Thấy gì từ việc "khai tử" biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h?

13:30 | 21/06/2014

2,475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên nhiều tuyến đường quốc lộ hiện cắm biển cho phép chạy 60km, nhưng “đột ngột” hạn chế xuống 35km/h. Ngay sau quãng đường hạn chế tốc độ này, nhiều tài xế buộc phải rơi vào tình trạng “phóng nhanh phanh gấp” khiến người đi đường hú vía.

Việc Bộ GTVT ban hành quyết định yêu cầu các đơn vị rà soát, thay thế biển báo tốc độ 25, 30, 35 km/h bằng biển báo 40 km/h được dư luận coi như cách tháo “bẫy tốc độ” trên nhiều cung đường. Riêng tại TP. Hà Nội vẫn xin giữ nguyên biển hạn chế tốc độ 35km/h ở các điểm lên xuống đường vành đai 3 trên cao để đảm bảo ATGT.

Trước đó, đầu năm 2014, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh 206 biển báo liên quan đến tốc độ. Trong đó, loại bỏ 66 biển báo hạn chế tốc độ, điều chỉnh 140 biển báo khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát vẫn phát hiện một số đoạn tuyến còn biển báo tốc độ 25; 30; 35 km/h do các địa phương đề nghị cắm và một số đoạn rà soát còn sót.

Nhiều biển hạn chế tốc độ 25; 30; 35km/h trên quốc lộ sẽ bị dỡ bỏ thay thế bằng các biển báo tốc độ phù hợp hơn.

 

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ có văn bản báo cáo Bộ GTVT xin cho phép thay thế các biển báo tốc độ trên bằng biển báo hạn chế tốc độ 40 km/h. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chấp thuận đề nghị này và ngày 11/6 đã ra văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ, sở GTVT các địa phương  rà soát, thay thế biển báo tốc độ trên quốc lộ, thay thế biển báo tốc độ 25; 30; 35 km/h bằng biển báo 40 km/h.

Quyết định này nhận được sự đồng tình của dư luận bởi nhiều ý kiến cho rằng “các biển báo tốc độ dưới 40 km/h gây bức xúc cho dư luận do vị trí đặt bất hợp lý, đôi khi trở thành “bẫy” với người tham gia giao thông”. Cụ thể, theo phản ánh của các tài xế, “thực trạng” trên nhiều tuyến đường quốc lộ hiện cắm biển cho phép chạy 60km, nhưng “đột ngột” hạn chế xuống 35km/h. Ngay sau quãng đường hạn chế tốc độ này, nhiều tài xế buộc phải rơi vào tình trạng “phóng nhanh phanh gấp” khiến người đi đường hú vía.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng từng có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xem xét vấn đề hạn chế tốc độ các phương tiện giao thông chạy đêm, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình đèo dốc, quanh co hiểm trở. Nhằm đảm bảo ATGT. Nhiều chuyên gia giao thông cũng khẳng định, việc dỡ bỏ các biển hạn chế tốc độ trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Còn vấn đề giữ ATGT vai trò quyết định nhất là ý thức của người tham gia giao thông, chứ không phải là vấn đề hạn chế tốc độ.

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị giữ nguyên biển hạn chế tốc độ 35km/h ở các điểm lên xuống đường vành đai 3 trên cao được cho là hợp lý để đảm bảo ATGT.

 

Lý giải cho thực trạng tồn tại lâu của những loại biển trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: Sở dĩ các biển báo hạn chế tốc độ 25, 30, 35 km/g  ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, tốc độ hành trình xe, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông và một số trường hợp gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Nhưng vẫn tồn tại khá lâu, do công tác quản lý của người ra quyết định cắm biển. Họ cầu toàn khi mong muốn tốc độ thấp sẽ đảm bảo an toàn giao thông hơn nên chỉ đạo chung như thế.

Qua thực tế kiểm tra, Tổng cục Đường bộ thấy rằng, việc rà soát, bỏ các biển báo dưới 40 km/giờ là đúng và cần thiết vì đường sá hiện đã tốt hơn trước đây. Và nếu cứ hạn chế tốc độ như thế là không ổn, nhiều khả năng xe lại rơi vào tình trạng chết máy, bị xe khác tông vào. Trên cơ sở rà soát thực tế và ý kiến của tài xế, người dân phản ánh, nên Bộ GTVT tiếp nhận và điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết đến hết tháng 6/ 2014, việc tháo bỏ biển dưới 40 km/h sẽ thực hiện xong.

 

“Việc cắm biển báo tốc độ trên quốc lộ qua địa phương được Bộ GTVT ủy thác quản lý thì sở GTVT thực hiện. Còn trên các đoạn quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ quản lý đã cơ bản tháo hết biển dưới 40 km/h. Hiện ở các tỉnh ở miền Trung vẫn tồn tại biển dưới 40 km/h, tổng cục đường bộ đang đôn đốc kiểm tra, dỡ bỏ. Hết tháng 6/2014, việc tháo bỏ biển dưới 40 km/h sẽ thực hiện xong. Sở GTVT nào không chấp hành tôi sẽ điện trực tiếp yêu cầu giám đốc sở GTVT thực hiện. Hiện nay số lượng biển dưới 40 km/h còn không nhiều, một số tỉnh thông báo đã tháo dỡ hết như Lai Châu” - ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Cùng trao đổi với PV xung quanh vấn đề, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Hiệp hội đồng tình với quyết định của Bộ GTVT trong  việc bỏ biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h.

“Thứ nhất, mỗi năm Nhà nước mất hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông. Nhưng lại vẫn giữ nguyên các biển hạn chế tốc độ 25; 30; 35km/h là không hợp lý, và gây sự ức chế cho xã hội, đặc biệt là đối với các tài xế. Thứ hai, đối với các xe chở càng nặng thì việc “đi chậm” theo các biển “hạn chế tốc độ” dưới 40km/h là rất khó. Việc này, góp phần trong việc tàn phá hạ tầng giao thông, lại gây tốn kém cho doanh nghiệp, và cho xã hội” - ông Thân Văn Thanh nói.

Theo ông Thanh, đối với những đoạn đường đang tiến hành việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa… thì cần có các biển báo công trường xây dựng. Nhưng, thực tế biển báo 5km/g ở những công trường này, đây là tốc độ của người đi bộ mà yêu cầu xe cơ giới đi như thế thì không thực hiện được. Ngay cả việc đi đúng tốc độ yêu cầu 25; 30; hay 35 km/h qua những đoạn này cũng khó thực hiện. Chính vì thế việc phải bỏ những biển hạn chế tốc độ này là đúng.

Riêng Hà Nội, đề nghị giữ lại biển hạn chế tốc độ 35km/h ở các nhánh lên xuống của đường vành đai 3 trên cao. Bởi lẽ, đường vành đai ba trên cao, tốc độ 80km/g là rất cao, nhưng khi xuống dốc, hoặc lên dốc các phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, nếu không hạn chế tốc độ như vậy thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao. 

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam việc thay biển hạn chế tốc độ 25; 30; 35km/h sẽ hạn chế được “bẫy tốc độ” đối với tài xế.  

 

Theo ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đặc biệt, đường nội đô quy định tốc độ không vượt quá 50km/h nên UBND TP đã giao cho liên ngành CATP và Sở GTVT khảo sát, cắm biển, có tính toán cụ thể. Nếu bỏ hệ thống biển dưới 40km/h sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến TNGT. TP sẽ có kiến nghị với Bộ GTVT và từ nay tới cuối năm sẽ khảo sát kỹ toàn bộ hệ thống biển báo.

Về vấn đề này, ông Thân Văn Thanh cũng cho rằng, đối với những đoạn đường đèo dốc, quanh co hiểm trở thực ra chỉ cần các biển cảnh báo về địa hình để tài xế biết và tự điều chỉnh tôc độ phù hợp. Tất nhiên, nếu có điều kiện thì cũng nên cắm biển hạn chế tốc độ, như một cách nhắc lại để tài xế biết, và chủ động hơn trong việc điều chỉnh tốc độ phù hợp để đảm bảo an toàn. 

 

Thảo Phượng