Quy định thu phí bảo trì đường bộ sắp có hiệu lực

06:00 | 23/11/2012

1,845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hơn 1 tháng nữa Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định thu phí bảo trì đường bộ chính thức có hiệu lực. Mặc dù vậy quy định về việc thu phí này đã không nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp (DN) vận tải bởi còn nhiều vướng mắc chưa được làm rõ và thời gian thực hiện chưa thích hợp.

Tại hội nghị góp ý dự thảo thông tư của Bộ Tài chính “Hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí để sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” do Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/11, nhiều ý kiến cho rằng cần lùi thời điểm áp dụng Nghị định này thay vì áp dụng từ ngày 1/1/2013 như hiệu lực của Nghị định số 18.

Nhiều vướng mắc 

Liên quan đến nghị định này, mới đây Bộ Tài chính có bản dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí để sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” để gửi các DN xem và đưa ra ý kiến. Tuy nhiên bản dự thảo này đã không nhận được sự đồng tình của giới DN vận tải.

Ông Đinh Nam Dinh, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM cho biết: theo bản dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính hiện còn nhiều bất cập cần được xem xét kỹ. Cụ thể tại điều 2 của bản dự thảo thông tư quy định về đối tượng chịu phí trong đó có đối tượng là rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô. Đây là quy định rất bất cập bởi hai đối tượng này phải có đầu kéo mới lưu thông được, trong khi đầu kéo đã đóng phí rồi.

Bất cập còn nằm tại điều 7 của bản dự thảo quy định về phương thức thu phí cũng chưa được linh hoạt, gây khó cho DN. Hiện nay việc đăng kiểm phương tiện được thực hiện đối với xe cơ giới là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm… tùy theo xe đời cũ hay đời mới. Nếu phải đóng phí theo kì đăng kiểm như quy định tại điều 7 của dự thảo thì sẽ khiến DN phải đi đóng phí 2 lần cho phương tiện mới được hoạt động.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/112012/22/19/IMG_1999.jpg

Việc áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thời điểm này sẽ khiến nhiều DN vận tải gặp khó khăn

Lương Phạm Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Giao nhận Vận tải Công Thành (TP.HCM) cho biết: Công ty chúng tôi hiện có trên 100 đầu kéo, cùng khoảng 1000 sơ mi rơ moóc, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì mỗi tháng chúng tôi phải đóng phí là 1 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Nếu tính phí theo dự thảo thì vô tình DN bị dồn vào chỗ chết.

Do đó chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét lại dự thảo hướng dẫn thu phí, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của DN, không nên tách rời đầu kéo và sơ mi rơ moóc để tính phí.

Ông Trần Duy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận Kho vận TP.HCM cho rằng: mức phí trong dự thảo là quá cao so với điều kiện thực tế của các DN. Ở nước ta chi phí vận tải đã được xếp vào loại cao so với các nước trong khu vực, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì sẽ đẩy giá cứơc vận tải lên. Hệ quả tiếp theo sẽ là đà tăng cùng chiều của  cả tiêu dùng.

Cũng theo ông Hiền, các DN vẫn chưa thấy được tính hiệu quả của việc sử dụng phí nếu áp dụng thu. Trong điều 8 của bản dự thảo thông tư này quy định rất sơ sài, không ghi cụ thể khoản phí bảo trì đường bộ này sẽ sử dụng như thế nào. Các DN chưa tin tưởng vào việc sử dụng nguồn quỹ này và liệu khi thu rồi chất lượng công trình đường bộ có tốt hơn không. Liệu có bao nhiêu tiền từ quỹ này được sử dụng để bảo trì đường bộ khi một số tiến lớn của quỹ này được dùng để trả cho bộ máy quản lý cồng kềnh.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên lùi thời điểm thu phí bảo trì đường bộ.

 Chưa phải thời điểm thích hợp

Theo nghị định số 18, từ ngày 1/6/2012 tất cả các loại phương tiện đường bộ sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn, nên thời điểm áp dụng nghị định này được lùi đến ngày 1/1/2013. Như vậy chỉ còn hơn một tháng nữa việc thu phí sẽ được áp dụng, điều này khiến nhiều DN tỏ ra lo lắng khi nhiều vấn đề còn vướng mắc.  

“Hiện nay DN vận tải đang chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau, với mạng lưới trạm thu phí dày đặc, các khoản phí lưu thông đường bộ đang đè gánh nặng lên DN. Điều đáng chú ý là tại các trạm thu phí BOT, khoản phí qua trạm đã bao gồm phí bảo trì đường bộ, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ nữa sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.”- ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty vận tải Trung Việt nói.

Từ tình hình thực tế nhiều DN vận tải cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời điểm này là khó thực hiện. Bởi tình hình chung hiện nay hoạt động sản xuất của DN đang gặp nhiều khó khăn và dự báo trong năm 2013 tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ sẽ có tác động tiêu cực lớn đến xã hội. Các DN vận tải là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng khi giá cước vận tải tăng cao thì người dân chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.  

Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP.Đà Nẵng đề xuất: “Thời gian đến khi áp dụng nghị định không còn nhiều nên các ý kiến, nguyện vọng của DN cần phải nhanh chóng được chuyển đến Chính Phủ xem xét để lùi thời hạn thu phí đến thời điểm thích hợp. Và trong khoảng thời gian này Bộ tài chính cũng như ban soạn thảo thông tư cần điều chỉnh, bổ sung một số điều của thông tư để phù hợp với thực tế”.

 

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc