Lệnh ngừng xuất khẩu khí đốt của Mỹ đã đến hồi kết?

17:28 | 04/07/2024

65,842 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi chính quyền Biden thông báo ngừng cấp phép dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới vào tháng 1/2024, các nhà môi trường và các chính trị gia cánh tả đã ca ngợi quyết định này là một bước ngoặt cho phong trào bảo vệ khí hậu.
Lệnh ngừng xuất khẩu khí đốt của Mỹ đã đến hồi kết?
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh AP

Sau nhiều tháng chịu áp lực từ các nhà hoạt động khí hậu, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), tuyên bố rằng sẽ xem lại cách đánh giá các dự án xuất khẩu LNG lớn, đặc biệt là việc bán sang châu Á và châu Âu. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cam kết giữ các dự án LNG đang chờ phê duyệt trong tình trạng tạm dừng, ngăn không cho các dự án này khởi công.

Động thái bất ngờ được cho là xảy ra sau khi các quan chức cấp cao của Nhà Trắng gặp gỡ các nhà hoạt động khí hậu đang vận động chống lại việc xuất khẩu LNG và dường như đánh dấu sự thay đổi trong quỹ đạo của ngành vốn đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cả chính quyền Obama và Trump. Người sáng lập của tổ chức 350.org, Bill McKibben cho biết quyết định này có nghĩa là Tổng thống Biden đã “làm nhiều hơn để kiểm soát năng lượng bẩn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào”.

Nhưng chỉ sau sáu tháng, việc tạm dừng dường như chỉ là một trở ngại nhỏ trong sự tăng trưởng nhanh chóng của một ngành công nghiệp đã làm thay đổi cơ cấu năng lượng toàn cầu. Mặc dù việc tạm dừng đã khiến các giám đốc điều hành dầu khí tức giận và thu hút sự phản đối dữ dội từ đảng Cộng hòa, nhưng việc này chỉ áp dụng ở một số dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch; động thái không ảnh hưởng đến một số terminal lớn đã được phê duyệt hoặc đang được xây dựng để giúp tăng gấp đôi công suất xuất khẩu của Mỹ.

Vào đầu tuần này, một thẩm phán liên bang do cựu tổng thống Donald Trump bổ nhiệm đã bác bỏ chính sách của chính quyền hiện tại. Thẩm phán Louisiana ra phán quyết rằng chính quyền Biden vẫn phải xem xét phê duyệt các dự án riêng lẻ ngay cả khi đang cân nhắc sự thay đổi rộng rãi hơn trong chính sách xuất khẩu LNG, phủ nhận tác động từ việc tạm dừng mà các cơ quan của chính quyền Biden đã nói sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay. Với việc ông Biden phải đối mặt với tỷ lệ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 sụt giảm, ngày càng có nhiều khả năng chính quyền hiện tại sẽ không thể thay đổi chính sách xuất khẩu khí đốt của đất nước.

Steven Miles, một nhà nghiên cứu và chuyên gia về khí đốt ở Viện Chính sách công Baker tại Đại học Rice, cho biết: “Nếu thực sự kết thúc thì đây sẽ chỉ là một điểm dừng nhỏ khi DOE sẽ quay trở lại với lập luận rằng xuất khẩu LNG là vì lợi ích chung. Nếu đây là phát súng mở đầu trong cuộc chiến đang diễn ra ở mọi bước trong xuất khẩu LNG, thì đó sẽ là chiến tranh chiến hào. Có lẽ tất cả đều phụ thuộc vào cuộc bầu cử”.

Khi DOE tuyên bố tạm dừng cấp phép LNG vào tháng 1, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm coi đây là một nỗ lực cần thiết để cập nhật các tiêu chí của chính phủ Mỹ nhằm đánh giá các terminal xuất khẩu lớn mọc lên dọc theo Vịnh Mexico. Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, nhưng các quan chức vẫn không chắc chắn sự tăng trưởng này có đang thay đổi cơ cấu năng lượng của thế giới hay không. Việc xuất quá nhiều khí đốt ra nước ngoài có giúp thay thế than đá, một loại nhiên liệu không thân thiện với khí hậu, hay đang cản trở sự phát triển của năng lượng tái tạo? Liệu có tạo ra việc làm ở các bang giàu khí đốt của Mỹ, cũng như làm tăng chi phí cho những người tiêu dùng điện và các công ty Mỹ hay không?

Những câu hỏi này rất khó trả lời, một phần vì chúng dựa trên những đánh giá ngược về điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không xuất khẩu khí đốt. Kể từ khi lệnh tạm dừng có hiệu lực, một loạt nghiên cứu mới đã làm phức tạp thêm bức tranh này. Một mặt, báo cáo của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, một tổ chức nghiên cứu về năng lượng, tiết lộ rằng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc không giúp giảm mức sử dụng than ở quốc gia thiếu năng lượng này, làm suy yếu lập luận chính của ngành. Mặt khác, một bài báo kinh tế xuất bản vào tháng 3 chỉ ra xuất khẩu đã thúc đẩy giá khí đốt ở Mỹ và do đó khuyến khích các sản phẩm thay thế nhiên liệu, hoạt động giống như thuế carbon và kết quả là hỗ trợ mục tiêu không khí thải của đất nước.

Trong khi chính quyền cố gắng trả lời những câu hỏi này, họ đã tạm dừng việc xem xét một số dự án LNG đang chờ phê duyệt. Đảng Cộng hòa và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Mỹ đã chỉ trích động thái đó, cho rằng sẽ gây nguy hiểm cho khả năng cung cấp nhiên liệu cho các đồng minh nước ngoài của quốc gia. Trên thực tế, lệnh này chỉ làm chậm lại một số dự án đã được thông qua bởi Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Mỹ (FERC), một cơ quan quản lý độc lập thân thiện hơn nhiều với các dự án LNG.

Việc tạm dừng này cũng không ngăn được FERC tiếp tục đưa ra nhiều dự án khí hơn cho Bộ Năng lượng phê duyệt: Mới tuần trước, Ủy ban đã phê duyệt terminal Calcasieu Pass 2 (CP2) của Venture Global, một dự án lớn có thể xuất xưởng 24 triệu tấn LNG mỗi năm, đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 15 triệu ngôi nhà. Chính dự án CP2 đã kích động nhiều nhà hoạt động trên TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác, được cho là đã thu hút sự chú ý của các quan chức chính quyền Biden, những người ngay từ đầu đã thúc đẩy việc tạm dừng.

Vào tháng 3, một nhóm gồm 16 bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã kiện chính quyền về việc tạm dừng quy định của DOE và họ đã nhận được sự đồng tình tại tòa án Louisiana. Thẩm phán James Cain, người được ông Trump bổ nhiệm, đã ra phán quyết rằng chính quyền không có thẩm quyền xem xét các terminal xuất khẩu LNG mới, cho rằng quyết định này đã dẫn đến “mất doanh thu, thị phần và tước quyền thủ tục” đối với các bang như Louisiana và Tây Virginia.

Đối với Roishetta Ozane, một nhà hoạt động ở Lake Charles, Louisiana, người đã dẫn đầu cuộc chiến chống lại ngành LNG trong hơn ba năm qua, cho biết quyết định này khiến bà mất tinh thần.

“Thật điên rồ”, bà nói với Grist, “tôi buồn, tôi thất vọng. Tôi cảm thấy như mình đang chiến đấu chống lại đất nước mà tôi yêu quý và đang cố gắng bảo vệ”.

Phán quyết này không ngăn cản chính quyền Biden theo đuổi một cuộc đánh giá lớn hơn về cách họ quản lý các dự án LNG, một phán quyết có thể dẫn đến những hạn chế toàn diện hơn đối với ngành này. Tuy nhiên, do việc đánh giá sẽ yêu cầu Bộ phải thông qua một định nghĩa mới về việc liệu xuất khẩu có vì “lợi ích cộng đồng” theo Đạo luật Khí đốt đã tồn tại hàng thập kỷ hay không, nên hiện tại quyết định có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý khi Tòa án Tối cao đã bãi bỏ cái gọi là tiền lệ Chevron, tiền lệ đã cho phép các cơ quan liên bang linh hoạt xây dựng các chính sách theo diễn giải của họ về luật liên bang.

Mặc dù vậy, sau phán quyết, những người ủng hộ môi trường và khí hậu đã kêu gọi chính quyền tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi lớn hơn.

Craig Segall, phó chủ tịch của nhóm chính trị thiên về khí hậu Evergreen Action, cho biết trong một tuyên bố: “Không có gì ngạc nhiên khi một thẩm phán của chính quyền Trump bẻ cong luật pháp để giành chiến thắng cho ngành dầu mỏ. May mắn thay, phán quyết sai lầm này của Quận Tây Louisiana sẽ không ảnh hưởng đến thẩm quyền theo luật định của Bộ Năng lượng đối với những gì phải được đưa vào trong một quyết định vì lợi ích công cộng”.

Nhưng việc cân nhắc dài hạn về xuất khẩu LNG sẽ chỉ được tiếp tục nếu ông Biden tái đắc cử và chưa rõ liệu nỗ lực tạm dừng có giúp ích hay làm tổn hại đến cơ hội tranh cử của ông. Động thái vào tháng 1 đại diện cho nỗ lực nhằm củng cố sự ủng hộ của các nhà môi trường trẻ, nhưng một số chính trị gia Đảng Dân chủ ở các bang giàu khí đốt như Pennsylvania cho rằng điều đó làm tổn hại đến vị thế của ông tại địa phương.

Động thái này cũng có thể đã làm hỏng thỏa thuận đình chiến mong manh và bất thành văn của chính quyền Biden với các công ty dầu khí lớn, vốn ủng hộ các điều khoản thu hồi carbon và hydro trong Đạo luật giảm lạm phát mang tính bước ngoặt mà tổng thống đã ký vào năm 2022. Trong bữa tối tháng 3 tại Mar-a -Lago resort, cựu Tổng thống Trump đã chơi bài ngửa với một nhóm giám đốc điều hành dầu khí khi kêu gọi quyên góp khoảng 1 tỷ USD cho chiến dịch tranh cử của ông để đổi lấy các chính sách có lợi, trong đó có việc chấm dứt lệnh tạm dừng xuất khẩu khí đốt.

Mary Landrieu, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ Louisiana, lãnh đạo một liên minh các bên liên quan trong ngành khí đốt, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, đã có thiệt hại. Quyết định được đưa ra quá đột ngột và tệ đến mức khiến mọi người nghi ngờ rằng tổng thống không có suy nghĩ nhất quán và kỹ lưỡng về chính sách chuyển đổi năng lượng. Tôi không nghĩ động thái này có bất kỳ mặt tích cực nào và điều đó đã thực sự gây tổn hại đến mối quan hệ tin cậy đang được xây dựng của chính quyền Biden với ngành dầu mỏ ở một mức độ nào đó”.

Bất chấp lệnh tạm ngừng của chính quyền Biden, cơ quan Mỹ vẫn cấp phép xuất khẩu khí khổng lồBất chấp lệnh tạm ngừng của chính quyền Biden, cơ quan Mỹ vẫn cấp phép xuất khẩu khí khổng lồ
Gazprom tiết lộ chi tiết về thỏa thuận mới với Trung QuốcGazprom tiết lộ chi tiết về thỏa thuận mới với Trung Quốc
Xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu biến động ra saoXuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu biến động ra sao

Nh.Thạch

AFP