Sập bẫy xe máy không giấy tờ

07:00 | 08/03/2014

75,960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xe không giấy tờ, dân sành sỏi gọi là xe “no PP” vốn dĩ không được phép lưu hành. Thế nhưng, loại xe này đặc biệt hấp dẫn người mua vì nó quá rẻ, rẻ đến… ngỡ ngàng. Người mua loại xe này sử dụng nếu chẳng may gây tai nạn hoặc bị mất xe thì cứ “bỏ của chạy lấy người” cũng chẳng tiếc. Dân thợ xe thì rất ưa thích loại xe này vì họ có thể mua về tháo đồ ra thay thế. Đang có rất nhiều đầu mối rao bán các loại xe này. Thế nhưng, những lời rao ấy lại có thể là công đoạn đầu tiên của một trò lừa đảo siêu hạng.

Năng lượng Mới số 302

Những chiếc xe siêu rẻ

Xe không giấy tờ nghĩa là xe không có đăng ký xe và có từ nhiều nguồn khác nhau. Nó có thể là xe trộm cắp, được tháo biển số xe, đục lại số khung, số máy. Nó cũng có thể là xe nhập lậu nguyên chiếc hoặc nhập lậu linh kiện về Việt Nam lắp ráp. Cũng còn một nguồn khác nữa là những chiếc xe sản xuất tại Việt Nam nhưng được nhân viên trong nhà máy tuồn ra ngoài và lén lút bán cho người sử dụng.

Trong vai người có nhu cầu mua xe không giấy tờ, đã mấy ngày liền tôi lang thang ở chợ xe Chùa Hà để lần tìm manh mối. Dò hỏi rất nhiều cò xe, thợ xe trong chợ, tôi biết được rằng, hiện nay những loại xe như vậy bán trong chợ là cực kỳ hiếm bởi công an theo dõi rất chặt những mối xe dạng như vậy. Thời điểm hiện tại, ở chợ xe Chùa Hà không thể tìm được xe không giấy tờ, may mắn tìm được mối mua thì phải có người quen giới thiệu.

Những chiếc xe siêu rẻ được rao bán tại Hiệp Thành Motor

Anh Lâm, một thợ xe trong chợ khẳng định: “Nếu có ai đó bảo rằng có xe không giấy tờ bán cho chú thì hãy cẩn thận nếu không muốn tiền mất tật mang”.

Nghe lời anh Lâm, tôi lần mò vào các chợ xe trên mạng và bắt đầu tìm mối. Qua rất nhiều cuộc điện thoại trao đổi, tôi đã được một người tự giới thiệu tên là Tuấn ở Long Biên gửi báo giá xe. Tôi ngỡ ngàng vì báo giá… đặc biệt hấp dẫn:

  + Sh150i mới, màu đỏ, trắng, đen. Giá 22 triệu.

  + Sh125i mới 90%, màu trắng, giá 17 triệu.

  + Vespa LX150 màu đỏ, vàng, trắng, giá 14 triệu.

  + Vespa LX125, giá 12 triệu.

Lời rao bán xe làm tôi rất bất ngờ vì giá của nó… quá rẻ. Chiếc xe Sh150i do Việt Nam liên doanh sản xuất, cộng cả chi phí đăng ký đã hơn 90 triệu đồng. Cũng chiếc xe ấy nhưng là xe nhập khẩu thì có thời điểm lên tới 11.000USD, tương đương với 240 triệu đồng. Thế mà chiếc xe ấy chỉ bán với giá 22 triệu đồng thì ai mà không ham.

Sau mấy cuộc điện thoại, Tuấn bảo: “Anh cần xe gì, anh cứ đặt hàng em. Chậm nhất 2 ngày có hàng nóng hổi. Chỉ có xe không thôi nhé, giấy tờ và biển số anh phải tự lo. Ở đây bọn em bán giá cứng, anh không phải trả giá như ở chợ xe đâu, nếu trả giá thì thôi luôn”.

Xong, Tuấn còn dọa: “Anh có nhu cầu thực thì hãy mua, còn nếu như làm dích cho PC50 (Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội - PV) thì bỏ ý định đó đi, không làm được gì đâu”.

Tôi quả quyết rằng, mình đang có nhu cầu thực mà muốn mua một con xe Sh150i mới để đem về quê chạy. Rằng ở dưới quê thì công an giao thông ít “soi” hơn nên sử dụng xe thoải mái, nếu có vấn đề gì xảy ra thì mất chút tiền là xong. Hình thức giao dịch được Tuấn lập ra là: “Bọn em làm ăn uy tín mấy năm nay rồi. Chẳng phải là không tin anh nhưng nguyên tắc là thế, anh tuân thủ nguyên tắc thì mình mua bán. Đầu tiên, anh báo cho em loại xe anh cần. Sau khi anh em mình chốt giá, anh chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản của em. Sau khi ngân hàng báo em đã nhận được tiền, chậm nhất sau 2 giờ em sẽ tiến hành giao xe cho anh. Em không thể gặp trực tiếp anh mà sẽ gửi ở một bãi trông xe. Bãi xe này em sẽ chọn địa điểm. Sau đó em sẽ ném chìa khóa xe và vé xe vào một ngõ gần đó và điện thoại cho anh ra nhặt để đi lấy xe”.

Cao thủ lừa!

Có một hình thức giao dịch khác được khẳng định là “an toàn” hơn là hình thức mua online. Cách thức đưa ra là, người mua gửi thông tin chiếc xe cần mua vào e-mail [email protected]. Sau khi có e-mail phản hồi xác nhận thông tin và đưa số tài khoản, người mua xe sẽ chuyển toàn bộ số tiền cho tài khoản của một công ty trung gian. Khi bên bán xe nhận được thông tin của công ty trung gian sẽ tiến hành giao xe cho người mua. Người mua sau khi nhận xe sẽ gửi e-mail cho công ty trung gian xác nhận đã nhận được xe để công ty trả tiền người bán. Điều oái oăm là, bên bán xe khẳng định trong trường hợp người mua không gửi e-mail xác nhận thì họ sẽ phải làm việc với công ty trung gian và “điều tra” người mua. Trường hợp khi bên mua đã gửi tiền, bên bán đã giao xe mà bên công ty trung gian không giao tiền cho bên bán thì người mua xe sẽ mang biên lai ngân hàng tới… đồn công an để lấy lại tiền giúp bên bán. Người này còn đề nghị rằng, tất cả giao dịch chúng ta sẽ nói với công an là đây là giao dịch mua bán điện thoại iPhone hoặc laptop chứ không thể khai là xe không giấy tờ được.

Xe PCX nhập khẩu chỉ có giá 15 triệu đồng

Cao thủ hơn phương thức này là hình thức người bán xe lập hẳn một website công khai để bán xe không giấy tờ. Ngay bây giờ, chúng ta có thể truy cập vào website: http://www.hiepthanh.coo.me để xem được những thông tin rất phong phú về các chủng loại xe không giấy tờ. Thông tin đưa ra rành rành như ban ngày: Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Thành Motor chuyên nhập khẩu và kinh doanh xe máy, motor, xe 2 bánh các loại không thuế hải quan trên toàn quốc. Có 2 địa chỉ trụ sở là Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cách thức giao dịch mua bán tại Hiệp Thành Motor. Vui lòng liên hệ 0909.341.3820909.341.382 (Mr.Hiệp) để được giao dịch nhanh gọn nhất.

Qua điện thoại, Hiệp khẳng định  sẽ giao hàng ngay trong ngày, có kèm theo cavet biển số giấy tờ xe chính chủ. Phí vận chuyển 8 trăm nghìn đồng, tiền làm giấy tờ biển số 7 trăm nghìn đồng. Khách hàng quen thuộc, mua xe lâu năm hoặc đã mua xe bên Hiệp Thành Motor rồi thì miễn đặt trước phí vận chuyển và tiền làm giấy tờ biển số. Hoặc có người quen bảo lãnh thì cũng miễn đặt trước chỉ cần gọi điện đặt hàng là sẽ được giao xe ngay. Đối với khách hàng mới mua lần đầu thì phải đặt trước phí vận chuyển và giấy tờ xe, tổng cộng là 1,5 triệu đồng. Nếu không lấy giấy tờ biển số thì đặt 1 triệu đồng.

Hiệp còn nói thêm rằng, xe của Hiệp là xe nhập lậu không thuế hải quan nên không có hồ sơ gốc. Vì vậy mua xe loại này chủ yếu để đi và sang đồ chứ không bán lại hay công chứng sang tên đổi chủ được. Hoặc gây tai nạn nghiêm trọng hay bị mất xe thì không thể khiếu nại với các cơ quan chức năng.

Những nạn nhân ngây ngô

Mánh lới này quả nhiên là “trò mèo” đã lừa gạt không biết bao nhiêu người nhẹ dạ cả tin. Hôm ở CLB Phượt Motor Hà Nội, tôi có gặp Tùng và được nghe toàn bộ câu chuyện của cậu ta. Tùng quê ở Hà Nam, sinh viên Trường đại học Giao thông Vận tải mới ra trường. Nói ngắn gọn là Tùng bị lừa “trắng bụng” khi lần mò đi mua xe không giấy tờ.

Tùng kể: “Anh ạ, em càng nghĩ càng thấy nhục, không hiểu sao em lại dại dột thế. Cách đây 2 tuần, em thấy lời rao trên mạng rằng bán xe không giấy tờ với đầy đủ các chủng loại. Chủ cửa hàng tên Trung, có số điện thoại và số tài khoản đầy đủ. Thì đúng lúc em cũng đang cần xe. Em gọi điện rồi ngay lập tức bán con xe cà tàng đang đi và gom đủ 14 triệu gửi vào tài khoản của hắn để lấy con xe Vespa LX150. Xong em gọi điện báo cho bên kia biết là đã chuyển tiền và hỏi bao giờ thì chuyển xe. Bên kia nghe điện, giọng đã bắt đầu ậm ừ và bảo rằng sẽ chuyển ngay khi có hàng. Em cứ đinh ninh thế và đợi đến hôm sau gọi điện. Nhưng gọi đến mấy chục cuộc không có ai nghe máy, mãi đến đêm mới thì nó mới chịu bắt máy nghe nhưng là giọng người khác. Nó bảo em nguyên văn là: Thằng Trung bị công an bắt vì tội buôn bán xe gian rồi, đừng gọi lại nữa. Sau đó nó tắt máy. Lúc ấy em như bừng tỉnh rằng mình đã bị lừa. Em mất ăn mất ngủ vừa tiếc tiền vừa căm tức tận cổ vì chẳng thể làm gì, chẳng kiện được ai, chẳng chửi bới được ai. Em cũng không hiểu sao mình lại ngu thế... Em mà bắt được nó, em xé xác nó ra”.

Nói là nói vậy nhưng Tùng chẳng thể xé xác được ai. Xe mới chẳng thấy đâu mà mất luôn cả xe cũ.

Tôi dò hỏi về mối xe của Hiệp ở Hiệp Thành Motor, anh Trung, Chủ tịch CLB Phượt Motor Hà Nội quả quyết: Thằng Hiệp là thằng lừa đảo nổi tiếng trên mạng chú ạ, nó đang bị công an theo dõi rất gắt. Các số tài khoản nó đăng ký từ ngân hàng chỉ là manh mối bước đầu. Để giao dịch trên mạng, nó thường di chuyển liên tục các điểm wifi công cộng để tránh bị phát hiện. Hồi trước, nó là đầu mối đưa xe máy hàng “nhảy”, hàng “đá” đi tiêu thụ và thực tế chúng đã bán được vài xe với hình thức trên. Do tình hình “đá”, “nhảy” liên tục bị công an tóm nên chúng chơi trò này mà không tốn sức, chỉ tốn công ngồi tại các điểm wifi công cộng để check và trả lời e-mail, hối thúc “con mồi” nhanh chuyển khoản để giao xe vì cháy hàng. Nó rất ranh mãnh, chỉ lừa số tiền đặt cọc 1-1,5 triệu đồng thôi nên rất nhiều người đã sập bẫy hắn.

Tôi đã hỏi rất nhiều người sành sỏi trong giới chơi xe ở Hà Nội và họ đều khẳng định, nguồn xe không giấy tờ không phải là không có nhưng cực kỳ hiếm và khó mua. Và khi mua được rồi, để làm giấy tờ cho chúng thì còn muôn vàn khó khăn.  

Cách thông thường, dân trong giới sẽ dùng kỹ thuật tẩy xóa từ “phôi” giấy tờ thật để chế thành giấy tờ hoàn toàn khác. Cách thứ hai là sử dụng một mặt của giấy đăng ký thật, ghép với mặt sau là đăng ký giả.

Giới dân chơi môtô độc còn rỉ tai nhau độc chiêu một xe, hai giấy tờ. Có nghĩa là, một xe “xịn” sẽ “cõng” một xe “nhảy”. Dân trong giới gọi là “bố cõng con”. Người có xe “xịn” dùng một thời gian sẽ giả vờ báo mất giất tờ đăng ký xe rồi họ đi xin lại. Lúc này, cơ quan chức năng chắc chắn phải cấp cho họ đăng ký mới. Nhân cơ hội này, chủ xe “xịn” sẽ bán chiếc xe mình đang đi cho chủ mới. Thậm chí, người này chỉ cần bán một chiếc giấy đăng ký xe cho người sở hữu xe “nhảy” có cùng kiểu dáng cũng thu được bộn tiền.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 71 của Chính phủ, xe máy, ôtô mang biển kiểm soát giả có thể bị phạt 4-6 triệu đồng và bị tịch thu biển kiểm soát giả, tạm giữ bằng lái xe. Bên cạnh đó, nếu trường hợp nào chủ xe đục lại số khung, số máy, làm giả giấy tờ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 267 Bộ luật Hình sự về hành vi làm giả con dấu. Trong luật có quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ nhằm lừa dối cơ quan chức năng, tổ chức công dân thì bị phạt 5-10 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Bên cạnh đó, nếu chủ phương tiện đục số khung, số máy phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt tù 2-5 năm.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc mua được chiếc xe không giấy tờ vốn đã tiềm ẩn nguy cơ “dính quả lừa” rất cao. Khi mua được xe rồi, nếu cứ để thế mà sử dụng thì có thể mất xe bất cứ lúc nào hoặc làm giấy tờ giả cho xe thì lúc nào cũng lo ngay ngáy như ngồi trên đống lửa. Suy cho cùng, với số tiền mua một chiếc xe không giấy tờ, người ta hoàn toàn có thể mua một chiếc xe “ít sang hơn” nhưng đầy đủ giấy tờ hợp pháp mà yên tâm đi lại. Chính vì thế, khi quyết định tìm mua một chiếc xe “no PP”, hãy cân nhắc thật kỹ.

Hải Hậu