Những đứa trẻ "Xa mẹ” không thiếu tình thương

06:39 | 01/06/2012

695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Hàng ngày, tiếng đàn piano, những tiếng cười, tiếng nói… của những đứa trẻ vẫn vang lên trong căn nhà 13 Ngô Văn Sở, Hà Nội. Căn nhà ấy mang tên “Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em mồ côi “Xa mẹ”” – nơi cưu mang, nuôi dưỡng và cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn niềm hi vọng vào cuộc sống.

23 năm nuôi trẻ bằng tình thương

Bận rộn không ngơi nghỉ, nay Lạng Sơn, mai Phú Thọ… nhưng cứ rảnh rỗi, ông Vũ Tiến và vợ là bà Vũ Ngọc Oanh lại cặm cụi đi đi về về từ phố Vọng đến ngôi nhà tình thương với 30 đứa cháu nhỏ của mình.

Chương trình nuôi dạy trẻ em mồ côi “Xa mẹ” là chương trình nhân đạo tư nhân do ông Vũ Tiến và bà Vũ Ngọc Oanh sáng lập. Chương trình bắt đầu từ năm 1989 với chủ trương “Bữa cơm chống đói” cho trẻ em đường phố ở 65 Quán Sứ, rồi sau là “Tổ bán báo xa mẹ” (1990) và đến nay, chương trình đổi tên thành Trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ em mồ côi “Xa mẹ”.

Qua hơn 20 năm hoạt động đã có 500 em được nuôi dạy, trong đó có 300 em trưởng thành, 60 em đã lập gia đình, có nghề nghiệp, thu nhập ổn định trở về sinh sống cùng gia đình trên khắp Việt Nam…

Những đứa con của ngôi nhà tình thương "Xa mẹ"

Hiện tại, trung tâm đang nuôi dạy 30 em độ tuổi từ 6 – 17, trong đó có 8 em là người dân tộc thiểu số. Tất cả các em đều có cơm ăn áo mặc, đang đi học từ lớp 1 đến lớp 12 với kinh phí “trọn gói” hàng tháng cho mỗi em là 1.200.000 đồng. Trung tâm còn cấp tiền cho 10 em đang theo học nghề tại các trường dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông bà còn cấp học bổng cho hơn 10 hộ nghèo sống tại Hà Nội và một số tỉnh như Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Tây, Nam Định. Trong đó, tại Hà Nội cấp 150 ngàn đồng/tháng/em.

23 năm qua, ngoài sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước, vợ chồng ông phải tự mình làm dịch vụ như mở quán cơm Hoa Phượng, cà phê “Xa mẹ”, chạy tour du lịch … để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của trung tâm.

Trong số 600 em được nuôi dạy tại ngôi nhà tình thương “Xa mẹ”, đã có rất nhiều em trưởng thành và có thành công nhất định trong công việc và cuộc sống. Làm việc tại chương tình nuôi dạy trẻ em mồ côi “Xa mẹ” 23 năm, chị Trần Thanh Vân (nhân viên hành chính) đã coi ngôi nhà 13 Ngô Văn Sở và 30 đứa trẻ như gia đình thứ hai của mình.

Chị Vân chia sẻ: “Trong số hơn 600 em được nuôi dạy tại đây, có rất nhiều em trưởng thành và có công việc ổn định. Như em Nguyễn Quang Hòa – chủ cửa hàng Anh Hòa Bakery, em đã xây dựng được thương hiệu cho mình và quay trở về đây giúp đỡ, tạo công ăn việc làm và truyền lại nghề làm bánh cho rất nhiều em khác”.

Chị còn cho biết, đã có khoảng 10 đôi trẻ đã từng sống và được ông bà cưu mang, chăm sóc đã thương yêu nhau và nên duyên vợ chồng.

Vì là một cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên ông bà Vũ Tiến – Vũ Ngọc Oanh không cho nhận con nuôi mà nuôi dưỡng, giúp đỡ các em đến khi trưởng thành, tự lập và có công ăn việc làm.

1/6 em không đòi quà

Trong số 30 em nhỏ hiện đang sinh hoạt tại ngôi nhà tình thương “Xa mẹ”, có tới 70% mồ côi cả cha lẫn mẹ, những em còn lại do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải lên đây nương nhờ ông bà cưu mang, giúp đỡ.

Những đứa trẻ ở đây đều được các UBND xã hoặc công an tại địa phương giới thiệu tới, cá biệt có một số em được cha mẹ hay họ hàng đưa tới bởi không đủ khả năng chăm sóc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em ở ngôi nhà “Xa mẹ” đều có ý thức, ngoan ngoãn và chăm sóc lẫn nhau.

Ngôi nhà nơi các em ở có 5 tầng. Trong đó, tầng 1 và một phần tầng 2 sử dụng để kinh doanh quán café “Xa mẹ” để lấy kinh phí nuôi trẻ. Các bé gái ngủ trong một căn phòng rộng rãi tầng 3, còn các em trai ngủ trên tầng 4. Bên cạnh phòng ngủ, còn có phòng học, phòng chơi và phòng ăn rộng rãi với đầy đủ tiện nghi. Ngoài giờ học, các em chỉ phải làm vệ sinh phòng ngủ.

Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, ông bà vẫn thường tổ chức chương trình văn nghệ cho các em, các tiết mục do ông Tiến và bà Oanh hướng dẫn. Không những thế, ông bà còn mua một chiếc đàn piano khá lớn để dạy các em học đàn, học hát.

Ngoài những giờ lên lớp, các em còn được học đàn, hát

Em Vũ Thị Kiều My (15 tuổi) hiện đã sống ở ngôi nhà tình thương 9 năm và đang là học sinh lớp 9 của trường THCS Nguyễn Văn Tố. Em chia sẻ: “Thời gian đầu mới đến đây em cũng rất ngại, cũng khóc. Nhưng sau một thời gian ngắn được ông bà và các anh chị thương yêu nên giờ đây em coi ngôi nhà này như chính gia đình của mình vậy”.

Ở đây, các em được học tập, được vui chơi và được ông bà và các cô dạy dỗ, chỉ bảo tận tình. Không chỉ cưu mang, nuôi dưỡng các em được ăn, được học, ông bà còn đưa các em đi tham quan và du lịch để mở mang đầu óc, để biết đó biết đây.

Em Lý Nông Trung (15 tuổi) cho biết, vào dịp 30/4 vừa rồi, ông bà đã đưa các em đi tham quan công viên Thủ Lệ; trước đó, các em còn được đi công viên Vầng Trăng và công viên nước Hồ Tây.

My khoe: “Trong năm học vừa rồi, có mấy bạn được danh hiệu học sinh giỏi nên được ông (ông Vũ Tiến – PV) đưa đi tham quan đỉnh Mẫu Sơn ở Lạng Sơn. Em cũng được ông đưa đi cùng, lần đầu tiên em được đi xa đến thế”.

Khi được hỏi về ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, các em đều im lặng, không đòi quà cũng không mảy may quan tâm đến ngày của chính mình. Em Vũ Long Biên (16 tuổi) được ông Tiến đưa về nuôi dưỡng khi thấy em bị bỏ rơi ở cầu Long Biên lúc vừa chào đời, chia sẻ: “Chúng em không nghĩ ngày 1.6 là phải có quà, vì được sống ở đây, có ông bà, có các cô thương yêu, có các anh, các chị, các em bên cạnh đã là niềm hạnh phúc rồi”.

Các em cũng không mảy may ghen tỵ với các bạn bè cùng trang lứa khi thấy các bạn mặc quần áo đẹp, có đồ chơi hiện đai vì ở ngôi nhà tình thương này, các em đã có được tình yêu, niềm vui, niềm hạnh phúc – những điều ấy còn quan trọng hơn những thứ đồ chơi đẹp mã kia.

Chị cấp dưỡng Trần Thị Quy (35 tuổi) ở Xuân Trường, Nam Định cũng là một “đứa trẻ” được ông Tiến nhận nuôi. Chị cho biết: “Đúng ngày chồng tôi mất vì tai nạn, tôi sinh đứa út nhưng 3 ngày sau, gia đình mới cho biết về cái chết của anh. Tôi chẳng thiết sống nữa nhưng nghĩ đến 2 đứa con thì biết bỏ cho ai. Cuộc sống khó khăn, ruộng vường ít, lại bạc màu, tôi đành gửi đứa lớn lên nhờ ông Tiến nuôi hộ. Nhưng đến năm 2009, tôi và đứa út cùng phải nhờ đến ông bà”.

Thương cho hoàn cảnh của chị Quy, ông Tiến và bà Oanh đã nhận chị vào làm cấp dưỡng cho ngôi nhà tình thương. Chị chia sẻ: “Giờ đây tôi là mẹ của 30 đứa trẻ, có đứa ngoan ngoãn, có đứa bướng bỉnh nhưng chúng tôi thương nhau như người trong nhà, cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ với nhau”. Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng chị Quy cho biết sẽ không đi bước nữa để sống mãi ở đây, giúp ông bà chăm sóc những đứa trẻ khó khăn, như ông bà khi xưa đã cưu mang mẹ con chị.

Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười nói vẫn vang lên rộn rã trong căn nhà nhỏ 13 Ngô Văn Sở. Những đứa trẻ trong ngôi nhà ấy có hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, có đứa mất cả cha lẫn mẹ, nhưng chúng luôn ngoan ngoãn, tươi vui và có nhiều mơ ước, bởi ở nơi ấy, chúng đã được gieo niềm tin về tấm lòng nhân ái và niềm tin vào cuộc sống.

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Petrotimes xin mời độc giả tham quan ngôi nhà tình thương "Xa mẹ”:

2 dàn máy tính do ông Tiến - bà Oanh lắp đặt để phục vụ học tập cho các em

Em Vũ Văn Thắng (10 tuổi) bên giá sách của phòng sinh hoạt chung

Phòng sinh hoạt chung rộng rãi với máy tính, giá sách và đàn piano

Em Vũ Văn Đạt (8 tuổi) đang tập đàn cho buổi văn nghệ chào mừng 1/6

Phòng ngủ của bé gái với 2 tầng rộng rãi, ngăn nắp

Bàn bi lắc trong phòng vui chơi

Bàn chơi bóng bàn rộng rãi

Phòng ăn của hơn 30 em nhỏ

Chị Trần Thị Quy (Nam Định) là cấp dưỡng của ngôi nhà "Xa mẹ"

Phòng bếp sạch sẽ, gọn gàng

Những dòng quy định nghiêm khắc và đầy tình thương của bà Oanh - ông Tiến

Thực đơn ăn uống theo ngày

Vương Tâm