Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Thừa nhận thực trạng nhưng thiếu giải pháp căn cơ

12:34 | 12/11/2012

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng – thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (12/11) – đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong công tác điều hành, dự báo đồng thời khẳng định sẽ phối hợp hiệu quả hơn với các ngành liên quan trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn nhất, đó chính là hàng tồn kho và thị trường nội địa đang dính “bão” hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đưa ra dẫn chứng về những con số hàng tồn kho lớn như 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300.000 tấn thép, hàng chục triệu tấn xi măng.

Theo đánh giá của đại biểu, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân do yếu kém trong triển khai quy hoạch và cập nhật, dự báo tình hình để hàng hóa Việt Nam “thua ngay trên sân nhà”. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, công tác dự báo cung – cầu, quản lý, quy hoạch còn hạn chế... đã dẫn đến thực trạng trên.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, ngay từ sau kỳ họp thứ 3, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, việc thực hiện các giải pháp của các Bộ ngành và chỉ đạo của Chính phủ, tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng nhìn chung đã có chuyển biến.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trên Hội trường Quốc hội

Bộ trưởng cho biết, tồn kho lớn tập trung chủ yếu vào một số loại vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón, và than đá. Cụ thể, đối với than đá hiện tồn kho đến 1/10 khoảng 6,5 triệu tấn than quy chuẩn, tương đương 19%. Ngành than đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong đó có điều chỉnh giảm giá than theo cơ chế thị trường. Đặc biệt quyết định giảm thuế xuất khẩu của Chính phủ từ 20% xuống 10% nhằm đẩy mạnh xuất khẩu than. Theo đó, ngành than dự kiến đến cuối năm sẽ đưa tồn kho xuống mức bình thường, tức là khoảng 15%.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hiện ngành thép tồn kho 190.000 tấn, là tồn kho cao có một phần nguyên nhân từ việc kiểm tra kiểm soát chưa chặt chẽ trong quy hoạch khiến công suất dư thừa, thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp như duy trì cấp giấy phép nhập khẩu tự động để điều hành linh hoạt và khống chế được thép nhập khẩu, đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, cùng với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh các dự án đầu tư. Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng cũng cho rằng có nguyên nhân liên quan tới bất động sản và các công trình xây dựng.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn từng bước trong lĩnh vực bất động sản.

Xung quanh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan thị trường, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) chất vấn rằng, hiện nay, cử tri cảm thấy bất an và muốn biết lực lượng quản lý thị trường đang và sẽ làm gì để giải quyết căn cơ thực trạng trên?! Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bổ sung, người sản xuất, buôn bán kinh doanh chân chính, nghiêm túc thì lỗ, trốn thuế thì lợi nhuận cao, gây bức xúc trong một bộ phận dân cư.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đi thẳng vào vấn đề: “Hàng chất lượng kém đang lưu thông trên thị trường, đây là vấn đề không mới, xảy ra trong một thời gian dài. Số hàng trên ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, quyền lợi người tiêu dùng. Hiện lực lượng chuyên trách của các ngành y tế, nông nghiệp, Khoa học công nghệ, Công an...  đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đang làm lành mạnh, đẩy lùi hàng chất lượng kém. Tuy nhiên, kết quả còn chưa hiệu quả. Đây được xác định là vấn đề trước mắt của năm 2013. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về thực trạng trên!”

Xung quanh sự minh bạch của thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận có những bất cập sau 3 năm vận hành theo cơ chế thị trường. "Đúng là về thời điểm điều chỉnh tăng giảm giá, còn chưa thật phù hợp," Bộ trưởng thừa nhận. “Cũng có vấn đề khi để xảy ra tình trạng gian lận, xăng chất lượng kém không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới dài hạn, gây bức xúc trong dư luận.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng khoa học công nghệ trong vấn đề chất lượng sản phẩm; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo với các lực lượng khác trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm. Bất cứ đơn vị nào bị phát hiện vi phạm cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, bất kể sự ảnh hưởng của doanh nghiệp đó đến đâu!”

Theo tinh thần, Nghị định 84 cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ điều kiện về tài chính, kho bãi, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, phân phối… thì đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Và từ khi có Nghị định 84, thị trường nội địa đã chứng kiến sự có mặt của thêm 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh gia nhập vào cơ cấu các doanh nghiệp được làm đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu.

L.T