Sức mua giảm mạnh: Dấu hiệu đáng lo ngại

16:33 | 24/04/2012

552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng chọn biện pháp “thắt lưng buộc bụng” dẫn đến sức mua trên thị trường giảm rõ rệt. Thị trường ngày càng trầm lắng là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế.

PGS. TS Nguyễn Văn Trình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP HCM nhận định: Hiện nay, sức mua ở tất cả các thị trường đều rất trầm lắng. Sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao. Do lượng cung tiền thấp, sức mua của xã hội thấp nên giá cả có giảm. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Không phải giá giảm là giảm lạm phát mà có thể đó chính là giảm phát. Giá không tăng được là do không có sức mua. Sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp lỗ, phá sản nhiều, thất nghiệp gia tăng ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Người dân tập trung tiết kiệm để đưa vào lương thực, thực phẩm đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày.

Tại các chợ sức mua giảm mạnh

Sức mua tại các chợ, siêu thị hiện nay giảm rất mạnh. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, sức mua tại hệ thống siêu thị Co.op Mart hiện nay cũng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Để thu hút người tiêu dùng siêu thị thường xuyên tổ chức các đợt khuyến mãi, giảm giá; đặc biệt là vào cuối tuần để thu hút người tiêu dùng. Tuy lượng khách mua hàng vẫn đông nhưng so với những năm trước thì sức mua giảm nhiều, có mặt hàng giảm sức mua đến hơn 30%. Đặc biệt, hàng điện máy vẫn khuyến mãi liên tục mà hầu như rất ít người mua.

Tại các chợ, sức mua mặt hàng thực phẩm cũng giảm mạnh. Giá thịt lợn giảm do người tiêu dùng vẫn chưa hết lo ngại về chất tạo nạc. Giá các loại rau, củ, quả cũng giảm khoảng 1.000 – 3.000 đồng/kg. Mặc dù, hàng hóa giảm giá nhưng vẫn bán chậm. Theo các tiểu thương, do hàng hóa ế ẩm nên thời gian họp chợ phải kéo dài, hàng cũng tồn và hư hỏng nhiều.

Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Từ đầu năm đến nay, hàng tồn kho tăng khoảng 3% so với năm ngoái, trong khi đó sức mua giảm khoảng 6%. Tình hình này, vẫn đang có chiều hướng tiếp tục kéo dài, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang tồn kho nguyên liệu cao, trong khi đó nợ ngân hàng lại chưa trả được. Nếu không cấu trúc lại vốn, gia hạn nợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể nhập khẩu hàng từ nước ngoài hòa vào tồn kho để bù lỗ thì doanh nghiệp không xoay sở được. Thị trường không thể tăng trưởng nếu tình trạng tồn kho cứ tiếp tục gia tăng như hiện nay.

Ế ẩm là tình trạng chung của hàng hóa hiện nay. Các doanh nghiệp đua nhau khuyến mãi, giảm giá nhưng vẫn không cứu nổi sức mua.

Mai Phương