Thế giới có thực sự cần một OPEC gas?

17:00 | 30/06/2020

|
(PetroTimes) - Diễn đàn các nước xuất khẩu khí (GECF) được thành lập năm 2001 như một cơ quan tư vấn độc lập, bao gồm 12 quốc gia xuất khẩu khí đốt và 6 quan sát viên. Nhiệm vụ chính của GECF là phát triển vị thế các thành viên và thúc đẩy thị trường khí đốt phát triển.  
the gioi co thuc su can mot opec gas

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh, bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho thị trường năng lượng đều rất phù hợp. Những ngày gần đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) đã tổ chức ủy ban kỹ thuật chung đầu tiên. Có lẽ sự kiện này sẽ là một bước quan trọng để bắt đầu điều phối hành động của các nhà sản xuất dầu khí. Bên cạnh đó, giới phân tích thị trường khơi gợi lại ý tưởng thành lập một Tổ chức tương tự như OPEC trong lĩnh vực khí. Trong bối cảnh sự sụt giảm lịch sử giá khí hiện nay có thể là một điều kiện tốt để triển khai ý tưởng này.

Trong cuộc họp trực tuyến của ủy ban kỹ thuật giữa GECF và OPEC (22/6), Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã thông báo cho người đứng đầu GECF Yuri Sentyurin về các quyết định gần đây của OPEC nhằm giảm sản xuất dầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm mạnh nhằm ổn định thị trường. Về phần mình, ông Yuri Sentyurin lưu ý rằng, nhu cầu về dầu và khí giảm đáng kể trong đại dịch và đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để ngành công nghiệp dầu khí thực hiện các giải pháp, sáng kiến của mình.

Diễn đàn các nước xuất khẩu khí được thành lập năm 2001 như một cơ quan tư vấn độc lập, bao gồm 12 quốc gia xuất khẩu khí đốt là Nga, Algeria, Bolivia, Venezuela, Ai Cập, Iran, Qatar, Libya, Nigeria, UAE, Trinidad và Tobago, Guinea Xích Đạo và 6 quan sát viên gồm Oman, Hà Lan, Peru, Na Uy, Kazakhstan và Iraq. Nhiệm vụ chính của GECF là phát triển vị thế các thành viên và thúc đẩy thị trường khí đốt phát triển. Trước khi GECF được thành lập, một số nhà sản xuất khí đã cố gắng tạo ra một tổ chức tương tự OPEC từ GECF nhưng chưa đạt được.

Hiện tại, thị trường khí toàn cầu đang diễn biến tiêu cực. Giá khí đốt giảm xuống mức kỷ lục tại thị trường châu Âu và nhiều người chơi trên thị trường cho rằng giá có thể rơi xuống mức 0. Điều này không phải xuất phát từ những toan tính của các nhà nhập khẩu mà chủ yếu do hoàn cảnh khách quan: mùa đông 2019-2020 ấm áp và sự bùng phát đại dịch Covid-19.

the gioi co thuc su can mot opec gas

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, thị trường khí toàn cầu hiện nay đang ở trong trạng thái hỗn loạn và khó khăn hơn thị trường dầu vì nó không có cơ quan quản lý như OPEC. Trong mọi trường hợp, những giải pháp thoát khỏi hoàn cảnh này sẽ trở thành bước chuyển, tiến tới hình thành chính sách dài hạn cho tiêu thụ khí toàn cầu. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, mặc dù không rõ ràng nhưng phía Mỹ đã tích cực đàm phán với các nhà xuất khẩu dầu khí để tác động thị trường theo hướng của mình. Hơn nữa, Qatar - nhà sản xuất LNG hàng đầu trên thế giới có thể bắt đầu một cuộc chiến giá khí. Do đó, tình hình trên thị trường khí đốt rất có thể sẽ lặp lại cuộc chiến giống như cuộc chiến giá dầu xảy ra vào tháng 3 vừa qua.

Các chuyên gia dầu khí đều không đồng tình về khả năng phối hợp nghiêm túc giữa các nhà sản xuất khí. Một số cho rằng ý tưởng này thành lập OPEC trong ngành khí đã quá hạn và không còn cần thiết. Một số khác thì hoài nghi về triển vọng kết hợp lợi ích của các nhà xuất khẩu khí trên thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội khí của Nga, Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về năng lượng Pavel Zavalny cho rằng, ý tưởng tạo ra một OPEC khí đã có từ lâu. Trước khi OPEC được thành lập, thị trường dầu toàn cầu cũng đã tồn tại phức tạp và khác biệt, trong khi đó thị trường khí tồn tại theo các quy tắc khác nhau ở từng khu vực. Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người dùng trong nhiều năm dẫn đến sự hình thành các đường ống dẫn khí. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp LNG phát triển, mối quan hệ giữa người bán và người mua đã bắt đầu thay đổi. Hiện tại tỷ trọng của LNG trong giao dịch khí đốt quốc tế đang đạt gần 50%. LNG đã làm cho thị trường khí trở nên toàn cầu hơn, doanh số bán hàng trên thị trường giao ngay đã bắt đầu tăng lên, dẫn đến sự biến động nghiêm trọng.

Giá khí đã được phân cấp theo khu vực. Thị trường khí dần trở nên độc lập hơn về giá so với phụ thuộc vào giá dầu. Đồng thời, khí thiên nhiên đang cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với các nguồn năng lượng khác. Do đó, trong những điều kiện này, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng, sự phối hợp và nỗ lực của các nhà sản xuất và người tiêu dùng là cần thiết để cân bằng thị trường.

Chuyên gia Pavel Zavalny chỉ ra rằng, sản xuất khí đốt và đặc biệt là LNG là một ngành đầu tư rủi ro. Năm năm trước, quyết định đầu tư công suất LNG mới chỉ được thực hiện nếu 80% sản lượng được bao tiêu. Tuy nhiên, ngày nay, điều này không còn cần thiết nữa, và trên thực tế nhà đầu tư phải gánh toàn bộ rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư nên đoàn kết để đảm bảo lợi tức đầu tư cũng như phát triển một số quy tắc chung của thị trường theo mô hình OPEC+. Trong tình huống này, đã nảy sinh nhu cầu tạo ra một OPEC khí để phát triển các quy tắc chung của thị trường thông qua giá cả và cân bằng cung cầu. Công việc của OPEC khí sẽ có lợi cho tất cả các nhà sản xuất.

Nhưng, Mỹ có thể phản đối. Nhà sản xuất này hiện chỉ muốn tham gia thị trường theo quy tắc của riêng mình. Phương châm nước Mỹ khiến chính quyền nước này sẽ không tham gia OPEC+ hay bất kỳ hiệp hội nào khác. Trong việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình, phía Mỹ rất có thể sẽ sử dụng ảnh hưởng chính trị đối với các chính sách năng lượng của các đồng minh. Điều này có thể thấy rõ ràng với ví dụ về Ucraina, các nước vùng Baltic. Ba Lan đã tuyên bố rằng họ sẽ tập trung vào việc nhập khẩu LNG của Mỹ để nhận được các điều khoản độc quyền.

Chuyên gia phân tích cao cấp Vitaly Gromadin tại BCS Factory of Investment Ideas cũng tin rằng GECF có vai trò trong việc hình thành một OPEC khí trước những lo ngại về giá khí ở châu Âu có thể rơi xuống mức 0 như những gì xảy ra với giá dầu. Trong đại dịch Covid-19, nhu cầu khí thiên nhiên bị ảnh hưởng tương đối thấp so với tiêu thụ dầu, chủ yếu là sụt giảm do các doanh nghiệp công nghiệp phải đóng cửa. Tiêu thụ điện khí dự kiến chỉ giảm 3% trong năm 2020.

Đối với LNG, thị trường nhiên liệu này đã sụt giảm trước khi khủng hoạch dịch bệnh nổ ra. Qatar với vị thế là nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới có thể khơi mào cuộc chiến giá cả trên thị trường khí đốt và giá khí có nguy cơ rơi xuống mức 0. Đồng thời Qatar là nước tham gia chính trong GECF nên nếu một thỏa thuận được ký kết trong tổ chức, Qatar có thể duy trì thị phần của mình, tránh một đợt bất ổn định trên thị trường.

the gioi co thuc su can mot opec gas
Summit lần thứ 5 - Diễn đàn các nước xuất khẩu khí

Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia độc lập Vyacheslav Mishchenko cho rằng, việc tạo ra một mô hình OPEC trên thị trường khí là không thể. GECF ngay từ khi thành lập năm 2009 đã không khẳng định được vai trò dẫn dắt mặc dù ban đầu tổ chức này định vị như một OPEC khí.

Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân. Thị trường khí không giống thị trường dầu. Sự cạnh tranh chính đối với khí là than đá và năng lượng tái tạo. Ngay khi tăng giá khí, các cơ chế cạnh tranh giữa những nhiên liệu trong toàn ngành năng lượng được kích hoạt khiến than trở nên hấp dẫn hơn. Điều tương tự xảy ra với các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, rất nhiều nhà sản xuất LNG đã xuất hiện, thực tế đã san bằng toàn bộ cấu trúc của GECF. Nhiều dự án LNG đã xuất hiện mà không thể quản lý được. Qatar hiện đang xây dựng các dây chuyền sản xuất LNG mới với sự hỗ trợ của Mỹ. Do đó, coi GECF là OPEC là không thực tế. Thị trường dầu hoàn toàn khác khi không trải qua sự cạnh tranh giữa các loại nhiên liệu. Vào năm 2009, dường như Nga, Iran và Qatar có thể đưa ra chương trình nghị sự về một nền tảng thống nhất có thể ảnh hưởng đến giá cả. Nhưng với sự phát triển của một lượng lớn các dự án LNG, diễn đàn này phù hợp hơn với vai trò một cơ quan tư vấn hoặc phân tích cho những người tham gia chính trên thị trường khí.

Nhà khoa học chính trị Dmitry Evstafiev cho rằng, một tổ chức OPEC khí không có lợi cho bất kỳ người chơi nào trong ngắn hạn nhưng có lợi cho tất cả nhà sản xuất trong dài hạn. Mô hình này sẽ không có lợi nhất cho các quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực LNG bởi vì kết quả sau đó là sự điều chỉnh giá cân bằng giữa khí đường ống và LNG. Đây là một nhiệm vụ khó khăn mà không dễ thực hiện được. OPEC khí là một hệ thống phức tạp hơn nhiều từ quan điểm về tổ chức so với OPEC. Điều đáng chú ý là tính thời điểm và ý chí chính trị của những người tham gia đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thành lập các tổ chức kinh tế mới. Mỹ sẽ từ bỏ tất cả lực lượng của mình để ngăn chặn sự xuất hiện của tổ chức này.

Bất chấp mọi mâu thuẫn, tiêu thụ khí đốt trên thế giới đang tăng trưởng đều đặn và sẽ có lợi cho các nhà sản xuất nhiên liệu nếu họ có thể ảnh hưởng đến giá cả bằng những nỗ lực chung. Tuy nhiên bây giờ các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông “không dám” chống lại ý chí của Mỹ, vì vậy triển vọng về một OPEC khí là rất xa vời.

Phạm TT

Theo Oilcapital.ru