Sửa đổi Bộ luật Lao động: Đừng trút gánh nặng năng suất lên vai người lao động

13:40 | 18/09/2019

233 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 17/9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm về vấn đề thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Sửa đổi Bộ luật Lao động: Đừng trút gánh nặng năng suất lên vai người lao động
Ảnh minh hoạ

Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực

Dẫn số số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động cho biết: Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới(từ 48 giờ/ tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn hai nước là Kennya và Seychelles (trên 48h/tuần).

Về thời gian nghỉ phép, cũng theo kết quả khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới(12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của người lao động. Thậm chí, tham chiếu Báo cáo việc làm tốt hơn (Better Work), thông số vi phạm còn cao hơn, 82% trong tổng số 257 nhà máy sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật.

“Đã có bằng chứng cho thấy, người lao động phải chịu áp lực để tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc hoàn thành định mức lao động nhưng không được tính lương làm thêm ngoài giờ” – ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, số ngày nghỉ lễ, tết của lao động Việt Nam là rất ít- 10 ngày/năm, trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới đều nghỉ nhiều hơn, như: Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 12 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày.

Xây dựng giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi tiến bộ, công bằng

Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.

Từ năm 1935, ILO đã thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ. Đến năm 1962, lại tiếp tục có Khuyến nghị số 116 về giảm thời giờ làm việc. Đến nay nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7giờ/ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44giờ/tuần, như Trung Quốc 40giờ/tuần, Nhật 40giờ/tuần, Singapore 44giờ/tuần, Mông Cổ 40giờ/tuần.

Ở nước ta, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ ở khu vực công. Điều 35, Hiến pháp hiện nay quy định “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”.

Trong bài phát biểu tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (tháng 9/2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Ngay trong những vấn đề về kinh tế, đời sống cụ thể, tổ chức công đoàn cũng còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là những bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của công nhân, lao động”.

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (tháng 7/2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức công đoàn cần chủ động đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách với Nhà nước, phối hợp với tổ chức đại diện người sử dụng lao động tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc…

Chính vì thế, lần này Tổng (LĐLĐ) Việt Nam phải lên tiếng để bảo vệ người lao động để có giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi công bằng.

Sẽ kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm

Việc tăng thêm ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Tại Hội nghị lần thứ 7, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII đã thống nhất xem xét để đề xuất tăng ngày nghỉ trong năm cho người lao động trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi theo hai phương án. Phương án 1 là bổ sung 3 ngày nghỉ dịp Quốc khánh (từ 1 ngày theo quy định hiện hành lên 4 ngày, từ 2 đến 5/9 hằng năm). Phương án 2, bổ sung 01 ngày nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và thêm 01 ngày vào dịp Tết dương lịch (từ 01 ngày theo quy định hiện hành lên 02 ngày). Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiêng về phương án 1 vì ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, phương án này còn giúp các gia đình có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, cùng con đến trường trong ngày khai giảng năm học, phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc.

Giảm giờ làm bình thường, làm thêm tiền lương tính lũy tiến

Người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt, chắc gì đã làm việc được đến tuổi nghỉ hưu, và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn. Tại hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 16.7, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị “đã đến lúc phải giảm thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam và luật làm ra cần phải công bằng với tất cả mọi người dân”.

Đồng thời, bên lề Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng “Giới sử dụng lao động, xã hội đừng trút gánh nặng về năng suất lao động lên vai người lao động. Nếu chấp nhận người lao động làm việc nhiều giờ để đạt năng suất lao động thì đồng nghĩa với việc chấp nhận doanh nghiệp không đầu tư thiết bị công nghệ. Như vậy, Việt Nam mãi rơi vào thế thu hút bằng lao động giá rẻ”

Kết quả thăm dò ý kiến của người lao động trên fanpage Công đoàn Việt Nam từ 9/9 đến ngày 19/9 cho thấy, trong số 2.400 người tham gia cho ý kiến trực tuyến thì có hơn 82% người đồng ý giờ làm việc tối đa 44 giờ/tuần và chỉ có 18% người đồng ý giờ làm việc 48 giờ/tuần.

Nhiều người lao động chia sẻ “Chúng em bây giờ giống như cái máy. Làm việc quên nghỉ ngơi không có điều kiện về thăm gia đình chăm sóc con cái. Sáng 7h đi tối 21h về đến nhà. Công ty em 60 % lao động ngoại tỉnh nhưng cả năm chỉ về thăm nhà được 2 lần”. “Xung quanh khu nhà trọ chúng em, nhiều bạn chưa có người yêu nhưng lại ngại yêu. Cũng đúng thôi vì tuần nào cũng làm việc 6 ngày, ngày nào cũng 19-20h tối mới về đến nhà, thời gian đâu mà tìm hiểu, yêu đương. Những bạn có gia đình rồi thì không có thời gian để lo cho gia đình, cho con cái huống gì bản thân. Tiền tăng ca thì không được bao nhiêu, nếu tăng ca thêm thì tiền gửi trẻ ngoài giờ có khi còn cao hơn tiền tăng ca làm thêm, đã vậy còn không yên tâm con cái không được an toàn. Em cũng tận mắt chứng kiến, nhiều công nhân ngất xỉu ngay tại dây chuyền sản xuất, không ít công nhân bị tai nạn trên đường đi làm về…”

Tuy nhiên, nhiều công nhân cho rằng, khi áp dụng chế độ làm việc 44 giờ/tuần, mức lương, thưởng của người lao động vẫn phải được giữ nguyên để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Từ đó, Tổng Liên đoàn tiếp tục đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Về thời giờ làm thêm, Tổng LĐLĐ đồng ý tăng giờ làm thêm nhưng tiền lương phải tính lũy tiến.

Có nên tăng giờ làm thêm cho người lao động?
Chủ tịch Quốc hội: Hướng tới xã hội tiến bộ mà lại bàn chuyện tăng giờ làm?
Tăng giờ làm thêm: Người Việt lẽ ra lúc này phải lao động hăng say hơn!
Hạn chế giờ làm thêm gây khó cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp đề nghị tăng giờ làm thêm của công nhân

Ngọc Tú