Tiến sỹ, giáo sư - nhiều mà vẫn thiếu!

07:06 | 29/06/2015

3,508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại sao bây giờ chúng ta có nhiều GS, PGS và TS như thế mà vẫn nói là thiếu? Nếu tính theo tỷ lệ GS/sinh viên mà đủ thì liệu chất lượng đào tạo có khá hơn không? Thật khó trả lời! Bởi từ vài chục năm nay, dư luận xã hội đã nghi ngờ ngay cả đội ngũ GS, PGS và TS.

Năng lượng Mới số 403

Hồi tháng 2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCD GSNN) đã tổ chức lễ công bố Quyết định và trao giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2014 cho 644 người. Hà Nội vẫn dẫn đầu số GS, PGS được phong (44 GS và 366 PGS), tiếp đó là TP HCM (8 GS, 97 PGS).

Như vậy, sau 38 năm thực hiện việc xét và trao danh hiệu GS, PGS của HĐCD GSNN (từ năm 1976 đến hết năm 2014), tổng số GS, PGS được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm 1.628 GS và 9.469 PGS, trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.

Cứ ngỡ là nước ta đã có quá nhiều GS, PGS và tiến sĩ (TS). Nhưng GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký HĐCD GSNN cho biết, năm 2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng số sinh viên đại học là 1.730.000, số giảng viên đại học là 74.630, trong đó có 4.155 GS, PGS. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS.

Lễ công bố Quyết định và trao giấy Chứng nhận GS, PGS năm 2014

Như vậy, theo lời GS Trần Văn Nhung thì đội ngũ GS, PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng, chứ không đến mức “lạm phát” như ai đã nói.

Đó là ý kiến của GS Nhung. Còn xét trên thực tế, có những vấn đề cần phải bàn đến là việc xét công nhận học hàm này và việc sử dụng đúng người đúng việc đối với các GS, PGS ở nước ta.

Nhìn lại mấy chục năm trước đây, khi đất nước mới thống nhất, cả hệ thống đào tạo của nước ta lúc đó có khoảng 40-50 trường đại học và cao đẳng. Số lượng GS khi ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những khoa, thậm chí những trường đại học không có cán bộ giảng dạy nào có học hàm GS. Nếu tính theo tỷ lệ yêu cầu thì không biết cụ thể lúc đó bao nhiêu nghìn sinh viên mới có 1 GS. Nhưng chất lượng giảng dạy và đào tạo khi đó rất cao, sinh viên tốt nghiệp đại học đạt tỷ lệ khá, giỏi thực sự cũng cao.

Tất nhiên là trước đây khâu tuyển chọn đầu vào của các trường đại học chặt chẽ hơn nên chất lượng sinh viên cũng cao hơn. Song, không thể phủ nhận một điều là chất lượng người thầy, tức là các giảng viên đại học thời ấy cũng khác hẳn. Thầy ra thầy, trò ra trò, học ra học chứ không phải kiểu truyền đạt kiến thức kiểu “đọc - chép” như lâu nay. Thầy có kiến thức, có kỹ năng nên truyền đạt cho trò rất hiệu quả để khi ra trường làm tốt nhiệm vụ mà mình được giao.

Vậy tại sao bây giờ chúng ta có nhiều GS, PGS và TS như thế mà vẫn nói là thiếu? Nếu tính theo tỷ lệ GS/sinh viên mà đủ thì liệu chất lượng đào tạo có khá hơn không? Thật khó trả lời! Bởi từ vài chục năm nay, dư luận xã hội đã nghi ngờ ngay cả đội ngũ GS, PGS và TS. Đầu vào sinh viên đã không đạt chất lượng mà thực chất của các vị GS, PGS, TS cũng chưa đạt được đúng tiêu chí cần phải có thì hậu quả đầu ra kém chất lượng là điều tất yếu.

Chúng ta cùng nhìn lại việc phong học hàm GS, PGS lâu nay. Giáo sư là tên gọi một chức danh dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS là một chức danh khoa học dành cho người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng thấp hơn GS.

Ở các nước Âu - Mỹ, GS không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một chức vụ giảng dạy, thường do các trường đại học tự chọn lựa và quyết định. Ở các nước Đông Âu, Liên bang Nga và một số nước khác thì GS là một chức vụ giảng dạy (tại một bộ môn nào đó do hội đồng chuyên ngành quyết định) hoặc chức danh khoa học (do hội đồng giáo dục và khoa học liên bang công nhận) tùy vào thời gian, thành tích giảng dạy đại học, sau đại học và công trình khoa học của các giảng viên có học vị TS hoặc TS khoa học.

Xác định GS, PGS là một chức vụ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu nhưng thực tế, có những cán bộ không trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu vẫn được phong chức danh này. Một số người trước đây có tham gia làm cán bộ giảng dạy một số năm, sau đó chuyển sang làm cán bộ lãnh đạo quản lý ở lĩnh vực khác. Hằng năm họ vẫn được trường đại học mời về giảng dạy một số giờ nhất định theo một chuyên đề nào đó.

Số cán bộ này được phong GS, PGS cũng còn hợp lý. Nhưng trái lại, có những cán bộ chưa bao giờ là giảng viên đại học, hoàn toàn làm ở lĩnh vực lãnh đạo quản lý; thỉnh thoảng có đến lên lớp giảng - trình bày một chuyên đề nào đó cho các học viện, trường đại học rồi cũng được phong PGS.

Có lẽ dư luận thắc mắc, nói là “lạm phát” GS, PGS là ở những đối tượng này. Cho nên, nhiều cán bộ lãnh đạo ở những lĩnh vực khác nhau, mỗi khi xuất hiện trước công chúng đều được xướng danh kèm theo học hàm và học vị rất oai “PGS-TS” mà những người từng quen biết cảm thấy bất ngờ: Không biết vị này giảng dạy và nghiên cứu gì mà được phong PGS-TS và phong từ bao giờ nhỉ?

Cái mác PGS-TS giúp cho nhiều cán bộ leo nhanh, leo cao lên những chức vụ to hơn nên sẽ còn nhiều PGS-TS như thế ra đời. Và thiên hạ đều có mắt cả, họ phân biệt được rõ đâu là danh, đâu là thực. Đối với những cán bộ mà gắn trên mình những học hàm, học vị không tương xứng với tài năng thực thì dưới con mắt thiên hạ, các vị này dễ bị coi là tiến - sĩ - giấy.

Nếu xác định GS và PGS là chức danh dành cho các giảng viên của các trường đại học và cán bộ thuộc các viện nghiên cứu thì hà cớ gì lại phong chức danh ấy cho những cán bộ không liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học, không đúng đối tượng?

Nước ta đã có số tiến sĩ mà tính theo tỷ lệ dân số thì nhiều hơn so với một số nước. Nhưng các công trình khoa học và đề tài ứng dụng vào thực tiễn thì lại thua rất xa họ. Đó là sự cảnh báo về “lạm phát” TS. Vậy mà với cách phong GS, PGS hiện nay, chẳng mấy nữa chúng ta cũng có số lượng GS, PGS cao hơn các nước mà hiệu quả mang lại cho xã hội lại chẳng đáng là bao.

Vì vậy, nên chăng chúng ta chỉ tập trung xem xét, ưu ái hơn cho những cán bộ trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu khoa học có thành tựu đáp ứng đủ tiêu chí để phong GS, PGS cho họ. Kế đến là các bác sĩ, các nhà nghiên cứu có những cống hiến thiết thực cho đời sống xã hội, đóng góp công lao to lớn, nhiều năm liền mang lại lợi ích cho nhân dân.

Có như vậy, học hàm GS, PGS mới được trao đúng địa chỉ và đúng với ý nghĩa của nó. Và có như vậy, những GS, PGS chân chính mới cảm thấy công bằng và và họ mới cảm thấy thực sự vinh dự khi được Nhà nước công nhận cho mình chức danh ấy để đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho đất nước. Ngành giáo dục đào tạo cũng sẽ không lo thiếu GS, PGS so với tỷ lệ sinh viên.

Thế mới gọi là “Y phục xứng kỳ đức” vậy!

Bùi Đức

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc