Tàu ngầm Hoàng Sa bị cấm ra biển thử nghiệm vì không biển số

16:03 | 18/02/2016

2,123 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo VnExpress, sau nhiều lần thử nghiệm thành công trong bể tự xây, ngày mùng 6 Tết (13/2), tàu Hoàng Sa được ông Nguyễn Quốc Hòa cùng đồng nghiệp đưa ra biển tại Thái Thụy để tiếp tục thử nghiệm.  

Nhưng tại khu vực này, lực lượng biên phòng địa phương không cho ông Hòa thử nghiệm tàu vì không phù hợp với quy định tại Nghị định 71 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển.

Theo Nghị định này, người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có biển số đăng ký và phải có một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện....

Trong trường hợp người, phương tiện khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học ngoài tuân thủ quy định trên còn phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo bằng văn bản cho UBND, bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi thực hiện hoạt động trước 5 ngày hoạt động.

"Lắng nghe giải thích của lực lượng chức năng tôi đã đưa tàu trở về. Nhưng tôi nghĩ đây là hoạt động nghiên cứu mới ở Việt Nam chưa có bao giờ thì rất khó để xin giấy tờ liên quan", ông Hòa nói.

Chủ nhân của tàu ngầm cho biết, ông đã gửi văn bản lên biên phòng và UBND tỉnh để xin được thử nghiệm tàu trên biển.

tau ngam hoang sa ra bien thu nghiem phai quay ve vi khong co bien so
Tàu ngầm Hoàng Sa được sơn màu xanh lá cây (Ảnh: Vnexpress)

Được biết, tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5 m; cao 2 m và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm.  Hoàng Sa được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo chướng ngại vật phía trước và quan sát được 360 độ dưới nước. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, theo thiết kế.

Mới đây ông Hòa đã sơn màu xanh cho con tàu, bên hông có chữ Hoàng Sa và địa điểm chế tạo nó.

Trước đó, theo báo Dân Trí thì ông Hòa cho biết ông sẽ tìm cách liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đánh giá hoạt động, tính năng của tàu ngầm do mình chế tạo. Nếu có thể, doanh nhân người Thái Bình mong muốn sẽ đưa con tàu vào ứng dụng rộng rãi trong hoạt động du lịch hoặc sản xuất của bà con ngư dân.

“Tất nhiên, việc đưa con tàu vào sản xuất hàng loạt còn là một câu chuyện dài, nhiều gian nan phía trước nhưng chắc chắn tôi sẽ không dừng lại việc tiếp tục nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm…”, ông Hòa nói.

Tú Cẩm

Tổng hợp