Tạo đà cho doanh nghiệp nhỏ

08:00 | 31/01/2018

328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Về mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước hiện nay thì các doanh nghiệp (DN) tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất với 46%, tiếp đến là các DN Nhà nước: 29% và DN FDI: 25%.

Đây là con số đáng chú ý và nó khẳng định vị thế của DN tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Đóng vai trò và vị trí quan trọng như vậy nên ưu tiên và tạo đà cho DN tư nhân tiếp tục phát triển là nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương.

tao da cho doanh nghiep nho
Hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Số liệu mà Tổng cục Thống kê nêu ra về sự gia tăng số lượng cũng như đóng góp của DN tư nhân vào tăng trưởng của nền kinh tế là những con số biết nói, là tín hiệu đáng mừng. Tính đến 1-1-2017, cả nước có tổng số 518.000 DN thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 DN và gấp 1,5 lần so với năm 2012. Đặc biệt, khu vực DN tư nhân có số lượng lớn nhất với 500.000 DN, tăng 52,2% so với năm 2012 và mỗi năm tăng bình quân 8,7%.

Số DN mới thành lập tăng cả về số lượng và thu hút được nhiều lao động, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh có dấu hiệu cải thiện tốt. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, về mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước, các DN tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất. Điều này đúng với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực của đất nước.

Một điều đáng chú ý nữa là số lượng DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ gia tăng đột biến. DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2%, DN siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 75% tổng số DN. Những con số đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng khởi nghiệp và xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trên thực tế, các nền kinh tế càng phát triển thì số lượng DN nhỏ ngày càng nhiều.

Trước tình hình đó, các chính sách ưu đãi cho DN nhỏ, kinh tế tư nhân càng cần sớm được cải thiện hơn bởi hoạt động sản xuất kinh doanh lâu nay vẫn vướng nhiều rào cản. Có ý kiến cho rằng, nghĩa vụ đóng góp tài chính vào ngân sách Nhà nước (NSNN) của DN quá cao, không tạo điều kiện để tích tụ vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, mức đóng góp của DN vào ngân sách của Việt Nam thấp hơn nhiều nước.

Cũng có chuyên gia cho rằng, DN làm được 10 đồng phải nộp thuế 4 đồng. Tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 là 23,3%. Nếu nhìn vào số liệu này thì có thể thấy DN đóng góp vào ngân sách khá cao. Các nước trên thế giới, thu NSNN chỉ bao gồm thuế, phí. Còn ở Việt Nam, khoản thu từ dầu thô, sử dụng đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cũng tính vào thu NSNN. Vì vậy, nếu loại các khoản thu này ra thì tỷ lệ thu ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Trước năm 2004, DN phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất phổ thông 32% thì sau đó giảm dần xuống còn 20% kể từ năm 2016. Trong khi đó, Philippines là 30%; Thái Lan, Trung Quốc 25%, Malaysia 25%; bình quân trên thế giới là 27%.

Với thuế giá trị gia tăng, hiện Việt Nam áp thuế suất phổ thông 10%. Trong khi đó, hiện có 88/112 nền kinh tế áp thuế suất phổ thông từ 12% đến 25%. Thuế thu nhập cá nhân cũng liên tục được điều chỉnh giảm bằng hình thức nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Các DN nhỏ và siêu nhỏ phải tự đầu tư mặt bằng, nhà xưởng và vốn nên nhiều DN gặp khó khăn. Đặc biệt, những DN muốn mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm hoặc kinh doanh đa ngành nhưng đều khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn có chủ trương ưu tiên cho các DN này nhưng thực tế chưa được như vậy. Chẳng hạn, chủ trương mới nhất được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là: “Yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao”. Thế nhưng DN nhỏ muốn vay vốn thì không đáp ứng được điều kiện của các ngân hàng đưa ra, nhất là tài sản thế chấp.

Năm 2017 được đánh giá là năm bước ngoặt của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững trong năm 2018 thì môi trường kinh doanh cần được tiếp tục cải thiện, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN, đặc biệt là các DN nghiệp nhỏ.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc