Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu ngầm áp sát tàu chiến Nga

10:15 | 01/12/2015

5,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình hình trở nên vô cùng căng thẳng và người Nga chưa thể xác định ý đồ đích thực của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hậu quả của hành động này.
tho nhi ky dieu tau ngam ap sat tau chien nga
Tuần dương hạm mang tên lửa Moscow

Theo báo Sự thật Komsomol, ngày 30.11, hàng loạt phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cho hay, tại khu vực hoạt động của tàu tuần dương tên lửa Moscow đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân Nga Hmeymim ở thành phố Latakia của Syria xuất hiện hai tàu ngầm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ lDolunay và Burakreis. Phải chăng người Thổ đang chuẩn bị một hành động khiêu khích mới trên biển?

Theo nhà phân tích quân sự Nga Leonid Nersisyan, nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng eo biển Bosphorus và Dardanelles để triệt nguồn cung cấp cho quân đội Nga ở Syria, hành động đó sẽ được coi là một lời tuyên chiến, vì theo Nghị định thư Montreux, việc ngăn cấm các tàu chiến của các nước vùng Biển Đen chỉ có thể được thực hiện khi xảy ra chiến tranh (tàu dân sự được qua lại tự do, ngay cả khi có chiến tranh). Để ngăn chặn khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiêu diệt tàu Moscow ngay từ đòn tấn công đầu tiên, Nga nhất thiết phải tăng cường đội tàu bảo vệ căn cứ Hmeymim, cụ thể là phải điều tới đây tàu sân bay khổng lồ Đô đốc Kuznetsov mà hiện giờ đang hoạt động ở biển Barents.

Tàu Đô đốc Kuznetsov có sức mạnh vũ trang đáng nể: mang tên lửa hành trình hạng nặng P-700, 14 máy bay tiêm kích hạng nặng Su-33 và 12 tiêm kích hạng nhẹ MiG-29K. Khác với hệ thống tên lửa phòng không (S-400), được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu trên không của đối phương, máy bay tiêm kích có thể cảnh báo kịp thời và ngăn chặn cuộc tấn công máy bay ném bom. Bây giờ các lực lượng quân sự Nga ở Syria buộc phải trang bị tên lửa không-đối-không cho máy bay Su-34 để có thể bảo vệ các máy bay ném bom.

Đến nay, người Nga vẫn chưa xác định được ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ trong hành động này. Mục đích của Erdogan là gì? Dù sao thì việc tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ áp sát tàu tuần dương Moscow không thể không gây lo ngại cho người Nga. Hành động khiêu khích có thể không chỉ giới hạn ở trên không. Nhưng dù sao, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện là rất thấp. Xét tình thế hiện nay, NATO không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn với Nga, và nếu điều đó xảy ra thì bản thân Thổ sẽ gánh nhiều hậu quả, chẳng hạn các lực lượng người Kurd đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lợi dụng tình thế để nổi dậy, và các nước láng giềng không thân thiện với Thổ như Armenia, Hy Lạp, Cộng hòa Síp… cũng sẽ liên kết với nhau chung tay chống Thổ.

Phạm Bá Thủy