Thế giới đêm qua - 2/5

07:26 | 03/05/2019

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quân đội Nga và Syria đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Tây Bắc Syria. Afghanistan nhất trí một số khuyến nghị về đàm phán với Taliban. ASEAN+3 tìm cách phối hợp ứng phó với khủng hoảng tài chính.
the gioi dem qua 25Ông Trump úp mở về kế hoạch lớn ở Venezuela vào tuần tới
the gioi dem qua 25Phiến quân liên tiếp tấn công căn cứ quân sự của Nga tại Syria
the gioi dem qua 25Indonesia sắp di dời thủ đô
the gioi dem qua 25
Binh sỹ quân đội chính phủ Syria và binh sỹ Nga tuần tra tại tỉnh Idlib, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Quân đội Nga và Syria đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Tây Bắc Syria

Theo hãng tin Reuters của Anh, lực lượng quân đội Nga và Syria đã đẩy mạnh các cuộc không kích và pháo kích vào khu vực Tây Bắc Syria suốt đêm 1/5 trong chiến dịch tấn công mạnh nhất vào thành trì cuối cùng của phiến quân trong những tháng gần đây.

Chiến dịch tấn công nhằm vào các ngôi làng và thị trấn ở Hama miền Bắc và Idlib miền Nam nằm trong khu phi quân sự được thiết lập theo thỏa thuận hồi tháng 9/2018 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông nhà nước Syria dẫn các nguồn tin quân đội cho biết các phiến quân đã gây ra nhiều cuộc tấn công khủng bố gần đây và quân đội Syria muốn xóa sổ các nhóm khủng bố ẩn náu tại thị trấn ở Hama, gồm cả Kfr Nabouda.

Các nhóm khủng bố có quan hệ với al-Qaeda thời gian qua đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào căn cứ không quân chính của Nga ở vùng ven biển Địa Trung Hải ở Syria, tuy nhiên các cuộc tấn công này đều thất bại. Trong khi đó, Idlib vẫn đang do nhiều nhóm phiến quân khác nhau chiếm giữ, trong đó đáng chú ý nhất là nhóm Tahrir al-Sham.

2. Afghanistan nhất trí một số khuyến nghị về đàm phán với Taliban

AP đưa tin ngày 2/5, Đại hội đồng các bộ tộc (Loya Jirga) của Afghanistan đã nhất trí đối với một số khuyến nghị về đàm phán hòa bình với phong trào Hồi giáo Taliban, sau 4 ngày họp tại thủ đô Kabul nhằm tìm ra chiến lược chung cho các cuộc hòa đàm trong tương lai.

Trước đó trong tuần này, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã triệu tập hội nghị của Loya Jirga với hơn 3.200 đại biểu, gồm cá chính trị gia, thủ lĩnh bộ lạc và nhiều nhân vật có uy tín, được chia thành hàng chục ủy ban và thảo luận một số vấn đề, trong đó có việc ngừng bắn, quyền của phụ nữ trong việc duy trì giáo lý của đạo Hồi.

Mặc dù Loya Jirga đóng vai trò tham vấn và các khuyến nghị của hội đồng này không có tính ràng buộc đối với ông Ghani, song sự kiện này nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Afghanistan nhằm đề ra một lập trường thống nhất.

Đa số áp đảo các đại biểu của Loya Jirga ủng hộ các cuộc hòa đàm giữa Kabul và Taliban, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu. Đây là yêu sách đã tồn tại từ lâu của Taliban.

3. ASEAN+3 tìm cách phối hợp ứng phó với khủng hoảng tài chính

Ngày 2/5, lãnh đạo tài chính 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (còn gọi là ASEAN+3) đã họp tại Fiji nhằm thảo luận phương thức ứng phó với những tác động tiêu cực xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đối với các nền kinh tế trong khu vực này.

Nội dung thảo luận còn xoay quanh việc tăng cường hợp tác giữa các nước để đối phó với khủng hoảng, trong đó có việc mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia.

Theo hãng tin Kyodo, các nước ASEAN+3 đang thảo luận việc bổ sung đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và đồng yen của Nhật Bản vào mạng lưới dự trữ ngoại tệ có quy mô 240 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Bên cạnh đó, các nước cũng xem xét tăng cường chính sách liên kết với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo tài chính các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có cuộc gặp riêng, trong đó các bên tái khẳng định chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức.

4. Israel tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa diệt chủng Do Thái

Từ tối 1/5 đến ngày 2/5, Israel đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm 6 triệu nạn nhân bị chế độ Đức quốc xã tàn sát trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Những hồi còi đã vang lên trên cả nước khi lễ tưởng niệm diễn ra. Những người đi bộ và các lái xe tại các thành phố Jerusalem và Tel Aviv cũng như nhiều nơi khác trên cả nước Israel đã dừng lại và dành 2 phút mặc niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng Do Thái.

Trước đó tối 1/5, Israel đã bắt đầu các hoạt động tưởng niệm bằng một buổi lễ long trọng tại Yad Vashem - đài tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa trên tại Jerusalem. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Reuven Rivlin đã tới tham dự và có bài phát biểu.

Theo báo cáo hàng năm của Trung tâm Kantor công bố ngày 1/5, tư tưởng bài Do Thái đang gia tăng tại nhiều khu vực ở Bắc Mỹ và châu Âu, từng được coi là những nơi an toàn đối với người Do Thái. Trong năm 2018, số người Do Thái bị sát hại tăng lên mức cao nhất kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây, với các vụ “bạo lực nghiêm trọng” tăng 13% so với trước đó.

5. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ gần đạt được thỏa thuận về vùng an toàn ở Syria

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 2/5 thông báo Ankara và Washington gần đạt được một thỏa thuận về chi tiết vùng an toàn được lên kế hoạch ở Đông Bắc Syria, dọc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Cavusoglu đưa ra phát biểu trên để trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo về cuộc đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ với đặc phái viên Mỹ về Syria trong tuần này. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một vùng an toàn ở phía Đông sông Euphrates, sau khi phần lớn binh sỹ Mỹ rút khỏi Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đạt được thỏa thuận nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với Nhóm vũ trang Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - lực lượng do người Kurd đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria.

Cuối tháng Ba vừa qua, SDF tuyên bố đã đánh bật IS khỏi thành trì cuối cùng tại Syria, song cảnh báo các tay súng thánh chiến vẫn là mối đe dọa tại nhiều nơi. SDF đang lo ngại bị bỏ rơi trong bối cảnh IS bị đánh bại và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thu hẹp sự hiện diện của 2.000 quân Mỹ tại chiến trường Syria.

Lâm Anh (t/h)