Tái cấu trúc tài chính vượt khủng hoảng
Diễn đàn CFO năm 2012 tập trung phân tích toàn cảnh tình hình kinh tế năm 2012, dự đoán tình hình kinh tế năm 2013, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc kiểm soát dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để tồn tại và vượt qua khủng hoảng, các phương thức tiếp cận nguồn vốn quốc tế đang quan tâm vào thị trường châu Á.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất và có dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất khả năng thanh toán. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2013 tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn so với với năm 2010 và năm 2011. Hoạt động sản xuất giảm mạnh do nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm.
Trước tình hình đó, việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Tái cấu trúc tài chính là một bước đi quan trọng trong tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm đẩy lùi tình trạng mất khả năng thanh toán, thiết lập lại cấu trúc vốn vững mạnh, cung cấp đủ vốn cổ phần và dòng tiền để phục vụ cho sự tăng trưởng trong tương lai. Tái cấu trúc tài chính thường là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cấu trúc tài chính của nước ta hiện nay đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết; là một nước nông nghiệp nhưng tín dụng “đổ” vào nông nghiệp rất hạn chế, chỉ khoảng 8,8%, còn lại đều đổ vào khu vực phi nông nghiệp, trong đó dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp chiếm 77,2%. Thế nhưng, chỉ số sản xuất công nghiệp tệ hơn các nước phát triển và các nước mới nổi.
Các doanh nghiệp trao đổi tại diễn đàn “Tái cấu trúc tài chính”
Nói về tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp ông Lê Hải Phong - Giám đốc tài chính Tập đoàn Bảo Việt cho rằng: Việc quản lý dòng tiền có vai trò cực kỳ quan trọng vì phải kiểm soát được dòng tiền doanh nghiệp mới có khả năng sống còn. Doanh nghiệp phải biết được tiền của mình lưu thông như thế nào “đi đầu về đâu” để có giải pháp thay đổi tài chính hiệu quả.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khó tài chính của doanh nghiệp và giảm nguy cơ đổ vỡ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên xem xét dùng lợi nhuận tích góp trong những năm trước để trả nợ dần thay vì phải thanh lý tài sản. Nhà nước cũng nên xem xét đẩy mạnh các biện pháp giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1