Tăng lương: Hàng hóa vẫn ổn định

11:29 | 16/05/2012

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau mỗi đợt điều chỉnh tăng lương, thường người tiêu dùng phải chóng mặt vì giá cả các mặt hàng tăng “phi mã”. Thế nhưng, cho đến nay, giá cả hàng hóa không có dấu hiệu tăng, thậm chí đang có xu hướng chững lại, dù bắt đầu từ tháng 5, lương cơ bản đều tăng.

Giá giảm, sức mua cũng không tăng

Dù đã vào mùa tăng giá cả các mặt hàng điện tử, điện lạnh, nhưng đã qua hai đợt nắng nóng nhất của mùa hè giá bán tại các siêu thị điện máy không tăng, thậm chí còn giảm từ 10-20%. Điều đáng nói là, dù giá giảm mạnh nhưng sức mua vẫn không cải thiện.

Hiện nay đã bước vào đợt cao điểm của mùa hè, nhưng những mặt hàng điện lạnh cũng không tiêu thụ bằng những năm trước

Theo đại diện của siêu thị điện máy Media Mart, từ tháng 4 đến nay siêu thị này giảm giá theo xu hướng chung của thị trường từ 5 – 10% nhưng sức mua theo đó cũng giảm từ 5-10%. Hiện nay đã bước vào đợt cao điểm của mùa hè, nhưng những mặt hàng điện lạnh cũng không tiêu thụ bằng những năm trước.

Thế giới di động cũng cho biết, dù siêu thị này cũng giảm giá từ 5-10%, nhưng sức mua các mặt hàng Laptop, điện thoại, máy tính bảng… giảm gần 10% so với năm ngoái.

Cũng theo một số cửa hàng điện tử, điện lạnh trên phố Hai Bà Trưng tầm này mọi năm, lượng người mua điều hòa nhiệt độ tăng mạnh, nhưng sang năm nay, số người đến mua điều hòa nhiệt độ giảm hẳn. Nhiều gia đình sau khi đắn đo, cân nhắc đã thay vì mua điều hòa thì họ chọn giải pháp mua quạt hơi nước cho tiết kiệm.

Theo phân tích của Tổ điều hành thị trường trong nước, dù sức mua hàng hóa trên thị trường trong nước tháng 4 tăng do kì nghỉ lễ 10/3 âm lịch và kì nghỉ lễ 30/4-1/5… Tuy nhiên mức tăng này không đáng kể do tình hình sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, thị trường tiếp tục kém sôi động, tiêu thụ các mặt hàng từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng và phục vụ sản xuất như sắt, thép, xi măng… đều chậm. Chính vì vậy, mặc dù việc tăng giá xăng dầu trong nước đầu tháng 3 được dự báo sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa cuối tháng 3, đầu tháng 4. Tuy nhiên trên thực tế, giá hàng hóa vẫn không thể tăng do sức mua yếu.

Giá thực phẩm ổn định

Một điều dễ nhận thấy hiện nay tại các chợ là giá thực phẩm không còn "té nước theo mưa” như mọi lần tăng lương hay tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác. Từ siêu thị đến các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định.

Tại các siêu thị, giá cả cũng chưa biến động nhiều, đặc biệt ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Trong đầu tháng 5, một số nhà cung ứng hóa, mĩ phẩm có điều chỉnh tăng giá khoảng 5%, tuy nhiên hiện tượng này không phổ biến.

Tại các chợ, giá thịt lợn hiện ở mức thấp hơn so với hồi tháng 2 từ 10.000-15.000 đồng/kg, thịt ba chỉ còn 90.000 đồng/kg, thịt mông sấn đang ở mức 100.000 đồng/kg, thịt thăn hạ từ mức 130.000 xuống còn 115.000 đồng/kg. Thịt bò đang được bán với giá 200.000-220.000 đồng/kg đối với bò bắp.

Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Ngọc Thụy, Quận Long Biên (Hà Nội) dù sức mua thịt lợn đang dần phục hồi sau cú sốc có chất tạo nạc, nhưng sức mua giảm vì nắng nóng kéo dài. Hiện nay dù giá cả không tăng, thậm chí đang có xu hướng tiếp tục giảm nhưng sức mua mặt hàng này vẫn rất thấp. So với tháng có thông tin thịt lợn có chất tạo nạc thì lượng bán ra của các tiểu thương tại chợ này cũng chỉ nhỉnh hơn không đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Khánh bán thịt lợn ở chợ Thành Công cho biết, khách hàng bắt đầu giảm bớt lo ngại về thịt có chứa chất tạo nạc thì lại gặp đợt nắng nóng kéo dài, vì thế thịt lợn bán vẫn chậm. Chị không dám nhập nhiều hàng về bán mà vẫn duy trì lượng hàng như cũ.

Các mặt hàng rau xanh vẫn được bán với mức giá ổn định kể từ cuối tháng 3 trở lại đây.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nắng nóng đã làm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh, hiện nay giá nhiều loại thực phẩm và nông sản đang giảm do xảy ra nắng nóng và dịch bệnh, không chỉ thịt mà cả thủy sản cũng rớt giá.

Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong tháng 5, dù có tăng lương cơ bản nhưng do sức tiêu thụ hàng hóa vẫn chậm nên sự ảnh hưởng của các yếu tố trên sẽ bị hạn chế hơn các năm khác. Vì vậy, chỉ số tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,1-0,2% so với tháng 4.

Đức Minh