Phố sách Hà Nội kêu cứu!

10:10 | 24/01/2018

1,082 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tưng bừng khai trương, nhưng chỉ sau 7 tháng đi vào hoạt động, phố sách Hà Nội đã bộc lộ những yếu kém. Tình hình khó khăn đến mức các đơn vị xuất bản đang có gian hàng tại đây đã phải đồng loạt “kêu cứu”.

Phố sách Hà Nội “kêu cứu”

Tháng 5-2017, phố sách Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Đây là tuyến phố đầu tiên của Hà Nội dành riêng cho sách, giới thiệu những cuốn sách, những bộ sách mới, nơi độc giả có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng, gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách với các tác giả trong và ngoài nước. Lần đầu tiên thủ đô có một không gian lớn dành riêng cho sách.

Trong khoảng 3 tháng đầu đi vào hoạt động, do có sự hỗ trợ truyền thông của thành phố nên tình hình kinh doanh của các gian hàng tại Phố sách Hà Nội tạm ổn với doanh thu trung bình mỗi gian hàng 125 triệu đồng/tháng. Nhưng gần đây, doanh thu của phố sách đã giảm còn khoảng 50 triệu đồng/tháng và nhiều nhà sách tại đây chịu lỗ để duy trì hoạt động.

pho sach ha noi keu cuu
Phố sách Hà Nội

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ cho hay: “Bây giờ rất ít người đến phố sách để mua, đọc sách, giao lưu mà chỉ có thanh niên đến chụp ảnh là chủ yếu. Những tháng đầu chúng tôi hào hứng bao nhiêu thì nay nản bấy nhiêu. Doanh thu của chúng tôi sụt giảm khoảng một phần ba”.

Hiện tại, UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị được giao quản lý phố sách, nhưng chủ yếu quản lý về mặt hành chính. Trong khi đó, phố sách cần những quyết sách chuyên môn phù hợp đặc thù của hoạt động xuất bản, văn hóa đọc. Các nhà sách đề xuất thành lập một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối các đơn vị tham gia tại phố sách cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành trong những hoạt động chung và chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc.

Bản đề xuất đưa ra phương án lập công ty quản lý, với tên Công ty Phố sách Hà Nội, theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động, phát triển văn hóa đọc, bao gồm các sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm… phục vụ các hoạt động chính trị xã hội, gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố Hà Nội, của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Học gì từ đường sách Nguyễn Văn Bình?

Cùng hoạt động trưng bày, giới thiệu, giao lưu, tọa đàm về sách, nhưng đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) lại được đánh giá thành công với nhiều con số ấn tượng. Theo thống kê của Ban Điều hành Đường sách, trong năm 2017, số người đến mỗi ngày ở đây dao động từ 5.000-6.000 lượt (ngày thường), 10.000 lượt (ngày nghỉ hoặc cuối tuần), tổng cộng có khoảng 2,4 triệu người ghé thăm đường sách trong năm nay. Doanh thu của đường sách tăng từ 26,4 tỉ đồng vào năm 2016 lên khoảng 50 tỉ đồng trong năm 2017 với 167 sự kiện ra mắt sách, giao lưu tác giả được tổ chức. Dự kiến trong năm 2018, TP HCM sẽ tiếp tục cho ra mắt đường sách Nguyễn Đổng Chi (quận 7).

Từ thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình, có thể thấy phố sách Hà Nội đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Không như TP HCM, trước phố sách, thủ đô Hà Nội đã có một “thủ phủ” xuất bản phẩm tại đường Nguyễn Xí - Đinh Lễ. Dù chỉ là phố sách “tự phát”, song mỗi khi có nhu cầu mua sách, người Hà Nội vẫn lựa chọn địa chỉ quen thuộc này và điều này vô hình trung đã khiến phố sách mất đi một lượng độc giả tương đối lớn.

Bên cạnh “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp, phố sách 19/12 hiện vẫn chưa có nhiều chương trình độc đáo, đặc sắc để “hút khách” tham quan, mua sách. Ngoài ra, để tổ chức một sự kiện tại đây, mỗi đơn vị phải bỏ ra 7 triệu đồng để thuê âm thanh, loa đài, sân khấu… trong khi đó, muốn bán được sách, đơn vị này cũng phải giảm giá 50-60%.

Rõ ràng, để đường sách Nguyễn Văn Bình có được thành quả như ngày hôm nay, Ban Điều hành Đường sách đã có nhiều chính sách hiệu quả, “mạnh tay” để thu hút độc giả như tăng cường các tiểu cảnh cây xanh giữa lòng đường đi bộ, mở thêm nhiều không gian dừng chân đọc sách cho các độc giả, bố trí dù che nắng mưa cho các sự kiện.

Ngoài ra, Ban Điều hành Đường sách cũng đã và đang nỗ lực biến nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa thú vị của thành phố dành cho khách du lịch nước ngoài, bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bưu điện Thành phố… Nhờ đó, đường sách Nguyễn Văn Bình đã được các đơn vị xuất bản xem như một kênh quan trọng để quảng bá, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người đọc. Chính vì thế, sau 1 năm hoạt động, các đơn vị xuất bản chưa có tình trạng bù lỗ.

Trước thực trạng văn hóa đọc đang bị xuống cấp như hiện nay, sự ra đời của phố sách Hà Nội được coi như tín hiệu đáng mừng cho những người nặng lòng với sách. Tuy nhiên, nếu không kịp thời thay đổi để phù hợp thị hiếu, thu hút độc giả thì chắc hẳn, phố sách sẽ chỉ còn là… siêu thị sách vắng vẻ.

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP HCM:

Nếu chỉ dừng lại là một nơi bán sách sẽ làm phố sách không khác gì những cửa hàng, siêu thị sách vẫn tồn tại ở Hà Nội lâu nay. Chính điều đó làm phố sách không hấp dẫn. Phố sách Hà Nội cần được tổ chức thành không gian văn hóa đọc, bên cạnh việc bán sách còn có các sự kiện như giao lưu với tác giả, giới thiệu tác phẩm mới, trưng bày sách, triển lãm, nghệ thuật... làm cho phố sách có linh hồn”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Đến đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM), người ta được thư giãn, giải trí, hòa mình vào không gian văn hóa. Nhưng phố sách Hà Nội chưa tạo được không gian như vậy. Cần cải tạo phố sách Hà Nội trở thành không gian phù hợp với văn hóa đọc. Hơn nữa, gần ngay đó là phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí nằm cạnh Hồ Gươm, rất thuận lợi để mọi người ghé vào, chứ mấy ai đi bộ ra phố sách 19/12 nữa”..

K.An