Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam: Hướng tới phát triển điện khí hiệu quả và bền vững
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Mục đích chính của Diễn đàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn là cơ hội trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, cơ quan lập pháp và các nhà nghiên cứu kinh tế về vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí, từ đó đóng góp từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách hướng tới phát triển điện khí hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP cho biết, Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Theo ông Tăng Hữu Phong, Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW.
Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%).
Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.
Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hoá lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện khí hiện nay vẫn là đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; việc thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. "Nếu như chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", ông Tăng Hữu Phong nhận định.
TS. Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam thảo luận tại diễn đàn |
Thảo luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch điện 8, điện khí có vai trò quan trọng, là nguồn điện nền trong thực hiện dịch chuyển năng lượng thời gian tới. "Tuy nhiên, chúng ta hiện mới có duy nhất tổng kho LNG 1 triệu tấn trong Quy hoạch điện 8, nhiều tỉnh có quy hoạch điện khí, nhiều nơi mong chuyển đổi điện than thành điện khí, nhưng trên thực tế cho thấy, phát triển điện khí gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, như đầu tư hạ tầng, đàm phán hợp đồng mua bán điện, khí ...".
Theo TS. Nguyễn Hùng Dũng, các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Do đó, phát triển điện khí phải theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước. Đại diện Hội Dầu khí Việt Nam cũng dẫn chứng ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore… nhà nước chi phối việc điều tiết thị trường khí. Vì vậy, TS. Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, muốn phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Và điện khí là xu hướng tất yếu nên cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm tham gia thị trường.
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương |
Cũng tại diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, cam kết của Việt Nam tại COP26 được thể hiện thông qua Quy hoạch điện 8, việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2045, trong đó có điện khí. Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG.
Theo Quy hoạch điện 8, khối lượng hydro cần thiết để thay thế nguồn LNG nhập khẩu đến năm 2035 khoảng 0,7-1,4 triệu tấn, năm 2045 khoảng 9,5-11,3 triệu tấn, năm 2050 khoảng 16-17,4 triệu tấn. Ước tính sơ bộ cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước đảm bảo sản xuất đủ hydro xanh cho sản xuất điện.
Hiện Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.
Nhưng hiện nay vẫn đứng trước nhiều thách thức, nhiều dự án vẫn nằm ở trạng thái treo, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid và xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraine, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.
Thứ hai, LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội… Thị trường năng lượng nói chung, LNG nói riêng trên toàn cầu hiện đang trong trạng thái bất ổn do các sự kiện địa chính trị.
Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.
Cũng theo ông Hùng, một khó khăn nữa là hiện nay Chính phủ cũng không cấp bảo lãnh nào, và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường điện, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, thách lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành).
Huy Tùng
-
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 6/12: Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỷ USD sau 11 tháng
-
Bình quân mỗi tháng có 15,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2024
-
Wincommerce - chủ chuỗi siêu thị Winmart đang làm ăn ra sao?
-
Giá vàng hôm nay (6/12): Thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh