Tin tức kinh tế ngày 5/8: Người Singapore mỗi năm làm ra 3,5 tỷ đồng, người Việt chỉ 256 triệu đồng
Người Singapore làm ra 3,5 tỷ đồng mỗi năm, người Việt chỉ 256 triệu đồng
Năng suất lao động của người lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và đáng nói là sự chênh lệch này ngày càng tăng.
Cụ thể, theo con số của Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2018, năng suất lao động theo sức mua tương đương của người Singapore đạt hơn 152.400 USD (3,5 tỷ đồng/người/năm), người Malaysia đạt hơn 58.670 USD (1,3 tỷ đồng); người Thái Lan là hơn 30.100 USD (698 triệu đồng); người Indonesia là hơn 24.800 USD (571 triệu đồng)… Trong khi đó, năng suất lao động của người Việt là 102 triệu đồng (năm 2018), quy đổi ra sức mua tương đương là hơn 11.142 USD/người/năm, tương đương 256 triệu đồng/người/năm.
![]() |
Năng suất lao động của người Việt thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực |
Như vậy, năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; gần 45% của Indonesia…
So với năm 2011, với năng suất lao động của người Việt năm 2018 là 102 triệu đồng/người/năm, chỉ tăng gấp đôi, một mức tăng được đánh giá là quá thấp, nhất là so với các nước trong khu vực. Cụ thể, lao động Malaysia, mức chênh lệch năng suất từ 975 triệu đồng năm 2011, nhưng đến năm 2018 năng suất của người Malaysia đã chênh người Việt 1 tỷ đồng/năm.
Mức chênh thu nhập của người lao động Thái Lan từ 344 triệu đồng năm 2011, năm 2018 đã tăng lên 436 triệu đồng. Với lao động Indonesia, mức chênh thu nhập từ 260 triệu đồng năm 2011 đã lên 315 triệu đồng năm 2018 và với người Philippines, mức chênh thu nhập với lao động Việt từ 140 triệu đồng năm 2011, nhưng đến 2018 đã tăng lên 200 triệu đồng.
Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 892 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7 ước đạt 144,45 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu NSNN 7 tháng ước đạt 891,7 nghìn tỷ đồng.
Về chi NSNN, tổng chi tháng 7 ước đạt 110,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi NSNN 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 134,49 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 68,16 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% dự toán; chi thường xuyên đạt xấp xỉ 566 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán.
Mỗi tháng Việt Nam chi 164 triệu USD nhập rau, củ, quả từ nước ngoài
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng 2019, chi nhập khẩu rau, củ, quả của nước ta tăng cao kỷ lục, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.
![]() |
Táo Mỹ bán ở siêu thị |
Với mức chi nhập khẩu 1,15 tỷ USD trong 7 tháng, trung bình mỗi tháng, ngoại tệ chi ra để nhập khẩu rau, củ, quả vượt 164 triệu USD.
Như vậy, so với mốc 2,3 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong 7 tháng qua, ngành rau quả đang xuất siêu 1,15 tỷ USD.
Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia… là 4 thị trường cung cấp rau củ qủa lớn nhất cho thị trường Việt Nam trong 7 tháng qua.
780 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa niêm yết
Trong suốt 2 năm chỉ có 125 trong số 747 doanh nghiệp đã cổ phần hóa đăng ký niêm yết, theo Bộ Tài chính.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hồi tháng 8/2017, cơ quan này đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đến hết quý II/2019 vẫn còn 622 doanh nghiệp trong số này chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán nâng tổng số lên 780 đơn vị.
Mỗi người ăn 56 gói mì ăn liền/năm
Báo cáo thị trường hàng tiêu dùng nhanh quý II vừa được hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel công bố cho thấy, bình quân khối lượng tiêu thụ mỳ ăn liền tính trên đầu người mỗi năm tại khu vực nông thôn Việt Nam lên đến 56 gói. Con số này tại những thành phố như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ là 36 gói.
![]() |
90% hộ gia đình Việt Nam ăn mì ăn liền |
Trong vòng một năm qua, ước tính có đến 90% hộ gia đình Việt Nam sử dụng thực phẩm này. Việc tăng trưởng tại các thị trường có tệp khách hàng ổn định được đánh giá là thách thức lớn với các nhãn hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bình quân 2 ngày, thị trường lại đón nhận thêm một thương hiệu mỳ ăn liền mới. Phân khúc các sản phẩm này được xác định bởi một số yếu tố chính như giá cả, bao bì, hương vị.
Doanh nghiệp lãi 13 triệu đồng/tấn điều nhập khẩu để chế biến
Theo thông tin của cơ quan Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hơn 235.000 tấn hạt điều, đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, đơn giá bình quân khoảng 7.600 USD/tấn (176 triệu đồng/tấn), bình quân hơn 176.000 đồng/kg.
Giá xuất khẩu điều của Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu điều thô từ các thị trường về Việt Nam. Cụ thể, điều thô nhập từ Bờ Biển Ngà, nước có lượng điều thô nhập về Việt Nam lớn nhất với hơn 214.600 tấn trong 7 tháng qua. Trị giá chỉ hơn 305 triệu USD, tương đương khoảng 32,8 triệu đồng /tấn (khoảng 32.700 đồng/kg).
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu điều thô thứ 2 vào Việt Nam là Campuchia với 170.500 tấn, kim ngạch hơn 287 triệu USD, tương đương 38,7 triệu đồng/tấn, khoảng 38.700 đồng/kg.
Giá trị gia tăng xuất khẩu điều của Việt Nam từ 130.000 đồng đến gần 140.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi tấn điều nhập về để chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp Việt lãi từ 13 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Tú Anh (tổng hợp)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Đồng USD rơi xuống sát đáy 3 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 15/4: Thanh long soán ngôi “vua” trái cây
-
Tin tức kinh tế ngày 14/4: Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025