Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Phương Tây vừa đánh vừa run

10:18 | 01/05/2014

13,156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem xét nội dung và cách thức đưa ra các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga của Mỹ và châu Âu một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của phương Tây mỗi khi đụng đến quyền lợi thiết yếu của nhau.

Sự khác biệt giữa Mỹ và EU trong trừng phạt Nga

Ngày 28/4, khi đang ở thăm Philippines, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Thông báo của Nhà Trắng cùng ngày nêu rõ đối tượng của lệnh trừng phạt mới này gồm 7 quan chức trong đó có hai người trong giới thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, là ông Igor Sechin, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosnef và ông Sergei Chemezov, Giám đốc Hãng công nghệ cao Rostec, cũng như 17 công ty liên quan với những nhân vật thuộc giới này.

Lý do của lệnh trừng phạt mới này theo Nhà Trắng là để đối phó với điều mà các giới chức Mỹ cho rằng Nga không thi hành đúng theo thỏa thuận quốc tế Geneve đã đạt được nhằm chấm dứt cuộc đối đầu ở Ukraina. Trong thông báo ngày 28/4, Nhà Trắng cảnh cáo rằng Mỹ cùng các đồng minh sẵn sàng đưa thêm các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nếu Nga đưa quân vào Ukraina. Washington cũng nói luôn các biện pháp mạnh đó sẽ là thắt chặt kiểm soát xuất khẩu hàng công nghệ cao có thể giúp tăng năng lực quân sự Nga, cấm vận nhắm vào các ngành năng lượng và khai thác mỏ của Nga.

Phương Tây vừa đánh vừa run

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và châu Âu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp năng lượng của phương Tây

Trong lời phát biểu tại Malina cùng ngày, Tổng thống Barack Obama giải thích rằng mục tiêu của Mỹ không nhắm vào cá nhân Tổng thống Putin, mà chỉ muốn tìm cách “thay đổi sự tính toán” của ông Putin trước cách hành xử của ông ta hiện nay và có thể có ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế Nga trên đường dài.

Trong khi Mỹ đưa ra các biện pháp mới trừng phạt Nga từ sáng ngày 28/4 thì phải đợt đến cuối ngày các đồng minh châu Âu mới đưa ra được một danh sách sơ bộ. Cuối chiều 28/4, Maja Kocijancic, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết: chính phủ các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ áp đặt các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản và không cấp thị thực đối với 15 cá nhân, chủ yếu là người Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraina. 15 cá nhân này sẽ được bổ sung vào danh sách 33 người Nga và người Crưm trước đó đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU đối với Nga sau khi Nga sáp nhập Crưm, nâng tổng số danh sách trừng phạt lên 48 người.

“Ðương nhiên châu Âu sẽ đi theo quyết định của Mỹ, nhưng không có gì bảo đảm châu Âu sẽ làm tất cả những điều Washington muốn họ làm” là nhận xét của bà Padma Desai, thành viên Hội đồng quan hệ Ðối ngoại Mỹ. Cùng với một số chuyên gia khác, bà Desai cho rằng việc Mỹ “báo tin sẽ cấm vận vào ngày 25/4 nhưng phải đợi đến ngày 28/4” mới thông báo những quyết định mới nhất “chứng tỏ phía Mỹ và châu Âu chưa nhất trí được với nhau về những gì muốn làm”, cho dù cả hai đồng ý với nhau là “dưới một hình thức nào đó, phải trừng phạt Nga”.

Một cựu viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, lúc còn làm việc với chính phủ trong những năm đầu của Tổng thống Obama, kể lại: “Chúng tôi đã từng nghĩ đến chuyện có ngày phải đối phó với Nga, bàn thảo với nhau những gì có thể làm nếu chuyện này xảy ra”. Nhân vật này kể thêm là “chúng tôi cũng bảo với nhau rằng nếu muốn cấm vận thành công như trường hợp của Iran, chúng ta phải có toàn thể châu Âu ủng hộ, nhưng điều đó khó có thể làm được vì châu Âu có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Moskva”. Do đó, “biện pháp Tổng thống Obama có thể làm trong lúc này vẫn là nhắm vào thành phần thân cận với Tổng thống Putin, trong lúc tìm được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa”.

Trong thời gian chờ đợi đó, “Tôi không ngạc nhiên khi thấy quyết định của châu Âu chậm trễ hơn quyết định của Mỹ, tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu quyết định của châu Âu không mạnh bằng quyết định của Mỹ”-người này nhận xét.

Theo báo New York Times, trong nội bộ chính quyền Mỹ có hai khuynh hướng khác nhau. Một phe, cùng chủ trương với Tổng thống Obama, muốn Mỹ và châu Âu phối hợp hành động. Phe thứ hai thì muốn rằng Mỹ nên đơn phương hành động trước vì châu Âu chắc chắn sẽ đi theo.

Hầu hết báo chí châu Âu trong những ngày qua đều cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga là quá nhút nhát.

Trong danh sách 15 người mà Bruxelles thông báo hôm 29/4, có thể bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh châu Âu, có một vài nhân vật nặng ký: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov, hay hai phó chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, lại không có các lãnh đạo tập đoàn hay nhân vật chính trị có ảnh hưởng. Nguyên nhân sự nhút nhát này của châu Âu, theo báo Les Echos (Pháp), là vì EU muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở Nga, nhất là khi châu Âu còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Nhưng bên cạnh vấn đề khí đốt này, tờ báo này còn nhìn thấy quyền lợi riêng từng nước, dẫn đến bất đồng trong việc trừng phạt Matxcơva: nếu các nước Baltic, Ba Lan, Thụy Điển, vốn rất nghi kỵ Nga, hay Pháp và Anh, sẵn sàng trừng phạt đích đáng Nga, thì ngược lại nước Đức lại là một đầu tàu thì không mấy sốt sắng, vì Đức là nước đầu tư chính vào Nga.

Một dấu hiệu khác cho thấy châu Âu rất dè dặt là thông báo về các biện pháp trừng phạt mới, chỉ được đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ chứ không phải là cấp bộ trưởng ngoại giao. Và Matxcơva đã thấy rõ vấn đề cho nên đã không đe dọa trả đũa châu Âu, mà chỉ đánh giá là các quốc gia châu Âu “theo lệnh” của Mỹ. Ngược lại Nga nêu bật ý chí trả đũa Mỹ và Nhật Bản.

Theo Le Monde, cho đến nay, Mỹ và châu Âu vẫn giữ được một mặt trận chung về mặt hình thức, trong thế đối đầu với Nga, nhưng một điều căn bản khiến EU khó đi xa trong các trừng phạt nhắm vào Matxcơva là châu Âu phụ thuộc nặng nề vào Nga về năng lượng (6 nước EU phụ thuộc 100%, và hơn 10 nước khác phụ thuộc 50%).

Nga sẽ trả đũa “gây đau đớn” cho Washington

Ngay sau quyết định của Nhà Trắng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov đã bày tỏ sự “ghê tởm” đối với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Ông nói với giới truyền thông Nga rằng các biện pháp đó dựa trên những ý kiến “hoàn toàn bị bóp méo” về những gì xảy ra tại Ukraina. Ông Rybakov đáp ứng của Nga sẽ gây cho Washington nhiều khó khăn.

Ông Riabkov còn tố cáo các trừng phạt của phương Tây giống như sự phục hồi hệ thống quan hệ quốc tế năm 1949, vào thời điểm đó, phương Tây buông bức màn sắt, ngăn cản việc chuyển giao các thiết bị công nghệ cao cho Liên Xô và một số nước khác.

Hãng tin Bloomberg ngày 28/4 cho biết giới quan chức Mỹ và chuyên gia an ninh đã cảnh báo rằng tin tặc Nga có thể tổ chức tấn công mạng máy tính các ngân hàng Mỹ và công ty lớn để trả đũa biện pháp trừng phạt mới mà Washington đang chuẩn bị áp dụng với Nga.

Phát biểu trên đài truyền hình Nga ngày 29/4, Tổng thống Nga Putin đe dọa, nếu cứ tiếp tục các biện pháp trừng phạt, thì đương nhiên Matxcơva sẽ “phải nghĩ lại về cách thức làm việc của các doanh nghiệp nước ngoài ở Liên bang Nga, nhất là trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, như năng lượng”.

Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine đe dọa là nếu phương Tây muốn trừng phạt lĩnh vực tên lửa Nga, thì tất yếu, các nhà du hành vũ trụ của các nước phương Tây sẽ bị ảnh hưởng. Kể từ khi Mỹ ngừng khai thác các phi thuyền, chỉ có phi thuyền Nga Soyouz đảm trách nhiệm tiếp tế cho các nhà du hành vũ trụ trên trạm không gian quốc tế ISS.

Theo thỏa thuận Geneve đạt được ngày 17/4 giữa Nga, Mỹ, EU và Ukraina, để giảm thiểu tình hình tại các tỉnh miền đông Ukraina, phe biểu tình phát rút khỏi các tòa nhà chiếm đóng và chính quyền Kiev phải ngưng mọi cuộc trấn áp. Tuy nhiên, khi thỏa thuận trên còn chưa ráo mực, cả hai phía vẫn tiếp tục đụng độ nhau. Thậm chí khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Kiev còn “xúi giục” chính quyền lâm thời tại đây tái mở chiến dịch đàn áp người biểu tình. Nếu Mỹ nói Nga đã không làm gì để hối thúc những người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraina thực hiện cam kết Geneve thì thử hỏi Washington đã làm gì để buộc chính quyền Kiev thực thi thỏa thuận trên. Rõ ràng cách làm của Washington đang một lần nữa thể hiện chủ nghĩa bá quyền của Mỹ.

Th.Long

tổng hợp