Thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19 từ 1/11

18:45 | 29/10/2021

226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ ngày 1/11 sẽ triển khai thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19. Việc tiêm phòng sẽ được mở rộng để bao phủ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh trên cả nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Thống nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19 từ 1/11
Từ ngày 1/11, dùng chung 1 mã QR-Code cho 2 ứng dụng là VNEID và PC-Covid (ảnh minh họa)

Theo phán ánh, hiện nay, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi quét mã QR vì mã QR của mỗi người trong mỗi ứng dụng (app) chống dịch khác nhau. Trong khi mỗi nơi người dân di chuyển đến vẫn sử dụng các app khác nhau nên không khớp mã QR, người dân sẽ phải tải nhiều app.

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) thông tin hiện Cục Tin học hóa và Bộ Công an đã thống nhất việc triển khai mã QR trên các app chống dịch hiện nay. Ngay đầu tuần sau (1/11), việc thống nhất mã QR trên các app liên quan chống dịch sẽ được triển khai trên cả nước.

“Về PC-Covid hiện nay đã sẵn sàng rồi. Hiện trên cả nước có 2 triệu điểm quét mã QR-Code PC-Covid. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công an để thống nhất để 1/11/2021 dùng chung 1 mã QR-Code cho 2 ứng dụng là VNEID và PC-Covid, 2 bên đều phải quét được nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân”, ông Đỗ Công Anh nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ TT&TT đang gấp rút triển khai để đảm bảo các dữ liệu trên các app này sẽ như nhau. Đặc biệt, hành khách đi đường hàng không từ nay sẽ không phải khai bản cam kết viết giấy mà sẽ quét mã QR trên app PC-Covid quốc gia.

Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đã phản ánh hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” trong việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Một số ý kiến cũng đề xuất, nếu địa phương nào cố tình không thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 thì sẽ bị xử lý thế nào, cần có chế tài xử lý cụ thể, chứ không chỉ nói chung chung như hiện nay.

Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp thu những nội dung này và báo cáo đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát. Tính đến hôm nay (29/10), Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Giai đoạn đầu, đã triển khai tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên đối tượng từ 50 tuổi trở lên vì đây là đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm, nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn các đối tượng khác. Đến nay, cần phải mở rộng đối tượng tiêm để bao phủ độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh trên cả nước.

Trước mắt, sẽ tiêm cho trẻ 16-17 tuổi và ưu tiên khu vực có nguy cơ cao. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vắc xin đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm. Từ đó, Bộ có cơ sở tiếp cận số liệu và phân bổ vắc xin một cách hợp lý cho địa phương, để tiêm cho trẻ em.

Liên quan thông tin học sinh phải tiêm vắc xin mới được đi học, đại diện Bộ Y tế cho biết các khu vực xanh, học sinh vẫn đi học bình thường, việc học trực tiếp hay trực tuyến sẽ do địa phương quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Về xét nghiệm, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10 của Bộ Y tế quy định rõ các đối tượng cần phải xét nghiệm, đó là người có nguy cơ cao, người có triệu chứng, xét nghiệm ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất kinh doanh; không xét nghiệm tất cả người đi từ địa bàn này sang địa bàn khác, chỉ xét nghiệm người đi từ địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 3, 4 và khu cách ly. Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn bổ sung, theo đó, những trường hợp người dân từ một số địa phương có dịch khi trở về các địa phương khác cần phải tiếp tục được sàng lọc.

Về giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan để đưa ra mức giá phù hợp. Trước khi ban hành văn bản, Bộ sẽ thông tin tới người dân.

Ứng dụng PC-Covid bổ sung thêm tính năngỨng dụng PC-Covid bổ sung thêm tính năng
Nghị quyết 128: Quyết sách đúng đắn phù hợp với tình hình mớiNghị quyết 128: Quyết sách đúng đắn phù hợp với tình hình mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan