Thế giới đã “sai lầm” về mức độ nguy hiểm của dịch Ebola

19:00 | 16/08/2014

998 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay thông báo mức độ nguy hiểm của virus Ebola đã “bị đánh giá quá thấp”. WHO khuyến cáo cần phải huy động nhiều hơn các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh này.

Thế giới đã “sai lầm” về mức độ nguy hiểm của dịch Ebola

WHO: Số người chết vì Ebola cao hơn nhiều so với các báo cáo

Theo WHO, hiện có các chứng cứ cho thấy số người chết cũng như mắc bệnh do virus Ebola gây ra ở vùng Tây Phi được báo cáo cho tới nay đã thấp hơn số thực sự rất nhiều. Theo thống kê mới nhất của WHO, ngày 11/8, dịch Ebola bùng phát từ đầu năm nay đã khiến 1.069 người thiệt mạng, trong đó có 377 người ở Guinea, 355 người ở Liberia, 334 người tại Sierra Leone và 3 tại Nigeria. Nigeria cũng vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong thứ tư ở Lagos, thành phố đông dân nhất của khu vực châu Phi nam Sahara.

Về phần mình, Liên hiệp các tổ chức y tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (FICR), nói rằng hiện tại khả năng đối phó với bệnh dịch tại chỗ đã đến mức giới hạn. Theo Tổng thư ký FICR, các tình nguyện viên của FICR, mà một phần lớn xuất thân từ các cộng đồng địa phương, đóng “một vai trò quan trọng” trong việc ngăn chặn dịch Ebola trên thực địa.

Tổ chức các bác sĩ không biên giới (MSF) (với 610 nhân viên y tế địa phương được triển khai tại ba quốc gia vùng dịch), cũng cho rằng không thể huy động thêm người của tổ chức này vào hoạt động chống dịch.

Theo các nhà quan sát, bốn nước châu Phi bị dịch đang bất lực trước đà lan truyền của virus Ebola. Riêng ngành y tế Sierra Leone, một trong bốn nước vùng dịch, đã mất 32 y tá vì Ebola, chiếm 10% số người chết vì dịch tại quốc gia này. Bộ trưởng Y tế Sierra Leone tuyên bố trước Quốc hội: “Việc khống chế một bệnh dịch nghiêm trọng như Ebola đòi hỏi một ê kíp chuyên môn, bác sĩ và y tá, mà đất nước chúng tôi không có được. Hiện tại chúng tôi chỉ còn trông cậy vào MSF, hiện đồng thời làm việc tại Liberia và Guinea”.

Mỹ vừa ra lệnh sơ tán toàn bộ gia đình các nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Sierra Leone.

Đối mặt với tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố cần phải có “các biện pháp đặc biệt” và bản thân WHO nỗ lực phối hợp các hoạt động hỗ trợ đang gia tăng của cộng đồng quốc tế. WHO nêu ví dụ việc các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ sẽ trang bị cho các nước vùng dịch nhiều máy tính để có thể theo dõi liên tục diễn tiến của dịch bệnh, cũng như số lượng phương tiện cần được hỗ trợ.

Hôm 13/8, Liberia đã nhận được từ Mỹ những liều dược phẩm ZMapp đặc trị Ebola, lần đầu tiên được sử dụng đại trà. Thuốc này vừa được dùng hồi cuối tháng 7/2014 để điều trị cho hai bác sĩ Mỹ làm việc tại Tây Phi bị nhiễm Ebola, với kết quả khả quan.

Ngày 16/8, MSF dự báo, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Người đứng đầu của MSF khẳng định, cuộc khủng hoảng dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đang vượt quá năng lực của các tổ chức cứu trợ trong việc ngăn chặn bệnh dịch này. Dịch bệnh này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và lan nhanh hơn cả năng lực ứng phó của các tổ chức cứu trợ. Do vậy, tổ chức này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dẫn đầu là WHO cần phải nỗ lực hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh này.

Ngày 15/8, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này đang có kế hoạch viện trợ khoảng 1,5 triệu USD cho các quốc gia Tây Phi để ứng phó với dịch bệnh Ebola đang lây lan rộng. Số tiền này sẽ được phân bổ thông qua WHO, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và các tổ chức quốc tế khác.

Một vấn đề khác cũng nguy hiểm không kém dịch bệnh. Đó là dịch Ebola có thể khiến hàng triệu người chết đói vì những khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm. Dịch Ebola gây ra vấn đề thiếu lương thực ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nhiều ngôi chợ đóng cửa, các khu vực nông nghiệp chính không cung cấp trái cây và rau quả. Trong khu vực cách ly giá gạo và thực phẩm thiết yếu khác tăng vọt.

Hiện nay, Liên Hiệp Quốc đang gửi đoàn xe chở thực phẩm tới các vùng có dịch vì nạn đói đe dọa hàng trăm nghìn cư dân lục địa châu Phi.

Th.Long

tổng hợp