Quảng bá Du lịch Việt Nam: Tâm và Tầm!

15:53 | 03/10/2015

1,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những thước phim đẹp ngỡ ngàng trong clip “Welcome to Vietnam” do Bộ Ngoại giao thực hiện đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với cộng đồng trong thời gian qua. Đặc biệt, đoạn clip thời lượng dài 8 phút này hầu hết lại được montagne bằng hình ảnh của nhiều tác giả, nhà quay phim trên khắp mọi miền đất nước.

Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh tuyệt đẹp, “Welcome to Vietnam” còn được giới thiệu bằng 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Ả Rập, giúp người dân ở khắp các quốc gia trên thế giới sẽ có cơ hội được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng một Việt Nam giàu tính nhân văn, có sức sống mạnh mẽ, đang không ngừng phát triển, là điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, đây là một dự án đầy tính sáng tạo của Bộ Ngoại giao nhằm tạo ra những sản phẩm truyền thông chất lượng nhất với mức kinh phí tiết kiệm nhất, góp phần đưa hình ảnh đất nước ra thế giới.

Xem clip "Welcome to Vietnam":

Cộng đồng quan tâm!

Tháng 5/2015, một đoạn clip của “phượt thủ” người Italy Oliver Astrologo ghi lại những trải nghiệm thực tế, từ lân la các quán vỉa hè Hà Nội, thả đèn hoa đăng trên sông Hương cho đến đi thuyền trên sông Mê Kông… Những trải nghiệm này được gói gọn trong 2 tuần và toàn bộ ý tưởng do anh thực hiện.

Trước đó là hình ảnh clip du lịch 45 ngày ở Việt Nam của anh em nhà Georgy Tarasov đến từ Nga vào đầu năm 2015 cũng để lại ấn tượng bởi tính chân thực, sống động. Đó đơn thuần chỉ là một Việt Nam thường ngày ở trường học, chung cư cũ, những con đường ngập nước, những em bé chơi bóng đá bên vệ đường, cảnh cỗ vũ chiến thắng của người dân trên đường phố,… nhưng lại mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam.

Hay như đoạn video quảng cáo du lịch Nha Trang đã gây sốt cộng đồng mạng vào năm 2012 khi giới thiệu toàn bộ hình ảnh hấp dẫn, sinh động của thành phố biển xinh đẹp này. Chỉ có điều đây cũng lại là sản phẩm của Hana Tour - một công ty lữ hành Hàn Quốc.

Một đất nước Việt Nam tuyệt đẹp với bản sắc văn hóa đậm chất Á Đông như vậy, lại được quảng bá nhờ vào chính những người bạn nước ngoài, và hôm nay, vẫn chỉ là nhờ những tác giả, những nhà quay phim trên khắp mọi miền đất nước - những công dân dành trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc thông qua những thước phim ấn tượng mà họ đã ghi lại qua những chuyến hành trình.

Chủ quản lơ là!

Thế nhưng, các cơ quan chủ quản ngành du lịch như Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Tổng cục Du lịch…, đến nay vẫn “bình chân như vại” khi chưa làm ra được bất kỳ một sản phẩm phim ảnh quảng bá du lịch nào mang tính tiêu biểu cho ngành văn hóa – du lịch nước nhà.

Nhiều lý luận cho rằng, chính phủ nước ta mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch với ngân sách khoảng 50 tỉ đồng (tương đương 2,5 triệu USD), so với  Malaysia đầu tư 80 triệu USD/năm, Thái Lan 70 triệu USD/năm, Singapore gần 60 triệu USD/năm thì con số này “chẳng bõ bèn gì”. Với mức kinh phí hạn hẹp như vậy, mỗi năm chúng ta cố lắm cũng chỉ mời được 1-2 đoàn lữ hành, báo chí tại các thị trường trọng điểm vào khảo sát, chứ đừng nói đến chuyện làm clip “triệu đô” như Malaysia.

Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào những sản phẩm “tự phát” trên chúng ta có thể thấy được, bài toán kinh phí không phải là “vật cản” lớn nhất trong hoạt động đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch đất nước. Cái thiếu chính là thiếu ý tưởng và thiếu cả… tấm lòng!

Quả vậy. Nếu không phải nhờ vào ý tưởng, tại sao Tổng cục Du lịch Hàn Quốc lại có thể dùng Hallyu - làn sóng những ngôi sao Hàn Quốc được hâm mộ trên khắp thế giới tham gia vào các clip quảng bá du lịch cho xứ sở Kim chi? Nếu không phải nhờ vào ý tưởng, người bạn Thái Lan sao có thể quảng cáo du lịch bằng thông điệp ngược “Never go to Thailand” (Đừng bao giờ đến Thái Lan) nổi tiếng thế giới?

Một đoạn phim quảng bá du lịch thu hút, không phải là ở chi phí hoành tráng thế nào, mà là có thể đưa ra được những hình ảnh mà người đi du lịch muốn xem, khơi gợi được cảm xúc và cảm nhận của họ trước những thước phim sống động, mà hơn hết là bao quát được tính cách, đặc trưng của nét đẹp văn hóa vùng miền nơi đó. Đà Nẵng - thành phố sôi động, đáng yêu và đáng sống, Nha Trang giàu có về tài nguyên biển, Huế có trầm tích cố đô hay Hà Nội là giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời…, chẳng phải đó là những gì đang hiển hiện cực kỳ rõ nét trong clip “Welcome to Vietnam” đó sao?

Cái chính không phải là thiếu tiền. Cái thiếu chính là không dám nghĩ, nên cũng chẳng dám làm!  

Nguyên Phương