Quốc hữu hóa YPF, Argentina đang "gây thù chuốc oán"

13:21 | 21/04/2012

340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Nghị viện châu Âu (EP) ngày 20/4 đã ra nghị quyết lên án Argentina vì quyết định quốc hữu hóa Công ty dầu mỏ YPF thuộc kiểm soát của Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, đồng thời yêu cầu Liên minh Châu Âu (EU) kiện Buenos Aires lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Repsol và Tây Ban Nha gọi quyết định tái quốc hữu hóa của Argentina với YPF là một sự “ăn cướp trắng trợn”

EP cũng yêu cầu EU xem xét "khả năng ngừng một phần ưu đãi thuế đơn phương” như một biện pháp trừng phạt bất cứ quốc gia nào có ý đồ quốc hữu hóa tài sản của một công ty châu Âu.

Argentina tuyên bố họ sẽ quốc hữu hóa 51% cổ phần của YFP, để lại cho Repsol 6% cổ phần, vì tập đoàn này không đầu tư tương xứng vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.

Quyết định tước quyền sở hữu YPF từ tay Repsol đã nhận được sự ủng hộ sâu rộng trong Nghị viện Argentina cũng như dân chúng nước này, ngay cả cựu Tổng thống Carlos Menem – người đã từng ra quyết định bán nhiều doanh nghiệp nhà nước trong làn sóng tư nhân hóa ở Argentina khi ông là Tổng thống, từ năm 1989 – 1999. Cựu Tổng thống Carlos Menem, nay là một Thượng nghị sỹ, 81 tuổi, cho rằng Repsol đã mang hết lợi nhuận của YPF ra khỏi Argentina và không đầu tư vào bất cứ cái gì ở nước này.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Kế hoạch Argentina, sẽ không có chuyện quốc hữu hóa tài sản của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) tại Argentina. Argentina hoan nghênh việc Petrobras tăng thị phần của mình trong lĩnh vực dầu mỏ ở Argentina ngay cả khi chính phủ nước này mở rộng sự kiểm soát với thị trường.

Repsol và Tây Ban Nha gọi quyết định tái quốc hữu hóa của Argentina với YPF là một sự “ăn cướp trắng trợn”, tấn công vào lợi ích của họ. Còn EP gọi quyết định tái quốc hữu hóa trên là "cuộc tấn công nhằm vào việc thực thi doanh nghiệp tự do và nguyên tắc rõ ràng về pháp lý,” điều sẽ làm tổn hại tới môi trường đầu tư của Argentina.

Nghị quyết trên đã được hầu hết các đảng lớn trong EP có trụ sở tại Strasbourg (Pháp) ủng hộ. Đồng thời, EP ũng kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) đưa vấn đề ra WTO và Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) cũng như nghiên cứu các biện pháp để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của EU trong tương lai.

Và không chỉ có Repsol, Tây Ban Nha và EU, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cùng ngày cũng lên tiếng chỉ trích quyết định “chiếm đoạt YPF” của chính phủ Argentina là một “quyết định sai lầm”.

Hiện Tây Ban Nha cũng đã thực hiện những biện pháp trả đũa đầu tiên khi thông báo sẽ chấp thuận một biện pháp thúc đẩy sản xuất nhiên liệu diesel sinh học trong nước, do đó sẽ làm giảm nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Argentina. Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Sáenz de Santamaria, các biện pháp trả đũa chính trị và ngoại giao cũng đang được xem xét nhưng chưa có quyết định thực hiện.

Năm ngoái Tây Ban Nha nhập khẩu 700 triệu euro (923,4 triệu USD) dầu diesel sinh học từ Argentina để sử dụng làm nhiên liệu nông nghiệp, Bộ Công nghiệp Tây Ban Nha cho biết. .

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Mexico vào tháng 6 tới có thể sẽ là dịp để Tổng thống Argentina Cristina Fernandez và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đối mặt với nhau lần đầu tiên về vấn đề gây sóng gió trong quan hệ hai nước này.

Tây Ban Nha là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Argentina, xếp trên cả Hoa Kỳ. Lượng đầu tư trực tiếp tại Argentina từ Tây Ban Nha đạt 23 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 26,3% tổng đầu tư trực tiếp vào Argentina, so với 16,8% của Hoa Kỳ, theo Ngân hàng Trung ương Argentina.

Phương Anh (Theo Business Week)