Rối cạn đang... chết khô

07:10 | 05/02/2018

2,928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, múa rối cạn đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, nghệ nhân múa rối cạn muốn tìm người để truyền nghề mà không có. Trong khi đó, các nghệ nhân tâm huyết và giỏi đã có tuổi, còn lớp trẻ không có điều kiện hoặc không tâm huyết với nghệ thuật rối.

Khó trăm bề

Nếu nghệ thuật rối nước đã trở thành “đặc sản” của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến thì rối cạn lại phát triển khá khiêm tốn. Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, các chuyên gia sân khấu cũng cho biết, việc đào tạo diễn viên múa rối cho rối cạn theo hình thức “vay mượn” hiện nay cũng là một “vướng mắc” khó tháo gỡ.

roi can dang chet kho
Múa rối cạn đang đứng trước nguy cơ mai một

Khác với múa rối nước, múa rối cạn phong phú, sinh động và dễ biểu diễn hơn. Trên sân khấu, múa rối cạn không giới hạn về nội dung, nhân vật... Tất cả nhân vật trên sân khấu rối đều có thể được nhân cách hóa, tạo sự tưởng tượng phong phú cho người xem. Múa rối cạn có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay, rối que, rối dây, rối bóng... Phần lớn các tích trò thường sử dụng làn điệu chèo, ca trù, tuồng để dẫn trò và biểu diễn. Những con rối tay thường được làm bằng gỗ. Nghệ nhân điều khiển con rối, lấy nội dung, nhân vật trong các truyện cổ tích, thần thoại... hoặc các nhân vật như cu Tí, cu Tèo, chú bộ đội, bác nông dân... trong cuộc sống đời thường. Trên sân khấu rối cạn, những loài động vật, cây cối, nhà cửa đều trở nên sinh động, có hồn và phong phú qua tài năng của những nghệ sĩ điều khiển rối.

Đặc sắc... buồn

Vùng Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) còn lưu giữ được một vốn di sản quý báu, đó chính là nghệ thuật rối đầu gỗ “Ổi lỗi” chùa Đại Bi, hay còn gọi là hát và múa rối hầu thánh. Đây là loại hình rối cạn độc đáo “có một không hai” của miền Bắc. Nét đặc biệt của rối “Ổi lỗi” là nó chủ yếu được biểu diễn “hầu thánh”, tức là múa rối để cho các “thánh” xem. Rối đầu gỗ chùa Đại Bi sống động, tươi vui, song chính vì mang đậm tính chất lễ nghi, thờ cúng nên những hành động và tiến trình của lễ hội không thể tự do như rối cạn thông thường mà phải tuân theo quy tắc riêng nhất định.

Đối với loại hình rối đầu gỗ chùa Đại Bi, các nhà nghiên cứu văn hóa đang tỏ ra lo lắng khi mà các con rối được bảo quản trong điều kiện chật chội và ẩm thấp, phần nhiều trong số đó đã và đang bị hư hại. Những người hoạt động lâu năm trong phường rối đều biết nhưng “lực bất tòng tâm”, vì lo đóng góp kinh phí đủ để duy trì được hoạt động tập và biểu diễn đều đặn mỗi dịp lễ hội đã là rất cố gắng. Thực tế, rối đầu gỗ chùa Đại Bi cũng đã từng đi diễn ở thủ đô và được Viện Âm nhạc về ghi hình làm tư liệu. Nhưng chừng đó chưa đủ để được gọi là hoạt động quảng bá và bảo tồn hiệu quả. Nguy cơ mai một thứ di sản nghệ thuật dân gian hơn 400 năm tuổi là điều có thật!

Có lẽ ít ai biết làng Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trước đây vốn được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối cạn. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của dòng chảy lịch sử, nét văn hóa độc đáo ấy của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đang dần bị mai một. Thông thường, màn múa rối kéo dài khoảng nửa tiếng, mở đầu là màn diễn của các nghệ nhân mô phỏng hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: Cày cấy, đánh cá… Cuối cùng và cũng là trung tâm của màn rối là biểu diễn “Tắc kè leo cây”. Tích trò kể câu chuyện con tắc kè, đại diện cho loài vật có khả năng dự báo thời tiết tốt, nên phục vụ rất nhiều cho nghề nông của người dân. Những động tác của các nghệ nhân rất uyển chuyển như: Leo lên, tụt xuống, chạy nhảy vô cùng sinh động và đẹp mắt, mang đến cho người xem sự thích thú. Múa rối cạn làng Ru Nghệ độc đáo là thế, nhưng do sự biến đổi của cuộc sống, nên giờ đây múa rối cạn đã bị mai một dần. Những nghệ nhân trong phường múa rối cạn xưa cũng đã phải tạm ngừng hoạt động để trở về với cuộc sống mưu sinh.

Ra đời từ hơn 200 năm trước, rối que trở thành nét văn hóa độc đáo của người Tày ở Thái Nguyên. Con rối được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân. Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo. Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường. Trong biểu diễn rối que, người Tày thường kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, thu hút người xem.

Thông qua hình thức diễn xướng này, người biểu diễn muốn chuyển tải thông điệp yêu lao động, ca ngợi những người chăm lao động, chê bai những kẻ lười biếng, khuyên người dân biết giữ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đoàn kết gắn bó trong lao động sản xuất và đời sống thường nhật. Nhưng cũng giống như rối đầu gỗ chùa Đại Bi, rối que đang đang mai một dần bởi các nghệ nhân lớn tuổi khó tìm người tiếp nối.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tuy không phổ biến như múa rối nước nhưng những rối cạn vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nhưng nếu không được quan tâm đầu tư kinh phí thì nghệ thuật múa rối cạn sẽ bị mai một dần.

Múa rối cạn phong phú, sinh động và dễ biểu diễn. Trên sân khấu, múa rối cạn không giới hạn về nội dung, nhân vật... Tất cả nhân vật trên sân khấu rối đều có thể được nhân cách hóa, tạo sự tưởng tượng phong phú cho người xem.

Tùng Lâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.