Phương Tây quan ngại về sự thống trị lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trung Quốc

14:03 | 16/04/2021

|
Thập kỷ 2011-2020 đã chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng mặt trời. Theo báo cáo Statistical Review of World Energy 2020 của BP, công suất lắp đặt điện mặt trời đã tăng trưởng trung bình hơn 42%/năm trong vòng 10 năm qua, tức tăng gấp đôi công suất trong vòng 1,7 năm.
Phương Tây quan ngại về sự thống trị lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trung Quốc

Mặc dù tốc độ tăng trưởng công suất điện mặt trời có thể bắt đầu chậm lại khi quy mô công suất ngày càng lớn, nhưng lĩnh vực này sẽ vẫn là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất trong tương lai gần. Tuy nhiên, cũng giống như các nguồn năng lượng khác, sự tăng trưởng của năng lượng mặt trời đang nảy sinh những vấn đề liên quan đến địa chính trị, chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia.

Con đường để khử carbon

Tại Bắc Mỹ, việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống mới của Mỹ đã tạo luồng sinh khí mới cho Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 - nền tảng quan trọng nhất của thế giới để kiềm chế phát thải khí CO2. Thực hiện những cam kết tranh cử quan trọng, tân Tổng thống Mỹ Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ chính thức tái gia nhập thỏa thuận này vào tháng 03/2021. Canada, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cũng cam kết đạt mục tiêu mới của riêng mình trong khuôn khổ Thỏa thuận khí hậu Paris. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh về cách tiếp cận mới đối với các vấn đề khí hậu. Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) luôn duy trì lập trường tích cực đối với việc giảm phát thải carbon. EU đang trên lộ trình đạt mục tiêu đưa các nguồn NLTT đáp ứng ⅓ nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong liên minh vào năm 2030. Vào tháng 09/2020, Ủy ban châu Âu đã trình bày kế hoạch cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (so với năm 1990) đến năm 2030. Điều này sẽ giúp EU sớm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tất cả những nỗ lực của Mỹ, Canada và EU chỉ ra rằng, công suất lắp đặt NLTT sẽ tiếp tục tăng khi chính phủ các nước này đầu tư nhiều hơn cho quá trình khử carbon. Đồng thời, nhiều quốc gia phương Tây có thể gặp phải những rủi ro về an ninh năng lượng và giới lãnh đạo các nước này mong muốn giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng.

Tổ chức dầu mỏ OPEC đã duy trì tầm ảnh hưởng đối với nguồn cung dầu toàn cầu cho đến khi xảy ra cách mạng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Sự kiện này đã làm suy yếu vị thế độc quyền trong nguồn cung dầu của tổ chức này. Giờ đây, khi cuộc cách mạng NLTT đang diễn ra mạnh mẽ, Trung Quốc đã tạo dựng được những lợi thế rõ ràng về một số công nghệ tái tạo quan trọng, nhất là các thành phần cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời ở phương Tây.

Huawei trở thành tâm điểm

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh, đưa nền kinh tế này trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào phát triển NLTT và hiện đã giành được thị phần ưu thế về pin mặt trời cũng như pin điện Lithium-ion. Tập đoàn công nghệ Huawei được biết đến là nhà cung cấp thiết bị viễn thông và điện tử tiêu dùng lớn trên thế giới. Huawei còn là một trong những nhà cung cấp thiết bị biến tần năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Thiết bị biến tần là một bộ phận quan trọng trong các nhà máy điện mặt trời, giúp chuyển đổi dòng điện một chiều được tạo ra từ các tấm pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp và người dân.

Sự thống trị của Huawei trên thị trường thiết bị biến tần cùng với sự hậu thuẫn từ Chính phủ Trung Quốc đang gây ra những lo ngại ở Mỹ. Năm 2019, một nhóm các thượng nghị sĩ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư tới Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry và Bộ trưởng Nội vụ Kirstjen Nielsen để thúc giục chính phủ liên bang cấm bán tất cả các sản phẩm năng lượng mặt trời của Huawei tại Mỹ với lý do đe dọa an ninh quốc gia đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã loại Huawei khỏi thị trường thiết bị viễn thông của Mỹ do lo ngại về mối liên hệ của tập đoàn này với các dịch vụ tình báo của Trung Quốc. Nội dung bức thư của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh, tất cả hệ thống điện mặt trời quy mô lớn và quy mô nhỏ tại Mỹ đều có khả năng bị tấn công mạng như nhau. Chính phủ liên bang nên xem xét lệnh cấm sử dụng biến tần của Huawei tại Mỹ và làm việc với các cơ quan quản lý các tiểu bang để nâng cao nhận thức và giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn.

Sự quan ngại được dấy lên là nếu lưới điện của Mỹ trở nên phụ thuộc một phần vào thiết bị điện tử của nhà cung cấp có liên kết với nhà nước Trung Quốc thì nguy cơ lưới điện quốc gia bị mất kiểm soát và điều hành từ bên ngoài là khá cao. Động thái này cũng phản ứng mối lo ngại tại Mỹ về sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô từ OPEC. Đáp trả lại những động thái từ chính giới Mỹ, Huawei đã đóng cửa mảng kinh doanh biến tần của mình tại thị trường này.

Cách tiếp cận vấn đề của EU

EU cũng có cách tiếp cận mang tính xung đột với Huawei bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc đối với việc phát triển các mạng 5G trong tương lai. Bên cạnh đó, giới quan chức ở một số nước thành viên EU hiện đang lên tiếng báo động về vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng đối với lợi ích và an ninh quốc gia của các nước thành viên EU, bao gồm lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Những lo ngại đó mở rộng ra lĩnh vực năng lượng mặt trời. Các nhà hoạch định chính sách của EU lấy lý do Trung Quốc sử dụng cưỡng bức lao động là người Hồi giáo trong chuỗi cung ứng module điện mặt trời để thúc đẩy các lệnh cấm thương mại đối với thiết bị module năng lượng mặt trời của Trung Quốc do có khả năng vi phạm nhân quyền trong quá trình sản xuất.

Tổng thống Biden cũng đã thực hiện một bước đi hạn chế các sản phẩm linh kiện mặt trời từ Trung Quốc khi ký sắc lệnh giúp chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời của Mỹ trở nên linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng xác định rủi ro trong chuỗi cung ứng đối với pin dung lượng cao, bao gồm pin xe điện và đưa ra chính sách để giải quyết những rủi ro này.

Giờ đây, EU sẽ phải quyết định xem liệu mình có sẵn sàng theo đuổi cách tiếp cận tương tự mà chính quyền Mỹ áp dụng hay không. Các chuỗi cung ứng năng lượng sạch chưa nhận được nhiều sự quan tâm về mặt chính sách cho đến thời gian gần đây. Tuy nhiên, các chính phủ đang ngày càng chịu nhiều áp lực để đảm bảo các mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích, an ninh quốc gia liên quan đến thiết bị NLTT của Trung Quốc mà không làm “trật bánh” các nỗ lực khử cacbon trên toàn cầu.

Viễn Đông