Thủy điện không gây lũ chồng lũ

15:18 | 25/06/2019

235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề “Thủy điện - Lợi và hại”.    

PV: Ông có thể giới thiệu một cách khái quát những ưu điểm cơ bản của thủy điện so với các nguồn điện khác?

thuy dien khong gay lu chong lu

Ông Thái Phụng Nê: Ưu điểm lớn nhất của thủy điện là khai thác và tận dụng tài nguyên thủy năng của đất nước. Phát triển thủy điện, chúng ta sẽ có nguồn năng lượng giá rẻ, không cần mua nhiên liệu như dầu, khí, than.

Ưu điểm thứ hai của thủy điện là có thể nhanh chóng điều chỉnh phủ đỉnh phụ tải điện. Khi tải tăng cao, thủy điện chỉ cần 5 phút có thể cung cấp điện cho hệ thống, trong khi đó nhiệt điện than phải mất hàng giờ.

Ngoài ra, các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang hay Ialy, Trị An còn đóng vai trò điều tiết tần số của hệ thống (điều tần). Chỉ có thủy điện mới có tần số chế độ chạy bù, giảm tần số cao hay tần số thấp của hệ thống điện. Bên cạnh đó, tùy thuộc từng công trình, thủy điện còn giúp cắt lũ, giảm lũ, tích trữ và cung cấp nguồn nước; phát triển giao thông thủy…

PV: Nhưng thực tế các công trình thủy điện cũng gây những ảnh hưởng nhất định đến môi trường tự nhiên và đời sống của cư dân trong khu vực lòng hồ thủy điện. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Thái Phụng Nê: Khi xây dựng nhà máy thủy điện, chúng ta phải di dân ra khỏi khu vực lòng hồ, tái định cư ở nơi khác. Việc đến nơi ở mới không hề dễ dàng, đơn giản với người dân. Chính vì vậy, khi xây dựng thủy điện, các chủ đầu tư phải hết sức chú ý vấn đề di dân, tái định cư, sao cho người dân phải có cơ sở sản xuất, có nơi sinh hoạt bình thường, có đủ nhà cửa, điện, đường, trường, trạm...

Thời gian qua, các dự án thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Trung Sơn… đã có chính sách tái định cư dựa theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, được người dân ủng hộ, thực tế là cuộc sống nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Tuy vậy, vẫn còn một số dự án không làm được điều này, làm cho người dân phải thay đổi nơi ở hơn 1 lần, vừa mất thời gian, vừa không ổn định cuộc sống mới.

thuy dien khong gay lu chong lu
Nhà máy Thủy điện Bắc Mê

PV: Xin ông cho biết, chức năng phòng chống lũ của các thủy điện có giống nhau không? Có hay không hiện tượng gây ra lũ chồng lũ tại các nhà máy thủy điện?

Ông Thái Phụng Nê: Thủy điện có chức năng cắt lũ, giảm lũ. Tuy nhiên, mỗi hồ chứa thủy điện có vai trò, mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn, hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà đặt nhiệm vụ chống lũ trên cả nhiệm vụ phát điện, bởi giải quyết được chống lũ cho Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn (trong đó có Hà Nội) là vấn đề lớn. Cho nên, 2 hồ chứa này có tổng dung tích chống lũ là 7 tỉ m3 nước, con số rất lớn. Chưa tính hệ thống sông Lô với Thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang với khoảng 2 tỉ m3 nữa. Dung tích đó, về cơ bản, có thể chống được lũ xảy ra với tần suất 500 năm/lần, tức là nếu có lũ tần suất lớn hơn sẽ không chống được. Ví dụ, lũ lớn nhất lịch sử trên sông Đà tính toán được là năm 1996 với lưu lượng khoảng 22.600 m3/s, tương đương với tần suất lũ 150 năm/lần. Nếu không có hồ Hòa Bình, chắc chắn sẽ có ngập lụt lớn ở Đồng bằng sông Hồng.

Còn các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, trên là núi, dưới là biển hoặc sông ngắn, có độ dốc lớn, không thể tạo được hồ có dung tích lớn, nên chỉ có thể góp phần chống lũ, nghĩa là làm giảm lũ.

Với chuyện lũ chồng lũ, tôi hiểu nhiều người cho rằng, đã có lũ rồi, thủy điện lại tiếp tục xả nước xuống làm hạ du ngập lụt thêm. Tuy nhiên, tôi khẳng định không có chuyện lũ chồng lũ. Tất cả các hồ chứa thủy điện đều có quy trình xả nghiêm ngặt và không được xả với lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng lũ về hồ. Chồng lũ là khi hồ chứa xả lớn hơn so với lưu lượng nước về hồ. Nếu chủ hồ nào làm sai quy trình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và theo tôi được biết, không có chủ hồ nào chỉ đạo xả lũ lớn hơn so với lũ về hồ.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện hiện nay cần phải sửa đổi, bổ sung. Ý kiến của ông thế nào?

Ông Thái Phụng Nê: Quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện đã được nghiên cứu rất kỹ, được hiệu chỉnh phù hợp và đến nay đã có quy trình vận hành các hồ chứa, trong đó quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo thực hiện trong mùa mưa lũ. Quy trình vận hành đơn hồ do Bộ Công Thương ban hành.

Tuy nhiên, bất cứ quy trình, quy định nào trải qua thời gian thực hiện nhất định đều phát sinh những hạn chế, bất cập do khách quan, cần nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần nghiên cứu những gì đã và đang làm được, những gì chưa đúng với tính toán, từ đó, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh.

PV: Trong thời gian qua, dư luận cho rằng, thủy điện là tác nhân gây ra hạn hán vì đã giữ lại nguồn nước trong hồ? Ông có thể lý giải cụ thể hơn vấn đề này?

Ông Thái Phụng Nê: Không bao giờ có chuyện thủy điện gây ra hạn hán, bởi hồ chứa thủy điện ít nhiều đều tích nước. Tích nước cho thủy điện để phát điện cũng là để cấp nước cho hạ du. Nếu không có hồ chứa phía trên thì hạ du sẽ hạn hán hơn nhiều, vì nước về sẽ chảy ra biển hết!

Vấn đề ở chỗ, vào mùa nắng nóng, việc điều hành cấp nước cho hạ du không chỉ chủ hồ thực hiện mà còn giao cho lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thấy cần bao nhiêu nước, bảo đảm tưới tiêu, sinh hoạt thì địa phương chủ động chỉ đạo chủ hồ thực hiện trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, dung tích hồ chứa chỉ có giới hạn, nên các địa phương cũng cần tính toán thời điểm yêu cầu cấp nước sao cho phù hợp, nếu thời điểm cấp nước nhiều mà nước không kịp về hồ, dẫn đến hết nước, sau đó hạ du có cần, hồ thủy điện cũng không còn nước để cấp nữa.

PV: Hiện tượng biến đổi dòng chảy từ các lòng sông đang diễn ra mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân một phần là do ngăn đập ở thượng lưu, dẫn đến phù sa không được bồi lắng. Ông nhận xét gì về thực tế đó?

Ông Thái Phụng Nê: Việc ngăn đập giữ phù sa chắc chắn là có, bởi khi ngăn đập một phần phù sa sẽ lắng đọng ở lòng hồ không theo dòng chảy xuống hạ du được. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn, dẫn đến biến đổi dòng chảy mà nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi dòng chảy là do khai thác cát không theo quy hoạch ở lòng sông. Số liệu quan trắc tôi có được, sông Hồng, sông Đuống nhiều chỗ bị xói sâu hơn 4 m, trong khi đó, lượng phù sa giữ lại tại hồ thủy điện Hòa Bình cao nhất mới chỉ có 1,5m.

PV: Thời gian tới, theo ông, các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ hồ chứa cần làm gì để vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy thủy điện, hài hòa giữa lợi ích phát điện và chống lũ, chống hạn?

Ông Thái Phụng Nê: Việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa phát điện và chống lũ, chống hạn đã được đề cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa hay đơn hồ do các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu và các địa phương có liên quan góp ý.

Các bên liên quan phải căn cứ vào quy trình, thực hiện nghiêm, không được làm trái, không vì lợi ích riêng của ngành, địa phương mình. Ngoài ra, các chủ hồ chứa phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vì địa phương gần dân hơn, hiểu rõ hơn, khi nào cần mở, khi nào cần đóng cửa xả, lượng nước tối thiểu xả xuống hạ lưu...

PV: Xin cảm ơn ông!

Tất cả các hồ chứa thủy điện đều có quy trình xả nghiêm ngặt và không được xả với lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng lũ về hồ. Chồng lũ là khi hồ chứa xả lớn hơn so với lưu lượng nước về hồ. Nếu chủ hồ nào làm sai quy trình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Duy Anh