Tại sao lại là "thiên thu"?

09:47 | 06/03/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin ông cho biết các nghĩa của cụm từ thiên thu và tại sao chỉ nói thiên thu mà không nói "thiên xuân", "thiên hạ", "thiên đông"? (Diệu Huyền)

Học giả An Chi: Hai tiếng thiên thu có các nghĩa sau đây:

1. Ngàn năm, ngàn thu, chỉ thời gian trường cửu.
Bài thơ “Hàn thực” của Lư Tượng, nhắc đến Giới Tử Thôi, có hai câu:

Tứ hải đồng hàn thực,
Thiên thu vị nhất nhân.
(Mọi người đều ăn nguội
Ngàn năm vì một người).

Bài “Thục Tiên sinh miếu” của Lưu Vũ Tích có hai câu:

Thiên hạ anh hùng khí,
Thiên thu thượng lẫm nhiên.
(Khí anh hùng thiên hạ
Ngàn năm vẫn còn oai).

Nhắc lại chuyện xảy ra ở đèo Mã Ngôi (Mã Ngôi pha), Đường Minh Hoàng phải hy sinh Dương Quý Phi, bài “Khai nguyên tức sự” của Từ Dần có hai câu:

Vị tất nga mi năng phá quốc,
Thiên thu hưu hận Mã Ngôi pha.
(Há lẽ mày ngài làm hại nước,
Ngàn năm nguôi hận Mã Ngôi pha).

2. Uyển ngữ để chỉ sự qua đời của người được tôn kính.
Bài “Thù Lạc Thiên kiến ký” của Lưu Vũ Tích có hai câu:

Hoa ốc tọa lai năng kỷ nhật,
Dạ đài quy khứ tiện thiên thu.
(Nhà sang sống chẳng được bao ngày
Suối vàng về ở đến ngàn thu).

Bài thứ hai trong ba bài “Nguyên Tướng công vãn từ (tam đạo)” của Bạch Cư Dị có hai câu:

Thương thương lộ thảo Hàm Dương lũng,
Thử thị thiên thu đệ nhất sầu.
(Mộ Hàm Dương xanh cỏ ngậm sương
Ấy sầu đau đến tận ngàn thu).

3. Chỉ tiết thiên thu (“thiên thu tiết”), tức lễ sinh nhật của hoàng đế.
Bài “Tân Dương môn” của Trịnh Ngu có hai câu:

Thiên thu ngự tiết tại bát nguyệt,
Hội đồng vạn quốc triều Hoa Di.
(Sinh nhật Đức Vua trong tháng tám
Vạn quốc đều chầu về Hoa Di).

4. Lời kính trọng ngày xưa để chỉ sự sống lâu.
Bài “Lâu tiền” của Vương Kiến có hai câu:

Thiên Bảo niên tiền Cần Chính lâu,
Mỗi niên tam nhật tác thiên thâu (thu).
(Lầu Cần Chính trước đời Thiên Bảo
Mỗi năm ba ngày mừng thọ vua).

Các quyển từ điển quen thuộc không thấy quyển nào giải thích tại sao lại nói thiên thu để chỉ ý “lâu dài”, “trường cửu” mà không nói “thiên xuân”, “thiên hạ”, “thiên đông”. Tìm trên mạng thì thấy những câu trả lời cho vấn đề này rất hiếm, mà sau đây là câu được đánh giá hay nhất: “Thu thiên diệp tử lạc liễu, đại biểu nhất niên đích luân hồi, sở dĩ thuyết thiên thu” (Mùa thu lá cây đã rụng, biểu hiện sự tuần hoàn của một năm, cho nên nói thiên thu (là vì thế)). Không thấy lời phản biện nào đối với cách giải thích này nhưng riêng chúng tôi thì vẫn còn băn khoăn.

Trung Quốc có đủ bốn mùa. Mùa đông có tuyết, rồi tuyết đóng băng; mùa xuân băng tan, cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, v.v…, không biểu hiện sự tuần hoàn của một năm hay sao? Thôi thì trước mắt xin hãy ghi nhận lời giải đáp “hay nhất” trên đây nhưng vẫn cứ mạo muội nghĩ thêm như sau.

Trong một năm ở bên Tàu ngày xưa, mùa thu là mùa mà các hoạt động xã hội nói chung, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp dần dần đi đến chỗ kết thúc rồi ngưng hẳn trong mùa đông giá lạnh. Xin hãy đọc đoạn nói về sinh hoạt trong năm của nông dân Trung Quốc trong Lịch sử thế giới cổ đại, t.1, của Chiêm Tế (Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1971):

“Kinh Thi có miêu tả cụ thể tình hình sinh hoạt của nông dân thôn xã trong suốt một năm. Đầu năm, nông dân phải tham gia săn bắn lúc khí trời còn rét buốt. Săn được cáo phải mang da cáo nộp cho quý tộc, săn được lợn rừng phải mang con to đến nộp cho quý tộc. Tiếp đó là đào băng và tích băng. Nông dân phải vào nơi thâm sơn cùng cốc để đào băng, bởi vì ở nơi đó băng đóng rắn chắc hơn. Tảng băng đào được mang về phải giữ làm sao đến mùa hè vẫn còn để quý tộc dùng. Bấy giờ, vụ cày mùa xuân bắt đầu, nông dân phải sửa chữa nông cụ trước rồi mới xuống đồng cày ruộng. Phụ nữ và trẻ em mang cơm ra đồng cho người nhà.

Khi trời ấm áp, phụ nữ phải lo việc hái dâu nuôi tằm. Sau vụ thu hoạch về, nông dân đi hái các thứ hoa quả và đậu. Đến mùa dế kêu (mùa thu – AC), đàn ông bận gặt vụ thu, làm sân đập lúa, cắt lúa, nộp một phần thóc cho quý tộc, lại còn phải đi hái rau và kiếm củi, cắt cói đan chiếu chuẩn bị qua vụ đông. Phụ nữ dệt vải, dệt gai, nhuộm, may quần áo, đem những quần áo đẹp nhất nộp cho quý tộc. Trên sân đập lúa đã thu dọn xong, nông dân phải đi sửa chữa cung điện cho quý tộc, sau rồi mới đi cắt cỏ tranh về lợp nhà mình. Cuối năm, rượu ngâm đã chín, nông dân giết dê, mang rượu, thịt đến nhà quý tộc mừng thọ” (tr.281-282).

Vô hình trung, mùa thu là mùa “kết thúc” của năm. Chúng tôi thiển nghĩ như trên trong khi chờ đợi các bậc thức giả đưa ra lời giải thích xác đáng hơn.

A.C