Tin tức kinh tế ngày 6/8: 169 nhà cung ứng dệt may đã trở lại Big C
Big C mở lại đơn hàng cho 169 nhà cung ứng dệt may
Sáng nay (6/8), tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tiếp và làm việc với bà Jariya Chiathivat - Đại diện của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tại Việt Nam và ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group Việt Nam cũng như các cán bộ chủ chốt của Central Group Việt Nam.
![]() |
Hàng may mặc bày bán tại Big C Thăng Long, Hà Nội |
Thông tin tại buổi làm việc cho thấy: Sau một thời gian xem xét năng lực của 200 nhà cung ứng dệt may Việt Nam, Central Group đã mở lại mã hàng và tiếp tục có đơn đặt mua hàng của 169 nhà cung ứng hàng dệt may (31 nhà cung ứng còn lại đã chủ động dừng cung cấp hàng cho Central Group từ đầu năm 2019).
Đồng thời, Central Group cũng thông báo, hiện có 8 trong tổng số 169 nhà cung ứng nêu trên đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng trước đây và đang đàm phán với Central Group để ký kết lại hợp đồng mới.
Hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
6 tháng đầu năm, hàng hóa từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 6,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2018.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tổng số hàng nhập khẩu từ Mỹ, có tới 14 nhóm hàng đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Dẫn đầu là máy tính, điện tử, tăng 49% so với cùng kỳ 2018, đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 32% trong tổng kim ngạch. Ô tô nguyên chiếc tăng tới 107%, đạt trên 24 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 95%, đạt 8,8 triệu USD.
Bên cạnh đó, hàng rau quả từ Mỹ vào Việt Nam trong nửa đầu năm tăng tới 70%, đạt hơn 116 triệu USD; còn thủy sản tăng 67%, đạt 47 triệu USD. Các loại bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc nhập từ nước này cũng tăng hơn 66%, đạt hơn 5 triệu USD.
Nhìn chung, giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thời gian qua giảm khá mạnh, tập trung vào nông, thủy sản, linh kiện điện tử. Hiện tại, tôm hùm, cua huỳnh đế, thịt heo, đậu tương của Mỹ về Việt Nam giá giảm 15-50% so với năm ngoái.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản Mỹ nhằm đáp trả Tổng thống Trump áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa. Đây sẽ là động thái khiến cho các mặt hàng nông sản của Mỹ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Các doanh nghiệp nhập khẩu dự báo, nửa cuối năm, nông sản của nước này sẽ đổ về Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 18,6 tỷ USD
Tính riêng tháng 7, xuất khẩu cả nước ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng năm 2019, xuất khẩu đem về khoảng 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Thống kê cho thấy, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp hơn 101,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khối FDI đạt 82,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 7 tháng, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 18,6 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc cân bằng cán cân thương mại của cả nước.
Điều tra chống bán phá giá sản phẩm plastic từ Trung Quốc
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam.
![]() |
Sản xuất sản phẩm plastic |
Vụ việc được khởi xướng điều tra dựa trên Hồ sơ yêu cầu do đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào ngày 26/4/2019. Bên yêu cầu đã cáo buộc các sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ polymer, propylen (hay còn được gọi là sản phẩm màng Biaxial Oriented Polypropylene - BOPP) nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất màng BOPP của Việt Nam.
Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Giá bán nhiều sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý tăng 100%
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, tính đến nay, Việt Nam đã bảo hộ 74 chỉ dẫn địa lý quốc gia. Như vậy, trong hơn 10 năm qua, số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia đã tăng 3,5 lần.
![]() |
Cam Cao Phong làm một trong những sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý bán với giá rất tốt |
Trong đó, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo. Có 5 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ, là: Nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, về cơ bản, chỉ dẫn địa lý đã tác động đến giá trị của sản phẩm. Giá bán của các sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đều có xu hướng tăng, từ 50% đến 100%.
Cụ thể các sản phẩm như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), chuối ngự Ðại Hoàng (Hà Nam), cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…
Nguyễn Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Tin tức kinh tế ngày 14/4: Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025