Thông xe tuyến huyết mạch đi sân bay Tân Sơn Nhất

12:47 | 28/09/2013

2,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 28/9, tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) đã được thông xe đoạn 4,7 km, từ giao lộ Nguyễn Thái Sơn đến đến đoạn giao cắt với Quốc lộ 13.

 

Tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ hạn chế nạn ùn xe thường xuyên trong khu vực

Tuyến đường thông xe có chiều dài 4,7 km sẽ kết nối các tuyến đường lớn, vừa giảm tình trạng ùn tắc giao thông vừa giữ vai trò là tuyến đường nối sân bay Tân Sơn Nhất đến các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển trung tâm đô thị phía Bắc TP HCM.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài là dự án BT (xây dựng – chuyển giao) đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài là Công ty xây dựng GS E&C Hàn Quốc hợp tác với Chính phủ Việt Nam thực hiện.

Dự án bắt đầu bằng sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ giữa GS E&C Hàn Quốc và UBND TP HCM vào tháng 10/2004, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 7/2005, đến tháng 12/2007 GS E&C nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Tuyến Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài là một phần của đường vành đai số 1 thuộc 1 trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông TP HCM đến năm 2020, là dự án quy mô lớn ở TP HCM, tuyến đường đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, băng qua sông Sài Gòn bằng cầu Bình Lợi.

Niềm vui của những người đầu tiên được đi trên đường mới

Tổng chiều dài toàn tuyến là 13,6 km, chiều rộng có đoạn lên đến 60 m tương ứng với 12 làn xe đi thông qua khu vực trung tâm phía Bắc TP HCM. Tuyến đường có gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di dời để thực hiện dự án.

Dự án đường Phạm Văn Đồng được xem là tuyến đường huyết mạch của TP HCM, sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối khu vực trung tâm thành phố với các vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận.

Cầu Bình Lợi có cấu trúc kỹ thuật tiên tiến nhất

Nằm trong đoạn đường thông xe ngày 28/9 còn có cầu Bình Lợi, là cây cầu băng qua sông Sài Gòn, có tổng chiều dài 1,1km, với 12 làn xe, được khởi công từ hạng mục cọc khoan nhồi vào tháng 6/2008 và hoàn thành vào cuối tháng 8/2013.

Đặc biệt, hạng mục vòm Nielsen của cầu là một trong những cấu trúc có kỹ thuật tiên tiến nhất trong số các công trình cầu hiện nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn của bộ phận kỹ thuật công ty GS E&C.

Cây cầu có kiến trúc kỹ thuật tiên tiến nhất trong số các công trình cầu hiện nay

Ngoài ra, công trình còn áp dụng kỹ thuật thi công cọc xi măng đất hiện đại đã giải quyết cơ bản vấn đề nền đất yếu trên đoạn tuyến dài 5,5km tiếp giáp sông Sài Gòn. Bên cạnh đó hào kỹ thuật cũng được thi công song song trên toàn tuyến để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, tăng tính thẩm mỹ của toàn tuyến đường.

Theo chủ đầu tư, sau khi đi vào sử dụng, cùng với cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Thủ Thiêm..., cầu Bình Lợi sẽ tiếp nhận khoảng 40% lượng giao thông khu vực trung tâm thành phố qua sông Sài Gòn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn nạn ùn tắt giao thông ở TP HCM.

Tham dự buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao tính năng động, sáng tạo của TP HCM khi thực hiện những công trình trọng điểm trong thời gian qua. Đã tập trung được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư rất hiệu quả. Công trình hoàn thành sẽ mở ra hướng đi mới cho giao thông thành phố. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị TP HCM: “Tập trung vào các công trình trọng tâm để giải quyết nạn quá tải giao thông như đường vành đai, trục đường chính nối các tỉnh lân cận, làm các đường lớn để vận chuyển nhanh, đồng thời giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông”.

Nguyễn Hiển