"Thổi" giá vé chung kết U19 gấp 20 lần!

11:50 | 13/09/2014

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo, vé trận chung kết Giải bóng đá U19 Đông Nam Á 2014 đã bán hết từ ba ngày trước. Tuy nhiên, trước giờ “G” vé trận đấu này tại “chợ đen” thì bao nhiêu cũng có, nhưng người hâm mộ phải chấp nhận với giá cao gấp vài chục lần.

Một phe vé đang "làm giá" với người hâm mộ

Mặc dù VFF đã ngừng bán vé từ chiều ngày (11/9), nhưng cả ngày hôm qua hàng trăm người vẫn tụ tập, thậm chí đẩy đổ hàng rào sắt trước cửa cơ quan này đòi mua vé trận chung kết. Trước tình hình này, VFF đã phải ra thông báo vé đã bán hết và mong người hâm mộ thông cảm. Đồng thời nhờ lực lượng công an can thiệp nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

Sau khi VFF tuyên bố hết vé, hàng nghìn người hâm mộ tỏ ra thất vọng khi không cầm được tấm vé trận chung kết. Nhưng dân “phe vé” lại vui mừng vì đến lượt trổ tài kiếm ăn. Chẳng hiểu vì sao, có mối quan hệ như thế nào mà những kẻ “phe vé” lại sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm cặp vé xem trận chung kết. Người hâm mộ muốn bao nhiêu, dân “phe vé” cũng có thể cung cấp được, miễn là phải chấp nhận cái giá “cắt cổ”.

Có mặt trước cửa Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình từ sáng sớm ngày 13/9, không khí mua bán vé “chợ đen” trở nên náo nhiệt. Đoạn đường dài chưa đầy 300 mét, trên phố Lê Đức Thọ từ cổng VFF đến Sân vận động Mỹ Đình có hàng trăm đối tượng “phe vé” phân chia lãnh địa kiếm ăn. Mỗi khi có một chiếc xe ô tô hoặc xe máy giảm tốc độ là phe vé ào ra đường chào mời.

Theo ghi nhận, một cặp vé trên khán đài B có giá gốc là 200 nghìn đồng thì nay được được bán với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Tương tự, một cặp vé trên khán đài C, D có giá gốc là 80 nghìn đồng thì nay được "thổi" lên mức 2 triệu đồng/cặp. Mặc dù giá vé bị dân “phe vé” đẩy lên cao, nhưng nhiều người hâm mộ vẫn mua để được vào sân.

Theo anh Phạm Quốc Vinh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), trong những ngày VFF tổ chức bán vé trận chung kết anh bận đi làm nên không có thời gian xếp hàng mua vé. Hôm nay là thứ 7, là ngày nghỉ làm nên anh Vinh chở cậu con trai 8 tuổi đi mua vé từ lúc mờ sáng. Tuy nhiên, khi ra đến cổng VFF, anh mới hay vé đã được bán hết từ nhiều ngày trước.

“Đội tuyển U19 Việt Nam lọt vào chung kết là cơ hội hiếm có nên tôi quyết tâm phải mua bằng được vé vào sân để xem trực tiếp trên sân vận động. Tôi chấp nhận chi tiền để mua ở chợ đen để thỏa nguyện niềm đam mê. Thôi thì mua đắt thay vì phải xếp hàng như những ngày trước” – anh Vinh nói.

Tâm sự của anh Vinh cũng là tâm sự của rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Tại một quán nước trước cổng VFF, tôi được một phe vé tên Trung tiết lộ về cách đẩy giá vé lên cao. Theo lời người đàn ông này, trong những ngày VFF bán vé, dân phe vé huy động cả gia đình "trực chiến" trước cổng VFF để mua vé. Họ ôm hàng chục cặp vé rồi chờ khi VFF bán hết thì bắt đầu tung vé ra bán với cái giá cao gấp chục lần.

“Giá vé tùy thời cơ mà chúng tôi tăng thôi. Nếu nhu cầu ít thì bán với giá chênh thấp, còn nếu nhiều người hỏi mua thì dân phe vé chúng tôi bàn với nhau đẩy giá lên cao. Mọi người đều thống nhất bán vé với mức đã đưa gia, nếu hạ cùng hạ, tăng cùng tăng” - phe vé tên Trung nói.

Vé xem trận chung kết

Để vé được giá, họ bán theo kiểu nhỏ giọt và luôn nói chỉ có mỗi cặp vé duy nhất. Đúng như vậy, ngồi ở quán nước chưa đầy 30 phút, tận mắt tôi chứng kiến phe vé Trung bán cho người hâm mộ 3 cặp vé. Khách nào hỏi, Trung cũng nói chỉ có một cặp vé duy nhất được một người bạn biếu, nhưng không có thời gian để xem nên mang ra đây bán lại.

Trước tình trạng phe vé "găm hàng" rồi bán lại với giá cao, nhiều người chấp nhận móc hầu bao để sở hữu một cặp vé trận đấu nảy lửa này. Nhưng cũng có rất nhiều người sau khi nghe cái giá cắt cổ đều bỏ đi trong nỗi thất vọng tràn trề.

Quả thật, bóng đá Việt Nam lâu lắm rồi mới có một không khí nhộn nhịp đến như vậy. Thế nhưng đó cũng là cơ hội cho những kẻ “đầu cơ” kiếm ăn. Hàng triệu người hâm mộ mong muốn có mặt trong sân để cổ vũ cho đội chủ nhà, nhưng mong muốn đó thật xa vời. Có rất nhiều bạn trẻ nhịn ăn, nhịn uống, ôm chiếu đến cổng VFF xếp hàng xuyên đêm để mua vé, nhưng đành phải ra về tay trắng. Còn những kẻ “đầu cơ” thì ngang nhiên kiếm ăn và cười trên nỗi buồn người khác.

Chẳng khó để nhận ra những kẻ phe vé, ấy vậy mà các cơ quan chức năng vẫn “nhắm mắt” cho qua, bỏ lại sau lưng những lời đàm tiếu không hay về bóng đá nước nhà. Nhiều người cho rằng, để nền bóng đá Việt Nam vươn xa hơn thì không thể thiếu người hâm mộ cổ vũ. Các cơ quan chức năng, nhất là VFF cần vào cuộc để mang vé đến tận tay người hâm mộ. Chớ để người hâm mộ bị “móc túi” một cách trắng trợn như hiện nay.

Thiên Minh - Xuân Hinh