Quy định mới về hoạt động từ thiện: Cá nhân chỉ là một mắt xích!

19:00 | 01/11/2021

257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Luật sư Lê Hằng (Công ty luật TAT Law Firm) khẳng định, cá nhân chỉ được “tham gia” với tư cách là một “mắt xích” trong hoạt động từ thiện, không toàn quyền quyết định các vấn đề quan trọng khi tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện từ thiện.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 với các nội dung mới quy định mở rộng thêm đối tượng là cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện. Theo Luật sư Lê Hằng (Công ty luật TAT Law Firm), việc mở rộng đối tượng thực hiện từ thiện là phù hợp để hoàn thiện các quy định về công tác từ thiện không còn phù hợp theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Luật sư Hằng phân tích: Theo nội dung Nghị định 93 thì “cá nhân được làm từ thiện”. Tuy nhiên, theo điểm h, Điều 2 về đối tượng áp dụng là cá nhân chỉ được “tham gia” là một “mắt xích” trong hoạt động từ thiện mang tính cộng đồng này mà không toàn quyền quyết định các vấn đề quan trọng khi tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện từ thiện.

Như vậy, ngoài các đối tượng được áp dụng như Nghị định 64/2008, Chính phủ đã ghi nhận hoạt động từ thiện của cá nhân và mở rộng quyền của cá nhân khi nghiêm cấm các hành vi “cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối” nguồn đóng góp tự nguyện của xã hội để phục vụ công tác từ thiện.

Quy định mới về hoạt động từ thiện: Cá nhân chỉ là một mắt xích!
Luật sư Lê Hằng - Công ty luật TAT Law Firm

Các cá nhân khi tham gia hoạt động từ thiện phải đảm bảo các điều kiện nhất định và thông qua cấp Ủy ban địa phương để thực hiện công tác từ thiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với quy định mở tài khoản riêng tại Ngân hàng thương mại, Nghị định yêu cầu cá nhân phải mở tài khoản theo từng cuộc vận động, bố trí địa điểm tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian được phép tiếp nhận.

Các cá nhân phải “có biên nhận” các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật khi tiếp nhận từ cá nhân, tổ chức. Đây là quy định siết chặt đối với cá nhân mặc dù hơi khó khăn đối với cá nhân nhưng là cần thiết để minh bạch các khoản thu, chi sau này trong công tác từ thiện.

Bên cạnh đó, nghị định mới đã có các giải pháp để xử lý việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện một cách hài hòa phù hợp.

Theo đó, quy định rõ mặc dù cá nhân là người tiếp nhận nguồn từ thiện nhưng UBND xã là đơn vị chủ trì phân phối. Quy định này nêu rõ tùy vào nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, cá nhân sẽ thông báo với UBND cấp xã nơi tiếp nhận hỗ trợ để xác định phạm vi, đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ, phân phối nguồn quyên góp được.

Trường hợp cần thiết thì phải liên hệ với UBND cấp tỉnh và có hướng dẫn cụ thể. ​Việc quy định rõ ràng hợp lý trong khâu phân phối như sau: “Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với ban vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ, cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân”. ​

Quy định mới về hoạt động từ thiện: Cá nhân chỉ là một mắt xích!
Tháng 3/2021, Tạp chí Năng lượng Mới cùng Báo Pháp luật Việt Nam và Nhóm thiện nguyện đang công tác tại Việt Nam Airlines vượt hàng trăm cây số trao 18 suất quà tại 2 xã Mường Sang và Tân Hợp (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng tiền và quà…

Về đối tượng để chi trong công tác từ thiện được nghị định nêu rõ đối tượng ưu tiên là chi cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích, chi phí mai táng, hỗ trợ lương thực thực phẩm nước uống, thuốc chữa bệnh cho gia đình khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy…

Đặc biệt là khuyến khích nguồn chi cho hỗ trợ mua sắm thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng chống dịch bệnh.

Nội dung chi hỗ trợ này cần được sự thống nhất với các tổ chức, cá nhân có đóng góp từ thiện. Ngoài ra, nếu nguồn quyên góp còn dư ra sau khi chi thì cá nhân cần thống nhất đối với người đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện an sinh xã hội theo đúng mục tiêu của công tác từ thiện đặt ra. ​

Bên cạnh nội dung quy định việc minh bạch công tác từ thiện khi cá nhân phải mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật theo từng đối tượng và địa bàn hỗ trợ.

Có một điểm chú ý trong nghị định mới là cá nhân có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi được cơ quan thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật. ​Như vậy, Nghị định 93/NĐ-CP mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ trước đây về công tác từ thiện đã tạo hành lang pháp lý cho cá nhân được “tham gia” công tác từ thiện, mở rộng đối tượng cá nhân cùng chung tay với xã hội, cũng là nhân tố trong công tác thực hiện công tác từ thiện nói chung vì cộng đồng, đồng thời cũng quy định rõ quy trình thu chi và giải pháp phù hợp khắc phục những tồn tại trong công tác từ thiện. Nghị định này đã đưa công tác tham gia làm từ thiện của cá nhân về đúng thực chất như nó vốn có.

Những quy định mới đều đáng được ghi nhận để bất cứ cá nhân nào cũng có thể thực hiện công tác từ thiện vì an sinh xã hội, nêu cao tinh thần đáng quý “lá lành đùm lá rách” truyền thống và thực hiện theo đúng khuôn khổ pháp luật. ​ ​

Cá nhân kêu gọi từ thiện phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận độngCá nhân kêu gọi từ thiện phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động
Nghệ sĩ làm từ thiện bắt đầu bằng việc trao giá trịNghệ sĩ làm từ thiện bắt đầu bằng việc trao giá trị
Họ làm từ thiện hay đi ban ơn?!Họ làm từ thiện hay đi ban ơn?!
Nghệ sĩ làm từ thiện: Cần minh bạch để giữ uy tín trước công chúngNghệ sĩ làm từ thiện: Cần minh bạch để giữ uy tín trước công chúng
Dương Mịch và loạt sao Hoa ngữ Dương Mịch và loạt sao Hoa ngữ "muối mặt" vì bê bối làm từ thiện

X.Hinh