhỏ" để thể hiện cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa. Kim Jong-un hồi giữa tháng 4 đã đặt ra hạn chót để đạt được tiến triển là cuối 2019, trong khi Trump muốn Triều Tiên có bước đi thực chất trong những tuần tới.

"Trên lý thuyết, hai bên vẫn có không gian để thỏa hiệp. Mỹ và Triều có thể thực hiện các bước đi theo giai đoạn", Cronin nói.

Giáo sư Richard Caplan, Đại học Oxford, Anh, nhận định cánh cửa thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn để ngỏ, vì Trump không muốn từ bỏ nỗ lực đã thực hiện từ năm 2017 tới nay nhằm đạt được điều ông coi là thành tựu ngoại giao lớn trong nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, tuyên bố quyết liệt của Triều Tiên hay các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây vẫn chưa "vượt lằn ranh đỏ" mà Mỹ đặt ra, đó là Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc thử hạt nhân.

Nhằm tránh căng thẳng leo thang, Leif-Eric Easley, Giáo sư tại Đại học Ewha, Hàn Quốc, khuyến cáo Mỹ và Hàn Quốc không nên có các động thái "hăm dọa" Bình Nhưỡng cũng như dùng lời lẽ kích động hay đe dọa sử dụng vũ lực, vì điều đó chỉ thúc đẩy Triều Tiên thể hiện sức mạnh quốc gia và đáp trả những mối đe dọa từ bên ngoài. Theo ông, Washington và Seoul nên dùng cơ chế thảo luận ở cấp làm việc về phi hạt nhân hóa, đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng.

Giáo sư Cristol cho rằng Mỹ cần thẳng thắn nhìn nhận rằng khả năng Triều Tiên chịu từ bỏ chương trình hạt nhân là "không có cơ hội nào dù nhỏ nhất". Do đó, Mỹ nên thiên về đàm phán các thỏa thuận kiểm soát và hạn chế vũ khí, đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt cho Triều Tiên. Cristol cho hay ông sẽ ngạc nhiên nếu Trump và Kim Jong-un có cuộc gặp lần ba trước bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, nói rằng hai nước nên tập trung vào thảo luận ở cấp làm việc thay vì tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

"Câu hỏi chính ở đây là liệu Mỹ có linh hoạt trong cách tiếp cận của mình hay không. Việc Mỹ tạo không gian để Triều Tiên tiếp tục thảo luận, để đạt được tiến triển, dù chậm nhưng vững chắc, là điều rất quan trọng", Cristol nói.

Theo VNE

Mỹ dịu giọng với Triều Tiên sau hai vụ phóng tên lửa liên tiếp
Hàn Quốc bác phân tích của Mỹ về vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên
Ông Trump không chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn
Chuyên gia: Tên lửa mới của Triều Tiên có thể châm ngòi một cuộc chiến
Chủ tịch Triều Tiên muốn kiểm tra khả năng phản ứng nhanh của quân đội