Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp

21:05 | 17/09/2013

10,754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo của Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 cho thấy, nhiều loại tội phạm giảm nhưng nhìn chung còn diễn biến hết sức phức tạp.

>> Tăng hình phạt để chống tội phạm

Song song với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều nhất trí với tinh thần, việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực vì chính… “sức ép” của Nghị định. Tuy nhiên, các báo cáo cũng khẳng định tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm an ninh quốc gia và tội phạm tài chính ngân hàng.

Báo cáo của Chính phủ thể hiện rõ, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 37/2013/QH13 về công tác tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành Chương trình phòng chống tội phạm trên nhiều lĩnh vực. Năm 2013 tình hình tội phạm đã được kiềm chế, nhiều loại tội phạm giảm nhưng vẫn phức tạp. Đáng chú ý các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình gây chia rẽ nội bộ ta, lợi dụng chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 để đẩy mạnh phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, thậm chí đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.

Hoạt động băng nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại, tập trung chủ yếu ở các vùng giáp ranh tỉnh, thành phố lớn. Hoạt động phạm tội là bảo kê sòng bạc, cá độ bóng đá, số đề, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản. Tội phạm trộm cắp tài sản tăng 11,8%, cưỡng đoạt tài sản tăng 20,9%. Tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin tài khoản của người nước ngoài để thanh toán dịch vụ, đặt vé máy bay, mua hàng hóa… diễn ra nghiêm trọng. Sau khi triệt phá một số vụ án mua bán hàng hóa đa cấp trực tuyến, đối tượng thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Đối tượng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tuy bị kiềm chế, nhưng vẫn xảy ra một vài vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế và phát triển của xã hội. Do hàng tồn kho lớn, thua lỗ, phá sản là nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm, chiếm dụng vốn lẫn nhau, chiếm dụng vốn ngân hàng… trong bất động sản, xây dựng gia tăng. Tình hình buôn lậu diễn ra ở cả đường biển, hàng không và đường bộ, chủ yếu ở các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, điện tử và khoáng sản.

Về tội phạm tham nhũng, tham ô, báo cáo cho thấy hành chính công, quản lý tài sản công, đầu tư công, xây dựng cơ bản… vẫn là khu vực gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân ở một số cơ quan đơn vị nhà nước. Tội phạm ngân hàng nổi lên là hành vi lạm quyền của nhân viên tín dụng, kí bảo lãnh cho doanh nghiệp mua hàng hóa nhưng không mở sổ sách theo dõi, bảo lãnh vượt quy định, tạo lập chứng từ khống… Bên cạnh đó, phát hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất hang hóa thực phẩm để đưa vào việt nam rồi tháo gỡ niêm phong tiêu thụ trong nước, sử dụng gia vị, chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Tội phạm ma túy được cơ quan chức năng nhân định tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu vận chuyển từ nước ngoài. Các lực lượng chức năng đã phát hiện 5 tuyến ma túy từ Tam giác Vàng về Việt Nam theo đường Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh. Xu hướng mua bán và sử dụng ma túy đá diễn ra ngày càng phổ biển ở các thành phố lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên, giới trẻ, kéo theo số lượng tụ điểm phức tạp tăng nhanh. Tội phạm sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng 

Tang vật trong một vụ án ma túy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm hình sự là do nhận thức về pháp luật của người dân còn thấp. Một bộ phận người dân coi thường pháp luật, xu hướng trẻ hóa tội phạm đang gia tăng. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát luật cho người dân còn hạn chế, chưa thường xuyên liên tục. Lực lượng chức năng còn mỏng, phương tiện hỗ trợ công tác phát hiện vi phạm hành chính lạc hậu, do vậy chưa đủ phát hiện. Một bộ phận cán bộ tiêu cực, có biểu hiện tham nhũng. Và cuối cùng, đó là sự vào cuộc của các đơn vị, cơ quan chưa thật sự quyết liệt.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong năm 2013 đã giải quyết 271.100 vụ trong tổng số 365.650 vụ án đã thụ lý, tăng trên 30.000 vụ so với năm 2012. Bên cạnh đó TANDTC và tòa án các tỉnh cũng giải quyết 5.699 vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng gần 1.000 vụ so với cùng kỳ năm ngoái…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật. Theo Phó Chủ tịch nước, việc đấu tranh phòng chống tội phạm là của các cấp, ngành và toàn xã hội nên không thể đổ hết cho ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, đồng thời các ban, ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong công tác điều tra, xét xử, tranh tụng và tố tụng phải thực thi đúng pháp luật, đồng thời các Ủy ban của Quốc hội phải thực hiện tốt công tác giám sát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu trong báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án phải đánh giá rõ và nhận định về tình hình tội phạm để từ đó có giải pháp kịp thời và hiệu quả. Hoạt động giám sát, đánh giá tình hình phải được thực hiện rõ ràng.

Trong phần thảo luận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước lưu ý đến những cái tăng, cái phức tạp và phải đánh giá đúng thực trạng trước khi quyết định có nên ra nghị quyết hay không. Ông Phước đánh giá tình hình tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức còn biến phức tạp, và sẽ không dừng lại ở mức độ như hiện nay. Các loại tội phạm có tổ chức với những hành vi táo bạo, trắng trợn thách thức các cơ quan pháp luật.

Ông K’sor Phước cũng cho rằng, trong thực tế vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra mà chưa được thống kê hết. Theo báo cáo thì có khoảng 5,5 triệu vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhưng con số thực tế có khi còn lớn hơn nhiều. Bởi trên con đường nào cũng có người vi phạm giao thông, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên diễn ra, thống kê đầy đủ thì phải còn đến vài triệu vụ vi phạm nữa. Hay các vụ việc về tài nguyên môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại. Có những vùng dù đã bị báo động cách đây vài chục năm, nhưng đến giờ hậu quả là đã không còn rừng.

Phản ánh về nhận thức trong nhân dân, UBTVQH cho rằng, có một số người đang bất chấp cả quy định pháp luật. Chỉ bắt trộm một con chó cũng bị đánh đến chết, mặc dù người nhà đã ra sức van xin. Bên cạnh đó ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân ở nước ta đang “có vấn đề”. Công tác thực thi công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt…

Lê Tùng (ghi)