Tìm vốn xây dựng nhà ở cho thợ mỏ

07:00 | 16/10/2013

662 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh về lao động và quy mô, nhu cầu nhà ở cho người lao động ngày càng gia tăng, trở thành sức ép với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Thực tế cũng chứng minh, đây cũng chỉ là một trong nhiều phương án cốt lõi của ngành than nhằm chăm lo đời sống thợ mỏ.

Nhu cầu thực tế

Tại Đề án xây dựng nhà ở cho công nhân và lao động ngành than và khoáng sản tầm nhìn đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Vinacomin dự tính, đến năm 2015, số lượng CBCNV toàn Tập đoàn lên đến 160 nghìn lao động, trong đó có 130 nghìn trực tiếp. Đến 2030 con số tăng thêm là khoảng 100 nghìn người so với hiện tại, trong đó công nhân hầm lò độc thân chiếm 30%. Đối tượng này chính là “phần” cần phải giải quyết về chỗ ở, trong điều kiện sản xuất ngành than gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thợ hầm lò ngày càng tăng nhưng huy động lực lượng gặp khó.

Tổng Công ty Đông Bắc chuẩn bị đưa vào sử dụng khu tập thể mới

Trong nhiều hội thảo bàn về phát triển bền vững cho ngành than, có một vấn đề lớn lãnh đạo Vinacomin khá trăn trở. Đó là lượng công nhân hầm lò đang có dấu hiệu giảm nhanh, trong khi số lao động tuyển mới chưa thể lấp đầy chỗ trống đó. Khảo sát từ đơn vị tư vấn đề án cho thấy, công nhân lao động của Tập đoàn tại Quảng Ninh hiện có 108.700 người, chiếm 21,4% dân số của tỉnh, chủ yếu tập trung trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Trong đó có 32,5% số công nhân lao động phải đi thuê ngoài tại các nhà dân tương đương hơn 6.200 người có nhu cầu thực về nhà ở. Điều kiện cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng nơi công nhân thuê trọ phần lớn có hiện trạng tạm bợ, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về sinh hoạt hằng ngày chưa kể đến nhu cầu văn hóa giải trí lành mạnh và có thể ở ổn định lâu dài. Mới chỉ có 11% người lao động được Tập đoàn cung cấp nhà ở. Số lượng lớn lao động tập trung tại các mỏ và nhà máy tại khu vực này dẫn đến sức ép lớn về xây dựng nhà ở phục vụ công nhân cho các đơn vị thành viên tập đoàn này.

Lãnh đạo Tập đoàn trong những năm qua đã xác định xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động là nhiệm vụ quan trọng của ngành nhưng thực hiện còn khiêm tốn so với nhu cầu. Với điều kiện hầm mỏ nằm tại khu vực tách biệt với đô thị và khu dân cư, một số công nhân sống trong khu nhà ngay trong mỏ thiếu sự kết nối hạ tầng và giao lưu với xã hội. Nếu không lo được nhà ở cho người lao động, công nhân ngành than sẽ bỏ việc gây khó khăn rất lớn cho Tập đoàn”, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn khẳng định.

Mặt khác, cũng là xây dựng nhà ở cho lực lượng công nhân nhưng ngành than không được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ từ hệ thống ngân hàng. Đề án lần này của Tập đoàn cần sự góp ý và hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành để việc triển khai có cơ sở thực tiễn.

Dự án mới khó tìm vốn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị thuộc Vinacomin có 69 khu nhà, với tổng diện tích sàn hơn 155.000m2. Bên cạnh “vốn liếng” đó, Tập đoàn đang triển khai hoạt động SXKD với tổng mức đầu tư khoảng hơn 6 nghìn tỉ đồng tiêu biểu như dự án khu dân cư Cột 5 với tổng mức đầu tư hơn 2 nghìn tỉ đồng bao gồm tổ hợp 3 khối nhà chung cư cao 30 tầng và hơn 68 căn biệt thự, liên kế đáp ứng cho khoảng 1.200 người; dự án KĐT ngành than tại phường Hà Khánh với quy mô khoảng 98,3ha với tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 1.500 tỉ đồng, dự án KĐT Nam Cầu Trắng có quy mô khoảng 46,5ha và tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 nghìn tỉ đồng… Tuy nhiên, sau khi những dự án trên hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ rất khó để các doanh nghiệp trực thuộc có thể duy trì “mạch” xây dựng trên bởi ngay cả trong khâu khai thác, ngành than còn đang quá khó khăn trong khâu thu xếp vốn. Tính nhanh, để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, dự kiến từ nay đến 2015 Tập đoàn sẽ thực hiện 31 dự án nhà ở cho công nhân, xây dựng khoảng gần 5.000 căn hộ giải quyết chỗ ở cho trên 20.000 công nhân với số vốn đầu tư lên tới… 3.406 tỉ đồng.

Tại cuộc họp bàn về giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân ngành than được tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, đồng chí Đỗ Thông, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ, công nhân ngành than trên địa bàn tỉnh rất đông. Mỗi khu mỏ, nhà máy có 5.000-10.000 công nhân, như các khu công nghiệp tập trung, vì vậy tỉnh và ngành tha thiết đề nghị được áp dụng chính sách ưu đãi như CNLĐ tại các khu công nghiệp theo Quyết định của Chính phủ về một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động. Nguồn vốn đầu tư xây dựng được tính bằng phần trăm giá than nguyên khai và giao cho ngành than đề xuất cụ thể trong Đề án phát triển nhà ở công nhân…

Theo Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn, việc giải quyết về nhà ở chính là động lực để CNLĐ gắn bó, yên tâm với nghề, nhưng khó khăn nhất hiện nay là ngành than không có vốn để đầu tư phát triển quỹ nhà ở. Mấu chốt là do giá than vẫn chưa được xác định đúng bản chất, sức cạnh tranh kém… Chính vì vậy, ngành than kiến nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn chuyển đổi mục đích sử dụng một số quỹ đất dôi dư tại các nhà máy, cơ sở sang đất ở để xây nhà tập thể cho công nhân. Đặc biệt, để nhanh chóng có nguồn vốn triển khai các dự án nhà cho công nhân mỏ, lãnh đạoTập đoàn kiến nghị các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được trích 1USD/tấn than bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở công nhân. Trong 3 năm, Tập đoàn sẽ thu được tiền thuê nhà hoàn trả ngân sách… Bởi lẽ nếu được trích 1USD/tấn than sẽ tạo được dòng tiền ngay, mỗi năm sẽ có khoảng 800-900 tỉ đồng để xây dựng nhà ở cho công nhân mỏ; qua đó, góp phần ổn định nguồn lao động phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Tùng