Phí xe máy, khó mà tận thu!

18:00 | 21/07/2013

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã đến thời điểm thu phí bảo trì đường bộ với xe máy mà Bộ Tài chính quy định. Nhưng thu thế nào, sẽ có những khó khăn, vướng mắc gì và có thu được hết số xe máy đã đăng ký và đang lưu hành hay không? Đó là những vấn đề nan giải mà cơ quan chức năng không có hướng dẫn cụ thể thì cán bộ xã, phường khó triển khai thực hiện được.

Đức Minh (NLM số 240)

Tại Hà Nội, sau khi HĐND chốt mức phí bảo trì đường bộ với xe máy, UBND thành phố đã cụ thể hóa mức phí và bắt đầu thu từ ngày 12/7. Theo đó, chủ xe môtô, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện) dưới 100cm3 phải nộp phí 50.000 đồng/năm; loại có dung tích xi-lanh trên 100cm3 sẽ nộp 100.000 đồng/năm. Các xe môtô của lực lượng công an, quốc phòng và môtô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật được miễn nộp loại phí này.

Đành rằng, thu phí bảo trì đường bộ là để sửa chữa đường sá bị hư hỏng, Nhà nước không đủ kinh phí mới phải thu của dân. Và ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng, mức phí bảo trì mà Hà Nội áp dụng với xe máy là khá thấp. Nhưng tâm lý của các chủ xe, không ít ý kiến cho rằng, khi tham gia giao thông, xe máy của họ đã phải nộp lệ phí đường bộ, phí xăng dầu mà 2 loại phí này đều nhằm mục đích bảo trì đường sá rồi, giờ lại thu phí với xe máy nữa thì quá nhiều. Với suy nghĩ ấy, sẽ nhiều người tìm cách lẩn trốn đóng phí. Một số ý kiến khác thì lập luận rằng, xe ôtô, nhất là xe tải mới làm hư hỏng đường chứ xe máy tải trọng và ma sát nhẹ, ảnh hưởng gì. Nhưng chính sách ban hành rồi, ta không bàn sâu về những ý kiến ấy mà nói đến việc có thu được phí hay không?

Số lượng xe làm dịch vụ vận chuyển, buôn bán thường xuyên cơ động khắp nơi, chủ xe không ở một địa chỉ nào cố định cũng sẽ khó thu được phí của họ. Và khó hơn nữa là có rất nhiều xe không chính chủ, đã được mua đi, bán lại qua nhiều người thì không thể thu phí của số xe đó. Riêng phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, theo số liệu thống kê có 3.290 xe máy (số xe có dung tích xi-lanh dưới 100cm3 ước tính chỉ 1/6), tính trung bình mỗi năm phường thu được hơn 466.000.000 đồng. Nhưng ông chủ tịch phường tỏ ý băn khoăn là có nhà 3 xe máy nhưng 2 chiếc không chính chủ, như thế thì không thể thu phí của họ được.

Cơ quan công an và ngành giao thông quản lý số đầu xe đã đăng ký trên sổ sách, riêng Hà Nội là 4,5 triệu chiếc, TP HCM 5,4 triệu chiếc. Ngành giao thông đã chắc mẩm theo kiểu “tính cua trong lỗ” thì mỗi năm Hà Nội sẽ thu về 600 tỉ đồng từ phí xe máy. Còn TP HCM thì thận trọng hơn, chỉ mong thu được 60% số xe hiện có sẽ được 374 tỉ đồng.

Đầu năm nay, khi bắt đầu thu phí xe máy, cán bộ xã, phường và tổ trưởng dân phố, trưởng thôn ở các địa phương thắc mắc rằng, đây không phải nhiệm vụ của họ. Nhưng nay có thù lao, bồi dưỡng chu đáo thì họ phải làm. Hà Nội quy định rõ: UBND xã, phường, thị trấn sẽ trực tiếp thu phí và các phường, thị trấn sẽ được để lại 10%; các xã được để lại 20% số phí thu được. Với 600 xã, phường và thị trấn, số tiền thu được để chi phí cho đội ngũ cán bộ sở tại cũng khá lớn. Mỗi đơn vị hành chính ấy sẽ có khoảng 30 cán bộ thực thi công việc này. Có “đòn bẩy” kinh tế như vậy, chắc chắn các “công bộc” sẽ tích cực đi truy thu phí hơn.

Tuy nhiên, chúng ta hãy hình dung một ông (hoặc bà) tổ trưởng dân phố, trưởng thôn đi đến từng nhà để kiểm đếm rồi tính tiền thu phí xe máy: Nếu không được tập huấn, không phân biệt được loại xe và dung tích xi-lanh của nó, các vị sẽ không thu đúng, thu đủ số phí cần thu. Nhiều chủ xe ở một nơi nhưng chuyên gửi xe ở một địa điểm khác chứ không để ở nhà thì không thể thu được phí của họ. Xe không chính chủ, xe mang biển số tỉnh khác (một thời kỳ có quy định một người không được đứng tên mua 2 xe máy nên nhiều người về tỉnh khác mua xe đi).

Những người hay đi làm ăn xa, hoặc đơn giản còn công tác thì phải buổi tối hoặc ngày nghỉ mới gặp được họ để thu. Lại còn những xe lưu hành từ tháng 5, tháng 6 nhưng đến tháng 7 chủ xe mới làm đăng ký thì nghiễm nhiên đã trốn được khoản phí cả năm nay. Toàn thành phố còn một lượng xe hàng vạn chiếc của học sinh, sinh viên và lao động tự do tạm trú đang lưu hành nhưng phần lớn mang biển số các tỉnh khác và cũng không chính chủ…

Như vậy, tổ trưởng dân phố và trưởng thôn sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho công việc này mà kết quả thu được sẽ không như mong muốn. Mà thời gian lại không thể định trước là mấy tháng sẽ làm xong, có khi cứ kéo dài cả năm, càng tốn kém. Cái khoản tiền 10-20% được giữ lại có khi cũng không đủ chi. Với những chủ xe khó tính, ngang ngược, không thể tránh khỏi những cuộc cãi vã và xô xát xảy ra. Kể cũng gian nan, khó “nhằn”thật!

Cũng là thu phí sử dụng đường bộ ở hai thành phố lớn nhưng Hà Nội và TP HCM lại có cách làm khác hẳn nhau. Ở TP HCM, Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng lập danh mục tất cả khoản phí, thuế đối với từng loại môtô, ôtô mà người dân phải chi trả khi mua và sử dụng; xem xét, đánh giá tác động xã hội và tâm lý người dân vì hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên sử dụng xe hai bánh làm phương tiện đi lại hằng ngày. Ngoài ra, UBND TP HCM yêu cầu nghiên cứu thêm kinh nghiệm của 14 tỉnh, thành phố đã triển khai thu phí sử dụng đường bộ để đề xuất phương án thu phù hợp, trình UBND TP HCM xem xét trong quý IV/2013. Như vậy, theo kế hoạch, sớm nhất phải đến năm 2014 thì TP HCM mới bắt đầu thu phí xe môtô, xe gắn máy.

Cảm thông cho hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đời sống của nhiều người dân chưa ổn định nên TP HCM đã có quyết định như thế. Việc hoãn thu phí xe máy và hoãn tăng viện phí của lãnh đạo TP HCM rất được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.

Một vấn đề nữa cũng còn gây tranh cãi là đối với chủ phương tiện thuộc hộ nghèo được miễn nộp phí xe máy. Thế thì các xã, phường, thị trấn và tổ dân phố đã có danh sách hộ nghèo chưa? Và tiêu chí hộ nghèo là thế nào? Lấy mức chuẩn nghèo từ thời điểm nào? Lâu nay, chuyện được xếp vào diện nghèo để được hưởng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi chẳng đã phát sinh nhiều tiêu cực, phức tạp đó sao? Cứ nói đến đóng góp là nhiều hộ muốn mình được xếp vào diện nghèo. Vậy dịp này, các địa phương cũng lại có dịp phải xác minh, công nhận lại hộ nghèo là cái chắc!

Cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước để đóng góp các khoản phí xây dựng, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống giao thông như việc đóng phí bảo trì đường bộ lần này, người dân dễ có tiếng nói đồng thuận. Vấn đề mà người dân mong muốn là sự công bằng, minh bạch. Cùng là người tham gia giao thông nhưng không thể chấp nhận người phải đóng phí, người không; nhất là với người đi xe không chính chủ. Trừ chủ xe thuộc diện hộ nghèo thì số lượng xe không chính chủ và xe tìm mọi cách trốn phí rất lớn, sẽ làm thất thu của Nhà nước (tính trong phạm vi toàn quốc) mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng. Đó là điều đáng phải suy nghĩ. Nếu các cơ quan chức năng không sớm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này thì trước mắt cũng như lâu dài, đối với việc thu phí bảo trì đường bộ, khó mà tận thu được để bảo đảm công bằng! Đó là còn chưa kể đến việc phí thu về có được sử dụng đúng mục đích cho bảo trì đường bộ hay không.

Đ.M