Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran: Chưa xong đâu!
Tổng thống Obama hứa sẽ phủ quyết mọi mưu toan của Quốc hội Mỹ nhằm bác bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1
Sau 13 năm khủng hoảng, thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran vào sáng 14/7 tại Vienna là bước đầu kéo Iran ra khỏi vòng cô lập. Mục tiêu của thỏa thuận đạt này là bảo đảm không để Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đổi lại bãi bỏ cấm vận quốc tế đã bóp nghẹt kinh tế Iran từ hơn 10 năm nay. Thỏa thuận này còn tránh cho Mỹ sử dụng giải pháp quân sự với những hệ quả khó lường trong một khu vực bất ổn, là một thành công to lớn của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, chính quyền Obama phải trình thỏa thuận trên với Quốc hội. Lưỡng viện quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận tính từ ngày hành pháp đệ trình. Nếu lập pháp Mỹ phủ quyết thì coi như 13 năm đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 coi như công cốc.
Chả thế mà ngày sau khi thông báo được phát đi, các nhà lập pháp Mỹ đã có những phản ứng chia rẽ gay gắt đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, và các đảng viên Cộng hòa tỏ ra hậm hực hơn so với đa số các đảng viên Dân chủ.
Trưởng khối Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, chỉ trích hiệp ước là “thỏa thuận tốt nhất Iran có thể chấp nhận được, hơn là một thỏa thuận có thể thực sự chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran”. Ông nói thêm: “Phía Iran dường như thắng thế trong cuộc thương nghị này, giữ lại hàng nghìn máy ly tâm, làm giàu thêm thay vì chấm dứt ngưỡng khả năng hạt nhân của họ, gặt hái kết quả nhiều tỷ USD để chi tiêu thỏa thích cho khủng bố”.
Tương tự, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói Tổng thống Barack Obama đã "từ bỏ các mục tiêu của mình" để thương thuyết với Tehran. Ông Boehner nói: "Thỏa thuận của ông sẽ giao cho Iran hàng tỷ USD qua việc nới lỏng các biện pháp chế tài trong khi dành cho họ thời gian và không gian để đạt được ngưỡng tránh né nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân – làm mọi thứ mà không vi phạm nguyên tắc. Thay vì làm cho thế giới này bớt nguy hiểm hơn, thỏa thuận này sẽ chỉ khuyến khích Iran – nước bảo trợ khủng bố lớn nhất thế giới – bằng cách góp phần ổn định hóa và hợp thức hóa chế độ của họ”.
Trưởng khối thiểu số Hạ viện, bà Nancy Pelosi, bày tỏ sự vui mừng một cách thận trọng: “Thỏa thuận hạt nhân lịch sử này được loan báo hôm nay là sản phẩm của nhiều năm lãnh đạo khó khăn, táo bạo và sáng suốt của Tổng thống Obama. Tôi ca ngợi tổng thống về sức mạnh của ông trong suốt các cuộc thương nghị lịch sử đã dẫn đến điểm này. Chúng ta không có ảo tưởng gì về chế độ của Iran… Mọi chọn lựa vẫn còn đang được đưa ra thảo luận nếu như Iran thực hiện bất cứ bước nào hướng tới một vũ khí hạt nhân hay đi chệch ra khỏi các điều khoản của thỏa thuận này”.
Trưởng khối Dân chủ Thượng viện Harry Reid cũng tỏ ý lạc quan vừa phải như bà Pelosi: “Cộng đồng thế giới đồng ý rằng một nước Iran có vũ trang hạt nhân là không thể chấp nhận được và là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chúng ta. Nay Quốc hội có nhiệm vụ duyệt lại thỏa thuận này bằng một tiến trình thận trọng, hợp lý xứng đáng với một thỏa thuận với tầm cỡ này”.
Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xét duyệt và, nếu muốn, biểu quyết chấp thuận hay bác bỏ hiệp ước.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nói: “Tôi rất trông đợi đi sâu vào chi tiết của thỏa thuận. Nay chúng ta cần phải xúc tiến bằng những cuộc điều trần tường tận… Tôi phải cân nhắc mối nghi ngờ sâu xa về Iran và những quan tâm về ý định của họ với hy vọng có thể có một giải pháp ngoại giao”.
Sự chấp thuận của Quốc hội đòi hỏi ít nhất một phần ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa dành cho thỏa thuận. Hiện nay, một số đảng viên Cộng hòa đã cam kết bỏ phiếu chống và cố gắng tập hợp sự chống đối bản hiệp ước.
Ông McConnell nói: “Nếu ta cần phải vận động chống lại một thỏa thuận bất lợi – một thỏa thuận với các khuyết điểm đe dọa đến đất nước chúng ta và đồng minh của chúng ta, thì tôi bảo đảm với quý vị là chúng tôi sẽ làm”.
Đoán trước sự chống đối như thế, ngày hôm qua (14/7) Tổng thống Obama đã hứa sẽ phủ quyết mọi mưu toan của Quốc hội nhằm làm chệch hướng sáng kiến. Để vượt qua quyền phủ quyết cần phải có đủ số đảng viên Dân chủ đứng về phe đảng Cộng hòa.
Ngoại trưởng John Kerry cho hay ông nghi ngờ là các nhà lập pháp sẽ cản trở một thỏa thuận đã được các cường quốc thế giới thương nghị. Ông Kerry nói: “Nếu Quốc hội phủ quyết thỏa thuận, Mỹ sẽ lâm vào thế không tuân thủ. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra”.
Không phải mọi phản ứng đều là tự động hoặc theo lằn ranh thuần đảng phái. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelley Moore Capito nói rằng bà sẽ theo đường lối “chờ xem”. Bà Capito nói: “Tôi là người có bản tính hoài nghi. Nhưng chúng ta sẽ coi xem mọi sự đi đến đâu. Hiện vẫn còn sớm”. Ngược lại, Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez nói rằng ông có những dè dặt sâu xa: “Chúng ta thừa nhận rằng Iran là một quốc gia ở ngưỡng cửa hạt nhân. Thứ hai, chúng ta không chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran mà lại bảo toàn nó. Và rồi bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với một nước đã là một quốc gia lớn nhất bảo trợ khủng bố và đang gây bất ổn ở Yemen, ở Liban, ở Syria và ở Iraq quả là một viên thuốc đắng khó nuốt trôi”.
Trong khi đó, hầu hết các chính khách đảng Cộng hoà muốn được làm ứng viên tổng thống của đảng này trong năm 2016 đều mạnh mẽ phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran.
Sau 13 năm cố gắng của cộng đồng quốc tế vì một thế giới an toàn và không phổ biến vũ khí hạt nhân, giờ nhiệm vụ hoàn tất nằm trong tay các nhà làm luật ở Mỹ.
Th.Long
Năng lượng Mới
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025