Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng

08:15 | 29/07/2023

5,379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/7, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế, chính sách, giải pháp, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050".

Khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2023, qua cập nhật tính toán cân đối cung cầu điện các tháng tiếp theo cho thấy việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc gặp nhiều khó khăn.

Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng
Toàn cảnh hội thảo

Nêu nguyên nhân cụ thể, EVN cho biết, thời tiết cực đoan dẫn đến phụ tải tăng cao (năm 2023 dự báo diễn biến El Nino tương tự năm 2009, gây nên hiện tượng nắng nóng gay gắt và kéo dài đến tháng 8 tập trung tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ). Tháng 5 mặc dù chưa phải là tháng cao điểm của mùa nắng nóng nhưng ngày 19/5/2023, phụ tải hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới 923,9 triệu kWh (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 21,9% so với bình quân ngày tháng 5/2022), công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.620 MW (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8.5% so với cùng kỳ tháng 5/2022).

Theo đó, tình hình khô hạn diễn ra trên cả nước làm suy giảm công suất và sản lượng các nhà máy thủy điện trên toàn hệ thống.

Việc cấp than cho sản xuất điện vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, khả năng cấp khí cho phát điện trong năm 2023 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước.

Bên cạnh đó, công suất và sản lượng điện phát từ các nguồn năng lương tái tạo thấp hơn nhiều so với kể hoạch do ảnh hưởng của thời tiết.

Trước thực trạng trên, EVN đã quyết liệt thực hiện các giải pháp (tăng nguồn cung nhiên nhiệu cho các nhà máy điện, bổ sung thêm các nguồn điện mới, đẩy mạnh tiết kiệm điện, huy động tối ưu nguồn thủy điện) để đảm bảo cung ứng đủ điện trong giai đoạn khó khăn mang tính cục bộ thời gian qua.

Nhiều dự án điện gặp khó về tiến độ

Chia sẻ tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, để thực hiện triển khai Quy hoạch điện VIII, Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện môi trường pháp lý, sớm ban hành Luật điện lực sửa đổi; Luật về năng lượng tái tạo; một số cơ chế đặc thù, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Quy hoạch.

Theo Ths. Nguyễn Anh Tuấn- Hiệp hội năng lượng Việt Nam, vấn đề chậm tiến độ của các dự án điện trong nhiều năm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong cung cấp điện thời gian qua, thậm chí có những dự án chậm hàng chục năm.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam nêu, với điện khí, tổng công suất nguồn tua-bin khí đã được Điều chỉnh Quy hoạch điện VII đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2030 là 26.640 MW tương ứng 20 dự án. Tuy nhiên, hầu hết các dự án quan trọng chậm tiến độ, như chuỗi khí-điện Lô B Ô Môn (3.750 MW) mới có Ô Môn I vào từ năm 2009, dự kiến đưa tuabin khí Ô Môn III vào từ năm 2012, sau Điều chỉnh Quy hoạch điện VII lùi đến 2020. Dự án này đến này chưa giải quyết xong thủ tục vay vốn ODA từ Nhật Bản.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, về nguồn điện vẫn chưa khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV, công tác đầu tư dự án lưới điện gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đề bù giải phóng mặt bằng… “Bên cạnh đó, sau quy hoạch điện VIII được duyệt, EVN đang gặp vướng mắc về việc xác định chủ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải do chưa được xác định cụ thể trong quy hoạch điện VIII và chưa có quy định hướng dẫn để EVN và các đơn vị có đủ thời gian chuẩn bị dự án đáp ứng tiến độ theo quy hoạch”- đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam bày tỏ.

Việc không sớm giải quyết những vướng mắc và thúc đẩy dự án, sẽ khó đảm bảo cung ứng điện và việc cấp điện cho miền Bắc trong những năm tới sẽ có nhiều thách thức
Việc không sớm giải quyết những vướng mắc và thúc đẩy dự án, sẽ khó đảm bảo cung ứng điện

Đối với điện than, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng thống kê có 37 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 35.112 MW đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến vận hành trong giai đoạn 2016-2030. Trong đó, kiểm lại cho thấy có hàng chục dự án chậm tiến độ, như Nhiệt điện Sông Hậu I, Thái Bình II, Long Phú I, Na Dương II, An Khánh Bắc Giang, Quảng Trạch I, Nam Định I BOT…

Thời gian qua có thể thấy các dự án điện chậm tiến độ do khó khăn trong huy động nguồn vốn, vướng mắc trong quy định pháp, cùng đó là sự chỉ đạo, điều hành từ các bộ ngành cũng chưa quyết liệt, để thúc đẩy các dự án bị vướng mắc, chậm trễ”- đại diện Hiệp hội Năng lượng nêu.

Quy hoạch điện VIII -rõ ràng lộ trình triển khai cụ thể

Trao đổi và phân tích cụ thể hơn, GS. Lê Chí Hiệp, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ quan điểm trong Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, từng giai đoạn. “Chúng ta muốn Quy hoạch điện VIII có hiệu quả thì cần đưa khung thời gian cụ thể, số liệu, khu vực, lộ trình triển khai theo khung thời gian với từng loại hình năng lượng và phải có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, GS Lê Chí Hiệp nói.

Đại diện dự án điện gió Thăng Long Wind chia sẻ là dự án duy nhất đã tiến hành khảo sát ngoài khơi. Dự án dù đã được phê duyệt trong quy hoạch và dự kiến sẽ nộp hồ sơ xin chấp nhận chủ trương đầu tư vào cuối năm.

Song điều quan ngại của chủ đầu tư là việc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân ra sao, đặc biệt là hiện nay việc triển khai vướng mắc liên quan đến đường dây truyền tải. "Chúng tôi mong muốn được thí điểm lựa chọn nhà đầu tư xây đường dây truyền tải, vì làm đến 1,5 năm nay mà không thực hiện được" - đại diện dự án điện gió Thăng Long Wind kiến nghị.

Các ý kiến tại hội thảo cũng nêu thêm, định hướng phát triển điện mặt trời tự dùng trong Quy hoạch điện VIII là rất đúng đắn, nhưng cần cụ thể khái niệm, quy mô phát triển, tính liên kết ra sao, đặc biệt là ở trong các khu, cụm công nghiệp…

Theo Ths. Nguyễn Anh Tuấn, để có thể thực hiện Quy hoạch điện VIII hiệu quả, sau khi Thủ tướng phê duyệt rồi, Bộ Công Thương cần thiết lập kế hoạch chi tiết 5 năm tới để triển khai các công tác: Phân quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh; đảm bảo sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng cũng như các dự án điện sạch; có biểu giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ.

Với các dự án điện khí hóa lỏng LNG, vì đây là loại hình nguồn điện thay thế điện than, giảm phát thải CO2, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần thiết sớm lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, chọn chủ đầu tư; Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ cũng như giám sát tối đa chủ đầu tư trong quá trình đầu tư; sớm sàng lọc, loại bỏ các chủ đầu tư kém năng lực hoặc triển khai kiểu cầm chừng. Với nhu cầu phát triển thêm gần 20.000 MW điện khí LNG từ nay đến năm 2030, nếu không thực hiện tốt cả việc chỉ đạo, hỗ trợ lẫn giám sát, sẽ không thể thực hiện.

Theo Báo Công Thương

CEO Shell nhận định về vấn đề năng lượng châu Âu vào mùa đông tớiCEO Shell nhận định về vấn đề năng lượng châu Âu vào mùa đông tới
EVN tiếp tục kiến nghị điều chỉnh giá điệnEVN tiếp tục kiến nghị điều chỉnh giá điện
Nhịp đập năng lượng ngày 28/7/2023Nhịp đập năng lượng ngày 28/7/2023