Vụ kéo dàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng biển Việt Nam:

Thời báo Hoàn cầu lại xuyên tạc, đặt điều, giảo biện

06:00 | 14/05/2014

4,992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/5, tờ Thời báo Hoàn cầu lại khiến dư luận bất bình khi đăng bài “Sự trung lập của ASEAN là tối quan trọng đối với ổn định của khu vực”, yêu cầu ASEAN phải giữ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.

Thời báo Hoàn cầu cho rằng, tranh chấp Biển Đông là chuyện giữa Trung Quốc với từng quốc gia thành viên ASEAN, nên giải quyết song phương và đây là lập trường kiên quyết của Bắc Kinh. Do đó, tuy Philippines và Việt Nam muốn tranh thủ kéo ASEAN vào “vũng lầy này”, nhưng sẽ không thể thay đổi lập trường trung lập của ASEAN. Thời báo Hoàn cầu còn giảo biện rằng, Philippines và Việt Nam đã gây sức ép để ASEAN phá vỡ sự im lặng, nhưng cốt lõi của Tuyên bố chung là không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Mặc dù xuyên tạc như vậy, nhưng tờ Thời báo Hoàn cầu cũng phải thừa nhận: Hiếm khi văn kiện chính thức của ASEAN lại bình luận trực tiếp về vấn đề Biển Đông (nhắc lại Tuyên bố chung Nay Pyi Taw hôm 11/5)…

Trước đó (10/5), tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài xuyên tạc, đánh lừa dư luận quốc tế và người dân Trung Quốc khi nguỵ biện cho hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ngày 6/5, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội”, cùng khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ ngừng đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam. Đồng thời cho rằng, nếu ngừng việc đưa HD-981 vào vùng biển Việt Nam sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc!

Trong khi tờ Thời báo Hoàn cầu đăng những bài xuyên tạc, với luận điệu giảo biện và đặt điều, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ngày 13/5, tờ Washington Post bình luận, việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một thách thức cơ bản đối với trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Washington Post cho rằng, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa như những gì Philippines đã làm theo quy định UNCLOS.

Hãng AFP dẫn lời nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 12-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, động thái đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là hành động gây hấn của Trung Quốc. Đây là lần đầu Mỹ đưa ra quan điểm trực tiếp với Trung Quốc về hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ngày 12/5, tờ The Diplomat đăng bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong lô 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là bất ngờ, khiêu khích, bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế. Giáo sư Carl Thayer coi đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng EEZ của nước khác mà không có sự cho phép từ trước.

Có một thực tế không thể bỏ qua, đó là trong mấy ngày qua, dư luận thế giới đã lên án hành động ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đã chỉ trích và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước động thái này. Bởi thông qua việc này, Trung Quốc muốn hướng tới mục đích biến yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý thành hiện thực.

Tạp chí The Diplomat dẫn phân tích của Giáo sư Sreeram Chaulia, hiệu trưởng Trường Ngoại giao (Ấn Độ) và ông David Lai, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ cảnh báo, thông qua động thái kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc ngày càng công khai từ bỏ đường lối ngoại giao “trỗi dậy hòa bình” để chuyển sang  đường lối “diều hâu”, dọa nạt các nước láng giềng.

Chiều 12/5, học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi, Ấn Độ khẳng định, hành động của Trung Quốc không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Bởi việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 cùng một đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền vô lý ở Biển Đông.

Trong bài viết "Tình hình Biển Đông xấu đi do hành động ngang ngược của Trung Quốc" trên tờ Economic Times của Ấn Độ, tác giả Dipanjan Chaundhary còn cho rằng, hành động gây hấn của Bắc Kinh là bài học cho nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, khi có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Tân Hồng - Tiên Du