Quan hệ Nhật - Hàn - Trung lại “nóng”

11:00 | 23/04/2013

555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc viếng thăm đền Yasukuni của các bộ trưởng Nhật Bản ngày 21/4 đang gây giận dữ cho Trung Quốc và Hàn Quốc, giữa lúc quan hệ giữa các nước này vốn chẳng “cơm lành canh ngọt” gì.

 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (thứ hai từ bên phải) thăm đền Yasukuni ở Tokyo, ngày 21/4/2013

Chuyện xưa như trái đất

Đền thờ Yasukuni là một ngôi đền lớn nằm ở trung tâm thủ đô Tokyo, thờ hai triệu rưỡi người Nhật đã chết cho tổ quốc, trong đó có cả 14 nhà lãnh đạo Nhật từng bị phe Đồng minh lên án là tội phạm chiến tranh trong Thế chiến thứ hai. Các quốc gia bị đặt dưới sự đô hộ bạo tàn của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ thứ 20 coi đền Yasukuni như một biểu tượng kéo dài của đế quốc Nhật.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã đến viếng đền Yasukuni vào buổi tối ngày 21/4, sau khi từ Washington quay về Nhật. Trước đó, ông Keiji Furuya, người đứng đầu Ủy ban Công an Quốc gia, chức vụ tương đương bộ trưởng, cũng đã thăm đền này trong lễ hội mùa xuân thường niên. Ông tuyên bố với các nhà báo, viếng các tử sĩ đã hy sinh mạng sống cho đất nước là điều tự nhiên đối với ông, một thành viên quốc hội.

Nổi tiếng về các quan điểm dân tộc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không đến thăm đền nhưng đã nhân danh cá nhân mình gửi một khoản tiền 500 USD đóng góp vào việc trưng bày một nhánh cây trên bàn thờ, gọi là Masakaki. Năm ngoái, ông Abe đã đến viếng đền Yasukuni với tư cách thủ lĩnh đối lập. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên từ tháng 9/2006 đến tháng 9/2007, ông Shinzo Abe đã không đến Yasukuni hành hương, nhằm cố gắng cải thiện quan hệ với hai nước láng giềng. Seoul và Bắc Kinh vốn vẫn bất bình trước các cuộc thăm viếng đền thờ này hàng năm của người tiền nhiệm là ông Junichiro Koizumi.

Ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni hồi năm ngoái với tư cách là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đối lập

Hàn Quốc và Trung Quốc lại giận giữ như thường lệ

Nhất động nhất cử của chính giới Nhật Bản tại đền thờ thần đạo Yasukuni đều bị Hàn Quốc và Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Do vậy, việc các bộ trưởng và chính khách Nhật đến thăm đền thờ Yasukuni từ trước đến giờ luôn bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối. Hai nước này vẫn ghi khắc các dấu tích của một nước Nhật Bản quân phiệt. Và lần này cũng không ngoại lệ. Seoul phản ứng mạnh nhất, hủy bỏ chuyến công du Nhật Bản dự kiến trong tháng này của Ngoại trưởng Yun Byung-Se. Trước đó, ông Yun có kế hoạch thăm Nhật Bản để thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản, ông Kishida Fumio, sau khi ông đến Trung Quốc để bàn về vấn đề Triều Tiên. Một quan chức ngoại giao giấu tên của Hàn Quốc cho biết thêm: “Bộ trưởng Yun Byung-se dự kiến sẽ nêu đường hướng phát triển mới cho mối quan hệ Hàn - Nhật trong chuyến thăm sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nhận thấy khó có thể tiến hành một cuộc hội đàm mang tính xây dựng và Bộ trưởng Yun Byung-se đã quyết định hủy bỏ kế hoạch này”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young ngày 22/4 nói Hàn Quốc bày tỏ “sự quan ngại và hối tiếc sâu xa” trước sự kiện mới đây các giới chức Nhật bản đến thăm một ngôi đền Shinto ở Tokyo. Phát ngôn viên Cho nói ngôi đền Yasukuni “tôn sùng một cuộc xâm lược gây nhiều đau khổ và mất mát cho các nước láng giềng của Nhật Bản”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thúc giục Chính phủ Nhật Bản thừa nhận lịch sử của mình một cách đúng đắn và hành động có trách nhiệm.

Bắc Kinh, thông qua bài viết của báo đảng, không bỏ qua cơ hội lên án Tokyo là “kẻ gây xáo trộn” tại châu Á. Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày, Hoa Xuân Doanh, nữ phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Tokyo “đối mặt với lịch sử xâm lược dân tộc chủ nghĩa”. Phản ứng trước các chuyến thăm đền Yasukuni, bà Hoa Xuân Doanh nói chỉ khi nào hiểu rõ được lịch sử đã qua của họ và tôn trọng cảm nghĩ của các nạn nhân thuộc địa của mình thì Nhật Bản mới có thể “phát triển một mối quan hệ hợp tác với các nước châu Á khác”.

Tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc lên án việc thủ tướng cúng dường ở đền thờ. Tờ Nhân dân Nhật báo nói bất chấp hình thức thờ phụng nào ở đền Yasukuni, nó đều chứng tỏ một “quan điểm lịch sử sai lạc có tác dụng như một cú đánh mạnh vào nền hòa bình và ổn định” ở châu Á.

Một tác động phụ của sự kiện trên là việc một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Nhật Bản đã phải hủy chuyến thăm Bắc Kinh, sau khi phía Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu của họ là được gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đây là nhóm thúc đẩy quan hệ hữu nghị Nhật-Trung. Nhóm này dự kiến thăm Trung Quốc 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24/4. Nhóm muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường, nhưng phía Trung Quốc cho biết hai nhà lãnh đạo đang rất bận giải quyết các vấn đề trong nước.

Nhóm nghị sĩ Nhật Bản cho rằng quan hệ song phương xấu đi do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể là một nhân tố. Mặc dù Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Masahiko Komura, người đứng đầu nhóm nghị sỹ hữu nghị Nhật-Trung, cho biết việc hủy chuyến thăm này không phải vì các chuyến thăm đền Yasukuni của một số thành viên nội các Nhật Bản cuối tuần qua, trong đó có Phó Thủ tướng Taro Aso, tuy nhiên cũng chính nhóm nghị sĩ này khẳng định rằng trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tiếp mọi phái đoàn mà nhóm cử sang Trung Quốc, nhưng lần này thì không. Do vậy, nhóm cho biết sẽ bố trí lại lịch trình chuyến thăm, căn cứ vào diễn biến trong quan hệ song phương.

 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se tuyên bố hủy bỏ chuyến công du Nhật Bản dự kiến trong tháng này để phản đối việc các quan chức Nhật thăm viếng ngôi đền Yasukuni

Đó là chuyện cá nhân

Sau khi các nước láng giềng phản ứng gay gắt, Nhật Bản đang tìm cách hạ giảm ý nghĩa của các chuyến đến thăm đền Yasukuni của giới chức nước này.

Chánh văn phòng thủ tướng Nhật, ông Yoshihide Suga nói chính phủ không có chủ trương về các chuyến thăm mang tính cách tôn giáo của các giới chức. Ông Suga nói mỗi quốc gia đều có quyền có lập trường riêng về vấn đề này, nhưng không nên để cho sự kiện các bộ trưởng đi thăm đền ảnh hưởng đến ngoại giao.

Nói rõ thêm về việc này, ông Tomohiko Taniguchi, cố vấn Nội các tại Văn phòng Thủ tướng Nhật nói rằng sự xuất đầu lộ diện của các giới chức tại ngôi đền đang bị hiểu lầm.

Ông Taniguchi nói theo quan điểm riêng của ông, họ đến thăm đền là vì đó là nơi thờ phụng chứ không vì tôn sùng bất kỳ hình thức xâm lược nào. Ðó là nơi mọi người để tưởng nhớ những người đã chết, đã hy sinh mạng sống trong các cuộc chiến tranh. Những gì mọi người chứng kiến qua hành động của các cá nhân các thành viên Nội các không đại diện chút nào cho các quan điểm chính thức của chính phủ Nhật Bản.

H.Phan (Tổng hợp)