Vụ máy bay MH370 mất tích:

Sao bây giờ mới nói?

16:26 | 04/05/2014

3,783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo sơ bộ của Malaysia công bố ngày 1/5 về sự mất tích của chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 8/3/2014, cũng như những phát biểu “đổ vấy” cho Việt Nam chậm trễ thông tin của Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman hôm 2/5 vừa qua không khỏi khiến dư luận thất vọng.

Trước hết, bản báo cáo sơ bộ đề ngày 9/4, công bố ngày 1/5 không hé lộ thêm được thông tin gì mới hay đưa ra cách giải thích nào về sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay MH370 cùng 239 người trên khoang, với đa phần là người Trung Quốc, cách nay gần 2 tháng.

Trên CNN, Bill Palmer – cơ trưởng máy bay Airbus A330 của một hãng hàng không lớn, tác giả cuốn sách viết về tai nạn máy bay Airbus 447 của Hãng hàng không Air France năm 2009 đã thẳng thừng chỉ ra rằng: bản báo cáo quá ngắn - chỉ vẻn vẹn dài 5 trang – cho thấy Bộ Giao thông vận tải Malaysia đang muốn chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Hình thức và nội dung đều quá sơ sài - đặc biệt khi so sánh với bản báo cáo sơ bộ về chuyến bay bị mất tích năm 2009 của Air France dài dến 128 trang với những chi tiết sâu rộng.

Sao bây giờ mới nói?

Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman

Điểm được giới quan sát lưu ý nhất là trong bản báo cáo ngắn ngủi đó là việc giới chức Malaysia đã lãng phí 4 tiếng đồng hồ từ lúc nhận được tin chiếc máy bay bị mất liên lạc cho đến lúc chính thức khởi động chiến dịch tìm kiếm.

Theo bản báo cáo, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar tại Kuala Lumpur lúc 1 giờ 21 phút sáng ngày 8/3. Phải chờ đến 17 phút sau, tức là 1 giờ 38 phút, khi đài kiểm soát không lưu tại TP Hồ Chí Minh ở Việt Nam hỏi Kuala Lumpur về chuyến bay thì kiểm soát không lưu phía Malaysia mới nhận thức là chiếc phi cơ đã mất tích. Thế nhưng, sau đó đến 4 giờ đồng hồ,  Kuala Lumpur mới chính thức tiến hành các hoạt động cứu hộ.

Trong khi đó, theo giới quan sát, 4 giờ đó có thể là rất quan trọng, vì đó là khoảng thời gian mà trên nguyên tắc chiếc phi cơ vẫn còn bay trên không, nên hoàn toàn có thể được phát hiện nếu công cuộc săn tìm quốc tế được khởi động kịp thời. Vậy mà bản báo cáo không cho biết trong 4 giờ đồng hồ quan trọng đó, Kuala Lumpur đã làm gì ngoại trừ việc liên lạc với Singapore, Hongkong và Campuchia.

Một chi tiết thứ 2 cũng không khỏi gây thắc mắc - đó là thông tin về vai trò của quân đội Malaysia vào đêm máy bay mất tích.

Theo Thủ tướng Malaysia, chính quân đội nước này đã phát hiện và theo dõi chiếc phi cơ khi nó đổi hướng bay ngược trở lại qua Malaysia. Đây là cơ sở để cuối ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia chỉ đạo mở rộng phạm vi tìm kiếm ra qua phía Tây, về phía eo biển Malacca.

Tuy nhiên, điều kỳ quặc là quân đội Malaysia chỉ thông báo cho giới dân sự nước này thông tin trên 8 giờ sau khi phát hiện. Vai trò của quân đội Malaysia cũng không hề được nhắc đến trong báo cáo sơ bộ.

Chưa hết, một ngày sau khi công bố bản báo cáo dường như không thể ngắn hơn được nữa với những gì đã xảy ra, dư luận lại không khỏi bất ngờ khi Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman lên tiếng cho rằng phía Việt Nam đã chậm trễ thông tin khiến cho việc tìm kiếm máy bay MH370 đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Nguyên văn trên tờ The Malay Mail Online, ông Rahman cho biết, vào lúc 1 giờ 21 phút sáng 8/3, kiểm soát không lưu Kuala Lumpur đã yêu cầu MH370 chuyển tần số sang kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh. Nhưng đến 1 giờ 38 phút, phía kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh mới liên hệ để yêu cầu thông tin về MH370 , khi họ không liên lạc được với máy bay.

“Nếu máy bay không liên lạc với phía TP Hồ Chí Minh, thì theo thông lệ, thời gian tối đa để kiểm soát không lưu liên lạc lại là 5 phút”, ông Rahman nói tại cuộc họp báo hôm 2/5.

Theo vị quan chức hàng không Malaysia, một khi MH370 đã vượt qua điểm Igari trên Biển Đông thì MH370 đã chính thức thuộc trách nhiệm của kiểm soát không lưu Việt Nam. Do đó, kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh phải giải thích tại sao họ lại liên lạc với phía Malaysia chậm hơn 12 phút so với quy định của ngành hàng không khi không nhận được tín hiệu trên màn hình radar của MH370.

Tuy nhiên, ngay trong hôm máy bay Malaysia Airlines mất tích, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng khi trả lời phỏng vấn của tờ VnExpress đã khẳng định: máy bay đã mất tích trước khi vào vùng thông tin bay (FIR) của TP.Hồ Chí Minh và trước khi vào vùng kiểm soát của kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh khoảng 1 phút bay, máy bay đã mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar.

Mặt khác, trên các trang tra cứu hành trình bay quốc tế, tín hiệu gần nhất còn ghi nhận được của chuyến bay MH370 không phải ở Việt Nam.

Khi đó, Malaysia không hề có phản bác gì. Vậy mà, sau 2 tháng, họ lại đổ lỗi cho Việt Nam. Điều này không khỏi khiến người ta phải đặt câu hỏi "Tại sao bây giờ mới nói?".

Malaysia biện minh thế nào cho việc chậm triển khai tìm kiếm MH370?

Trước những chỉ trích cho rằng Malaysia đã lãng phí quá nhiều thời gian, mất đến 4 giờ đồng hồ kể từ khi phát hiện chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 mất tích cho đến khi chính thức khởi động chiến dịch tìm kiếm,  Quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein ngày 2/5 đã lên tiếng giải thích về sự chậm trễ này.

Theo ông Hussein, trong vụ máy bay của hãng hàng không Air France mất tích năm 2009, khoảng thời gian từ lúc phát hiện mất liên lạc với máy bay cho đến khi có bất kỳ phản ứng nào là từ 6-7 giờ đồng hồ.

“Mỗi trường hợp mỗi khác. Trong trường hợp này, chúng tôi mất 4 giờ để có phản ứng trước sự biến mất của MH370”, ông Hussein nói.

Quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia cũng khẳng định, Malaysia “không có gì để che giấu” và một cơ quan điều tra độc lập sẽ được thành lập để đánh giá khoảng thời gian 4 giờ đồng hồ đó có là lãng phí hay không.

Về câu hỏi bản báo cáo sơ bộ dài 5 trang về vụ mất tích của MH370 có quá ngắn so với bản báo cáo sơ bộ về vụ máy bay Airbus 447 của Air France năm 2009 hay không, ông Hussein cho biết: "Bản báo cáo của chúng tôi dựa trên mọi thông tin mà chúng tôi có mà không gây hại đến quá trình điều tra. Hơn nữa, trong vụ việc của Air France, họ đã tìm thấy các mảnh vỡ, trong đó khẳng định máy bay đã bị rơi, do đó họ có thêm thông tin để báo cáo”.

Linh Phương (tổng hợp)