Quan nói trạng

07:00 | 19/01/2014

2,174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông đốc học Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM trở thành “nhà văn viễn tưởng” khi phán rằng, chăm lo giáo dục mầm non, không đâu tốt như nước ta!

Năng lượng Mới số 292

Ông còn chỉ ra rằng, ở các nước phát triển, không có trường công lập cho trẻ em dưới 3 tuổi, trong khi gửi ở trường tư thục giá rất cao. Nói về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non ở Bình Chánh, ông Nguyễn Tiến Đạt đề nghị tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trong phụ huynh để họ có kiến thức tìm hiểu, lựa chọn cơ sở đáng tin cậy gửi con… Thật vậy sao?

Ngỡ rằng lời nói gió bay nhưng không đâu, ở ngay huyện Bình Chánh, nơi ông nói “những lời có cánh” thì Phó bí thư Huyện ủy Bình Chánh Thái Hồng Mai công bố huyện có 39 trường mầm non và 101 nhóm, lớp ngoài công lập và khó khăn của Bình Chánh là thiếu giáo viên (GV). Các trường phải hợp đồng với 166 bảo mẫu để thay cho số GV còn thiếu. Một trở ngại khác là, 13 dự án xây trường mầm non đang triển khai trong tình trạng thiếu vốn.

Chăm sóc trẻ mẫu giáo ở một trường mầm non công lập

Ở huyện Nhà Bè cũng có 32 cơ sở giáo dục mầm non tư thục với 179 lớp và 5.275 học sinh nhưng chỉ có 296 GV, thiếu 58 người. Huyện phải hợp đồng với bảo mẫu để thay số GV còn thiếu. Thời gian tới, huyện phải bổ sung 298 lớp, tương đương xây mới 20 trường mầm non. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, nhìn nhận, không riêng gì ở Bình Chánh và Nhà Bè, lực lượng GV mầm non không đáp ứng được yêu cầu dù đã mở rộng tuyển người có hộ khẩu ngoài thành phố. Không đủ giáo viên phải sử dụng bảo mẫu thay thế, ai dám cam đoan không thể xảy ra nạn bạo hành với các cháu như ở Trường mầm non tư thục Phương Anh quận Thủ Đức?

Chăm sóc tốt nhất mà 13 dự án xây trường mầm non của huyện Bình Chánh thiếu vốn khiến Bí thư Thành ủy phải can thiệp giải quyết theo hướng vay vốn kích cầu với lãi suất 0% để có trường lớp cho các cháu học chứ không chờ đợi.

Làm sao chăm sóc mầm non tốt nhất thế giới như ông đốc học tuyên bố khi huyện nào ở TP HCM cũng có hàng chục cơ sở mầm non “chui”? Chẳng hạn huyện Nhà Bè có 18 điểm, huyện Bình Chánh có 52 cơ sở, trường mầm non hoạt động không phép với 99 lớp và 2.056 học sinh.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng của người lao động rất cao, chưa có khả năng đáp ứng. Chị em lao động nghỉ thai sản chỉ 6 tháng đã phải đi làm nên thành phố không thể bỏ qua nhóm trẻ này.

Không chỉ các nhà quản lý mà người dân TP HCM cũng biết rằng, các trường công hiện không thể đáp ứng được nhu cầu nên các trường mầm non tư thục có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn, dù biết không an toàn nhưng phụ huynh không biết gửi ở đâu nữa. Ai chẳng muốn gửi con ở chỗ an toàn, chỗ tốt nhưng họ không có cách lựa chọn nào khác.

Được biết, hiện TP HCM có có 870 trường mầm non, trong đó 419 trường công lập, 451 ngoài công lập. Ngoài ra còn có 1.248 nhóm lớp mầm non với tổng số hơn 3.000 trẻ. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thống kê hết được các nhóm trẻ gia đình và cũng không thể kiểm soát hết được các điểm giữ trẻ không phép.

Đây không phải là vấn đề riêng của ngành giáo dục TP HCM khi số trường công lập dành cho trẻ mầm non còn thiếu. Số trẻ mầm non, nhất là con em của dân nhập cư tăng quá nhanh, mặc dù mỗi năm TP HCM đã đưa vào thêm nhiều phòng học mới nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Hóa ra, đối với bậc mầm non, suốt thời gian dài TP HCM không xây dựng trường công lập. Đến năm 2008 TP HCM mới quan tâm thúc đẩy quá trình xã hội hóa mầm non, đồng thời cho phép thành phần Nhà nước xây dựng trường mầm non.

Để giải quyết nạn thiếu trường mầm non, UBND thành phố phân công các quận, huyện xây trường cho con em công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trường sẽ hoạt động linh hoạt theo ca kíp làm việc của công nhân, nghĩa là sẽ chia giáo viên ra nhiều ca, để công nhân có thể yên tâm gửi con tăng ca. Theo ông Nguyễn Văn Rảnh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM, việc giải tán ngay các các cơ sở mầm non “chui” cũng không giải quyết được gì vì thực tế, nhu cầu đòi hỏi những nhà trẻ mầm non giá mềm, thời gian linh hoạt cao. Bây giờ đóng cửa hết thì không trường lớp nào chứa hết được số trẻ ở đây.

Từ lời chém gió đến thực tế cay đắng khi các cháu bị đánh, bị thương, bị chết ở cơ sở mầm non là khoảng trống không thể lấp đầy một sớm một chiều. Ngành học mầm non đang dài cổ chờ đợi những chuyển biến thực sự chứ không phải là những lời viển vông!

 Thọ Vinh