Tin tức kinh tế ngày 4/8: Hà Nội sắp tổ chức sự kiện toàn cầu về đổi mới sáng tạo
Hà Nội sắp tổ chức sự kiện toàn cầu về đổi mới sáng tạo
![]() |
Nhu cầu đổi mới sáng tạo ngành Dầu khí luôn được PVN đặt lên hàng đầu |
Sự kiện toàn cầu về đổi mới sáng tạo Hanoi Innovation Summit (HIS) tập trung vào 6 chủ đề lớn gồm: Công nghệ tiêu dùng, Môi trường, Khoa học đời sống, Thành phố thông minh, Tương lai của việc làm, Di động và hậu cần.
Sự kiện toàn cầu HIS được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội trong 2 ngày 29-30/8. Sự kiện do UBND TP Hà Nội cùng với Startup Sesame - công ty chuyên tổ chức sự kiện và Schoolab - trung tâm Đổi mới sáng tạo chuyên cung cấp các khoá đào tạo cho công ty khởi nghiệp trẻ có trụ sở tại Paris, San Francisco và Hà Nội - phối hợp tổ chức.
Ngoài 6 chủ đề lớn, sự kiện còn tổ chức cuộc thi OI Award - nơi những công ty khởi nghiệp có thể giới thiệu doanh nghiệp của họ tới các nhà đầu tư tiềm năng và truyền thông quốc tế. 60 startup được chọn trong số các startup đăng ký tham gia cuộc thi sẽ có cơ hội nhận được gian trưng bày, giới thiệu ý tưởng và nơi ở miễn phí trong sự kiện.
Startup có triển vọng nhất sẽ giành giải thưởng bao gồm 10.000 USD tiền mặt, AWS cloud credit (credit trên dịch vụ đám mây của Amazon), khóa tăng tốc khởi nghiệp ở Việt Nam và cơ hội tham gia các sự kiện quốc tế từ đối tác của HIS tại Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ.
Người Việt đi du lịch nước nào nhiều nhất?
![]() |
Du khách Việt Nam ưa thích các nước châu Á |
81,6% người tham gia khảo sát được hỏi đã từng hoặc đang dự định cho một chuyến đi du lịch tới Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...
Đây là kết quả khảo sát về xu hướng đi du lịch nước ngoài của khách Việt 2019, do Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox (Outbox Consulting) vừa công bố.
Số lượng khách Việt Nam đi du lịch quốc tế (outbound) luôn đạt mức tăng trưởng từ 10-15%/năm. Khảo sát dẫn thống kê từ ASEAN Travel 2018 cho thấy nếu năm 2012 Việt Nam có khoảng 4,8 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, thì đến năm 2018 con số này đã gần gấp đôi lên 8,6 triệu lượt.
Tốc độ tăng trưởng của phân khúc du lịch này đạt 9,5% mỗi năm từ nay đến 2021. Dự kiến 2021, người Việt du lịch nước ngoài sẽ tập trung nhiều nhất vào các hộ gia đình có thu nhập trên 10.000-30.000 USD/năm.
Theo kết quả khảo sát, 5-10 triệu đồng là mức chi tiêu bình quân cho mỗi chuyến đi của người Việt ở nước ngoài. Khách lựa chọn tour trọn gói sẵn sàng trả 10-20 triệu đồng/chuyến đi, cao hơn so với mức chi của khách đi tự túc (5-10 triệu đồng/chuyến).
Đề xuất 2 phương án trả lương lũy tiến làm thêm giờ
![]() |
Đề xuất phương án càng làm thêm nhiều giờ thì lương càng cao |
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ chế để ràng buộc doanh nghiệp khi tổ chức làm thêm giờ là việc trả lương sẽ được tính lũy tiến theo nguyên tắc càng làm thêm giờ nhiều thì tiền lương cao.
Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm.
Mức giờ làm thêm tối đa này sẽ được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc kéo dài thời gian làm việc trong ngày giúp doanh nghiệp tăng sự linh hoạt trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giúp người lao động nâng cao thu nhập.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đề xuất quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Theo đó, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đưa ra hai phương án tính lương làm thêm giờ cho người lao động. Phương án 1: Vào ngày thường, tiền lương ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 250% cho giờ làm thêm thứ 3, 300% cho giờ làm thêm thứ 4.
Với phương án 2, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động đặt mục tiêu trong 200 giờ làm thêm đầu tiên, cách tính như quy định hiện hành đang áp dụng, tức là ngày thường; ngày nghỉ; ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương. Trong trường hợp làm thêm tiếp tới giờ 201 đến giờ thứ 300, tiền lương ít nhất bằng 250%.
Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn gỗ vào Việt Nam, cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế
![]() |
Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá ván gỗ công nghiệp |
Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam được cảnh báo không tiếp tay cho hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp nước ngoài.
Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp tại Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) nhập khẩu lượng lớn gỗ, sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về Việt Nam chỉ gia công thô sơ hoặc không gia công, xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác (trong đó có Mỹ).
Việc này khiến Việt Nam trở thành bàn đạp, chỗ ẩn nấp của mặt hàng gỗ từ Trung Quốc né thuế của Mỹ, khiến nguy cơ Việt Nam bị phía Mỹ điều tra, áp thuế, ảnh hưởng đến ngành gỗ Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngoài việc phá hoạt nền sản xuất, thương hiệu Việt, hành động của các doanh nghiệp gỗ còn được Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ rõ là: trục lợi tiền ngân sách.
Cụ thể, doanh nghiệp nhập gỗ thành phẩm, bán thành phẩm, gỗ ép của Trung Quốc nhưng khai báo nhập khẩu gỗ của chủ rừng Việt Nam hoặc doanh nghiệp cung cấp gỗ tại Việt Nam.
Hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam có hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp tại Việt Nam mua nguyên liệu trong nước, chế biến sau, tạo giá trị gia tăng trong nước. Lợi dụng chính sách này, các doanh nghiệp nhập gỗ Trung Quốc, nhưng khai báo nhập trong nước để được hưởng hoàn thuế số tiền từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Xuất khẩu cà phê giảm, chỉ đạt 1,57 tỷ USD
![]() |
Cà phê liên tục giảm giá và lượng xuất khẩu trong 6 tháng qua |
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 919.038 tấn cà phê, thu về gần 1,57 tỷ USD, giá trung bình 1.706 USD/tấn, giảm cả về lượng, về kim ngạch và giảm về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm trên 14,8% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt 136.180 tấn, tương đương 214,4 triệu USD, giá 1.574,4 USD/tấn, giảm hơn 13% về kim ngạch và về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 về tiêu thụ cà phê Việt Nam, đạt 101.520 tấn, tương đương 202,48 triệu USD, cũng giảm cả về lượng và giảm về kim ngạch so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ xếp thứ 3 về tiêu thụ cà phê, chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 89.249 tấn, trị giá 147,02 triệu USD, giảm 27,8% về kim ngạch, giảm 14,9% về giá so với cùng kỳ.
Như vậy, cả 3 thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều sụt giảm trong 6 tháng qua. Nhưng giảm mạnh nhất là thị trường Indonesia, giảm 74% cả về lượng và kim ngạch, đạt 13.849 tấn. Chỉ có một vài thị trường xuất khẩu tăng cả lượng và kim ngạch là Philippines, Malaysia và Canada.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam với mục tiêu đặt ra là xuất khẩu đem về 3,74 tỷ USD trong năm 2019. Trước những thách thức khó khăn của thị trường 6 tháng cuối năm cần có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mới đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân khiến nông sản Việt khó đạt quy chuẩn của các thị trường khó tính
![]() |
Nông sản Việt chinh phục thị trường thế giới |
Thiếu sự phối hợp đồng bộ với nguồn cung là người nông dân nên sản phẩm nông sản sau khi thu mua từ nông dân thường không đạt chuẩn tiêu chuẩn về chất lượng cũng như quy cách sản phẩm để xuất khẩu (XK) sang những thị trường khó.
XK nông sản đến nay đã sụt giảm hơn 20% kim ngạch. Nguyên nhân được giới phân tích chỉ rõ là từ tháng 6/2019, nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc phải bằng đường chính ngạch cũng như tuân thủ các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, việc XK gạo vào thị trường này không thể là ngoại lệ nên chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Đối với XK cà phê, sau khoảng thời gian sụt giảm trong 6 tháng, số liệu nửa đầu tháng 7 cho thấy có chút tín hiệu tích cực khi tăng 4,7% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với nửa đầu tháng 6.
Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo do cung vượt cầu nên thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã phần nào gây bất lợi lên giá mặt hàng cà phê.
Về việc XK hạt điều sụt giảm về giá trị nhưng lại gia tăng về sản lượng trong 7 tháng qua, giới chuyên gia lý giải là do giá XK bình quân chỉ đạt mức 7.613 USD/tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Các DN ngành điều vẫn đang hy vọng có sự phục hồi về giá trong các tháng còn lại của năm nay nhằm đồng điệu với nhu cầu gia tăng về sản lượng XK khi các thị trường XK chủ lực sẽ đẩy mạnh mua vào.
Tùng Dương (t/h)
-
Giá vàng trong thời gian tới sẽ ra sao?
-
Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh cùng loạt ưu đãi hấp dẫn từ Agribank
-
Mỹ bắt đầu Chương trình cho thuê thềm lục địa khai thác dầu khí
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/4: Trung Quốc quay lại mua dầu thô Nga
-
Tin tức kinh tế ngày 23/4: Tiền gửi ngân hàng suy giảm sau nhiều tháng tăng liên tục