Quy hoạch theo không gian để phát triển kinh tế biển

10:16 | 26/12/2017

536 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chuyên gia kinh tế biển khuyến cáo, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại và nhất là phải có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian.

Liên kết chặt các mảng không gian biển

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển vẫn đang là vấn đề mới mẻ đối với các nhà khoa học, quản lý và lập chính sách của Việt Nam. “Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ khác nhau” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, 4 mảng không gian biển quan trọng của nước ta cần sớm quy hoạch là vùng ven biển (duyên hải), không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương. “Đối với kinh tế biển, cả 4 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

quy hoach theo khong gian de phat trien kinh te bien
Một mô hình quy hoạch đô thị ven biển tại Nha Trang, Khánh Hòa

Theo các nhà khoa học, nếu chúng ta làm tốt việc quy hoạch 4 mảng không gian biển quan trọng này, hiệu quả của việc phát triển kinh tế biển nói riêng và chiến lược biển Việt Nam nói chung sẽ tạo ra tính liên kết bền vững, tạo thành bước đột phá quan trọng nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra.

“Với mỗi một mảng không gian biển có những thế mạnh khác nhau, tương hỗ nhau, nếu được liên kết sẽ tạo thành một “quần thể biển” kết cấu chặt chẽ trong cả phát triển kinh tế và các mục đích khác” - Một chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của Viện Hải dương học Nha Trang nói.

Theo chuyên gia này, nếu quy hoạch tốt, chỉ tính mảng không gian ven biển và vùng nước lợ, chúng ta có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng triều khoảng 1.130.000ha, diện tích trồng lúa, cói và làm muối hiệu quả thấp ở ven biển có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản khoảng gần 500.000ha. Đó là chưa kể diện tích các vùng đầm phá tập trung ở các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) có khả năng phát triển thủy sản khoảng 12.000ha, cùng với khả năng đưa 20.000ha vùng bãi ngang sát biển vào nuôi trồng thủy hải sản.

Xây dựng các “đô thị cảng biển” tiên phong

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nước ta đã có 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia dọc ven biển cùng với 15 khu kinh tế ven biển gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, một số đảo bước đầu được xác định phát triển thành các trung tâm kinh tế hải đảo trong tương lai, cùng với các trung tâm du lịch ven biển.Vì vậy nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị cảng biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…

Vấn đề tồn tại là do các “đô thị cảng biển” đầu tư dàn trải nên bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới, cần chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị cảng biển” tiên phong và tập trung.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng việc đầu tư cho các đô thị này cùng với một số trung tâm kinh tế hướng biển được chọn lựa để xây dựng, không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng chính của các cực trong khu vực Biển Đông, để đến năm 2020, các mảng không gian biển của nước ta sẽ trở thành một trong những khu vực phát triển năng động trên thế giới.

Trên cơ sở tổ chức không gian biển - ven biển, cần tiến hành quy hoạch không gian cho từng khu vực biển, vùng ven biển và cụm đảo cụ thể.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua Luật Quy hoạch, trong đó quy hoạch không gian biển quốc gia được quy định tại Điều 23 của Luật. Theo đó, nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia xác định việc phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

An An