Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

11:11 | 09/07/2024

458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững.

Ngày 8/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp; Lan tỏa các thông điệp chính của Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT đang chủ trì thực hiện; Chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn; định hướng các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và thị trường cho phát triển kinh tế tuần hoàn; Tìm hiểu các khó khăn, thuận lợi từ đó, kiến nghị các giải pháp về cơ chế và chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, không một ngành nào có thể tăng trưởng độc lập mà không có sự tương tác và phối hợp với các ngành khác.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Việt Nam đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua. Khái niệm kinh tế tuần hoàn được đưa ra trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thúc đẩy ứng dụng và triển khai nông nghiệp tuần hoàn được thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.

Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn là việc áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Do đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng có thể coi là một dạng nông nghiệp sinh thái.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự tham gia và quan tâm của cộng đồng quốc tế, các cơ quan chia sẻ trách nhiệm và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường triển khai nông nghiệp tuần hoàn. Từ đó, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh; phát triển bền vững không đánh đổi vì lợi ích kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế bền bảo sức đảm khỏe môi trường sinh thái lành mạnh cho thế hệ mai sau.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng; đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu.

Bên cạnh đó, bà Ramla Khalidi đưa ra 3 đề xuất trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Theo UNDP, cần hợp lý hóa sự hợp tác với các đối tác ưu tiên. Đánh giá và phổ biến các thực hành tuần hoàn có tiềm năng mạnh, mang lại lợi ích về khí hậu và môi trường. Tăng cường hợp tác để xây dựng thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, biến rác thải thành của cải.

Bên cạnh đó, các bên liên quan đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho các sản phẩm tuần hoàn. Từ phía nguồn cung, dựa trên khoa học và công nghệ, các thí điểm thành công để thiết kế hệ thống canh tác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Điều này bao gồm sự tham gia của tất cả các bên, trong quá trình chế biến, vận chuyển, bán lẻ, tìm nguồn cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn”, bà Ramla Khalidi nhận định.

Từ phía cầu, các bên phải tận dụng chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức hiệu quả để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn xanh hơn.

Đặc biệt, UNDP khuyến nghị, cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận phương thức tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp vừa, nhỏ để hỗ trợ trong việc chuyển đổi tuần hoàn.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Các đại biểu chia sẻ tại hội nghị.

Tại các phiên đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, phi chính phủ và các bộ, ngành đã cùng chia sẻ về các cơ chế hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tuần hoàn, giới thiệu các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công, đánh giá cao sự tích cực chủ động của ngành nông nghiệp về nỗ lực thực hành nông nghiệp tuần hoàn.

Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh tới đối tác công-tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn, cụ thể là vai trò chủ động của khối tư nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các sáng kiến, mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến.

Tại hội nghị, UNDP đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế Tuần hoàn (NDC-CE). Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu NDC 2025.

Đại diện UNDP cũng thông tin về nghiên cứu sắp tới liên quan đến chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo (phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Chăn nuôi và Viện Kinh tế Nông nghiệp) để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông-thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

N.H

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộcPGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc
[PetroTimesTV]  Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất[PetroTimesTV] Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất
Bốn trụ cột chính để doanh nghiệp phát triển xanhBốn trụ cột chính để doanh nghiệp phát triển xanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc