Phi công tiêm kích hạ 'siêu pháo đài bay' B-52 (Kỳ 2)

08:51 | 17/12/2012

2,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bước vào đợt chiến đấu mới, toàn Binh chủng Không quân tràn ngập không khí tin tưởng nhất định chiến thắng oanh liệt.

>> Phi công tiêm kích hạ 'siêu pháo đài bay' B-52 (Kỳ 1)

Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261, đặt trận địa ở Cổ Loa, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vừa bị một trận bom phủ đầu của F-111. Xe thông tin bị hất đổ. Anh em nhanh chóng khắc phục. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng cùng sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận và ba trắc thủ Độ, Tứ, Linh vẫn vững vàng trong xe điều khiển. Sát cánh bên các anh là đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn.

Lúc 20 giờ 5 phút, theo lệnh Tiểu đoàn trưởng Thăng, sĩ quan điều khiển Thuận ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên. Ba trắc thủ điều khiển nhịp nhàng, tên lửa vút lên độ cao 10km, lao thẳng vào chiếc B-52 mang ký hiệu tốp 671. Đài quan sát vui sướng thông báo: “Cháy rồi, đạn nổ trúng mục tiêu, cháy rất to”. Trong màn nhiễu dày đặc, các đồng chí tên lửa đã vạch nhiễu tìm thù mà diệt. Một số trắc thủ tên lửa từng diệt B-52 ở chiến trường Quân khu 4 đã được bổ sung về các đơn vị tên lửa và kinh nghiệm của các đồng chí là vốn quý để anh em càng thêm vững tâm khi điều khiển các quả đạn lao vào B-52.

Đêm tập kích đầu tiên, địch đã sử dụng 90 chiếc B-52 và 130 chiếc máy bay chiến thuật đánh vào Hà Nội và các căn cứ không quân, các khu công nghiệp, Đài Phát thanh Mễ Trì. Ta hạ 3 chiếc B-52 (có 2 chiếc rơi tại chỗ) và 8 máy bay chiến thuật, trong đó lực lượng dân quân với súng trường, súng máy đã bắn rơi một chiếc F-111.

Trong cuộc họp báo ngay chiều 19/12/1972, giặc lái Mỹ đã phải kinh hoàng thốt lên: “Sợ lắm”, “rất sợ”, “thật khủng khiếp”, “không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế”, “mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và kỹ sư điện của chúng tôi khẳng định như đang nắm quả ngọt trong tay, phương án đánh của chúng tôi là tuyệt vời. Không một loại tên lửa nào hay MiG của Bắc Việt có thể bám, bắn được chúng tôi”…

Anh hùng phi công Phạm Tuân (trái) và Anh hùng liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều thời trẻ

Từ ngày 19/12 đến 24/12, hằng đêm địch sử dụng trung bình 100 chiếc B-52 và từ 130 đến 150 chiếc cường kích đánh phá hủy diệt các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Đêm Noel, Mỹ phải tạm dừng để chuẩn bị cho đợt tập kích mới. Trải qua một tuần, quân và dân ta chiến đấu ác liệt, ngoan cường và đầy mưu trí, ta đã hạ được 46 máy bay địch, trong đó có 17 chiếc B-52 và 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F-111, bắt giặc lái Mỹ, chủ yếu là giặc lái B-52.

Các phi công tiêm kích của cả 4 trung đoàn xuất kích liên tục. Đánh ban ngày, các biên đội MiG-21, MiG-19, MiG-17 đều bắn rơi được máy bay cường kích, bảo vệ các trận địa tên lửa, cản phá nhiều đợt bọn Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Tên lửa và MiG-21 đánh đêm, kiên quyết để giành và tập trung tiêu diệt B-52.

Ngày 25 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng triệu tập hội nghị cán bộ để rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt đầu và chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo. Bộ Tư lệnh và các đồng chí tham mưu, phi công đều thấy rằng, yếu tố hàng đầu để có thể tiếp cận B-52 là phải bí mật, bất ngờ. Tiếp đến, hệ thống chỉ huy sở phải “nhìn” được ta, địch, để dẫn phi công ta bay trong đêm tối mịt mùng mà vẫn tiếp cận được mục tiêu. Khi đã nhận được mục tiêu, phi công mở radar trên máy bay ngắm bắn. Nếu radar trên máy bay bị nhiễu, vô hiệu hóa thì dùng mắt thường ngắm bắn.

Về giữ bí mật địa điểm và thời cơ cất cánh, Bộ Tư lệnh chủ trương đưa tiêm kích cơ động đánh đêm ra vòng ngoài. Phục kích ở những sân bay đã bị đánh phá, ta tranh thủ sửa sơ bộ, để có thể cất cánh như sân bay Yên Bái, sân bay Thọ Xuân, sân bay Cẩm Thủy ở Thanh Hóa, tuy rất phức tạp về địa hình, nhưng phải chọn phi công giỏi và có ý chí cao, có thể cất hạ cánh ban đêm an toàn.

Hệ thống sở chỉ huy phải liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau để liên tục chỉ huy được tiêm kích ta trong các tình huống. Như vậy là hai vấn đề lớn đã cơ bản có lời giải. Còn việc thứ ba, là ngắm bắn tên lửa của phi công khi gặp địch bay đêm? Làm sao nhìn thấy mục tiêu B-52 trong đêm mà bắn? Sau một số lần tiếp địch, anh em phi công đều thấy B-52 và máy bay chiến thuật của Mỹ khi bay đêm đều bật đèn vì phải hoạt động phối hợp nhiều lực lượng với số lượng nhiều, sợ va nhau. B-52 có 4 đèn vàng. Máy bay chiến thuật có 3 đèn vàng hoặc 2 đèn xanh, đỏ ở nút cánh và đuôi. Đây chính là “gót chân Asin” của bọn giặc nhà trời Mỹ.

Tên lửa Sam 2 rời bệ phóng

Bước vào đợt chiến đấu mới, toàn Binh chủng Không quân tràn ngập không khí tin tưởng nhất định chiến thắng oanh liệt.

Sân bay Yên Bái bị địch đánh liên tục từ ngày 22/12 đến ngày 26/12. Sân bay bị hư hỏng nặng đường băng, sân đậu phía bắc, chỉ còn gần 2.000m phía nam, tuy được sửa gấp vào tối 26/12, máy bay có thể cất hạ cánh nhưng rất khó khăn. Chiều 27/12, lúc gần tối, Bộ Tư lệnh bí mật cho Phạm Tuân hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái. Trời đầy mây, độ cao đáy mây khoảng 200m đến 300m. Mây phủ hết các đỉnh núi quanh sân bay. Anh vui vẻ ăn cơm tối cùng một số anh em thợ máy và sĩ quan tác chiến trực tại sân bay. Đêm lịch sử bắt đầu.

22 giờ 20 phút, Phạm Tuân cất cánh chiến đấu. Vượt qua đỉnh mây, anh thấy nhiều ánh đèn máy bay tiêm kích địch. Bình tĩnh, giữ độ cao 2.500m, anh vượt qua tốp máy bay tiêm kích này. Sở chỉ huy Quân chủng thông báo địch gần Mộc Châu. Các sở chỉ huy vòng ngoài ở Mộc Châu, Sơn La liên tục thông báo vị trí của máy bay B-52 cho Tuân. Anh xin phép sở chỉ huy bỏ thùng dầu phụ, bật tăng lực, lên độ cao 7.000m. Ở độ cao này, các trạm radar nhìn rõ máy bay ta và B-52. Phạm Tuân tăng tốc độ, vượt qua bọn tiêm kích hộ tống B-52. Anh lên độ cao 10.000m, ngang tầm độ cao B-52. Anh phát hiện 2 máy bay B-52 ném bom bay hàng dọc, cách nhau 2.000m-3.000m, Tuân nhìn rõ B-52 có đèn vàng và lập tức báo cáo chỉ huy sở: Đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích.

Chỉ huy ra lệnh: “Bắn hai quả một lần. Chú ý thoát ly nhanh, phía sau có địch”.

Tuân bình tĩnh, không mở ra đa. Anh cho máy bay lên ngang với chiếc bay sau, ngắm bắn chiếc B-52 đi đầu bằng mắt thường. Đường ngắm bắn tốt, anh bấm nút. Hai quả tên lửa cùng lao vào chiếc B-52, một quầng lửa bao phủ chiếc máy bay ném bom. Anh hân hoan báo cáo với chỉ huy sở: Nó cháy rồi và cho máy bay vòng xuống thấp, giảm độ cao, tránh bọn hộ tống đuổi theo, về hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái. Số máy bay ném bom B-52 khác thấy một chiếc bị bắn rơi, hốt hoảng ném bom ngoài mục tiêu, bay trở lại căn cứ Guam.

30 năm sau, Trung tướng Phạm Tuân, tuổi đã ngoài 50 mà dáng dấp còn trẻ trung như thanh niên. Anh sinh năm 1947, tại Thái Bình; năm 1965 học bay ở Liên Xô, về nước tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 923 và Trung đoàn 921. Phạm Tuân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3/9/1973.

Năm 1980, sau khi hoàn thành xuất sắc chuyến bay vào vũ trụ cùng phi công vũ trụ Liên Xô Gorơbátcô, Phạm Tuân được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 31/7/1980, anh còn được Nhà nước Xôviết phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Máy bay B-52 đang ném bom rải thảm

Đời một con người không dài, mà làm được bao sự tích anh hùng như anh, kể ra không có nhiều. Trong các lớp phi công tiêm kích Việt Nam, Phạm Tuân là người được thưởng nhiều danh hiệu vẻ vang của Nhà nước nhất.

Tiếp những trận chiến đấu của Không quân ta trong những ngày đêm cuối tháng 12/1972, theo kế phục kích bất ngờ ở các sân bay dã chiến vòng ngoài, đồng chí Trần Mạnh - Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân đã trực tiếp cùng các phi công bay đêm vào sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tổ chức chiến đấu. Đêm 22/12, địch cho 12 chiếc B-52 thả hơn 200 quả bom phá xuống sân bay nhỏ bé này. Hàng ngày, Mỹ cho máy bay trinh sát lướt qua thấy sân bay vẫn tan hoang, lỗ chỗ hố bom sâu nên yên tâm là sân bay đã bị hủy diệt. Mấy ngày sau, công binh san lấp một luống nhỏ, vừa đủ cho MiG-21 cất cánh. Sân bay được ngụy trang, che mắt bọn máy bay trinh sát. Mỹ hoàn toàn bất ngờ, khi biết ta sử dụng sân bay này, nói đúng hơn là bãi hạ cánh hẹp, vì rất nguy hiểm khi cất cánh ban đêm và chỉ sử dụng ánh sáng bằng đèn dầu leo lét.

21 giờ 41 phút ngày 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy. Đội hình địch gồm 60 chiếc B-52 và 135 chiếc máy bay tiêm kích - cường kích hộ tống. Chúng quyết định đánh trả đũa không quân ta. Đêm nay, chúng sẽ hủy diệt các căn cứ Nội Bài, Kép, Yên Bái, Gia Lâm. Sở Chỉ huy ở Thọ Xuân phối hợp cùng Sở Chỉ huy Binh chủng và Sở Chỉ huy Trung đoàn 927, liên tục thông báo tình hình địch trên không cho Thiều. Sở Chỉ huy dẫn anh bay vòng qua biên giới Việt - Lào, tiếp cận địch từ phía sau. Lên độ cao 10.000m, bằng mắt thường; anh nhìn rõ đèn vàng máy bay B-52 và đèn vàng, đèn xanh, đỏ của máy bay chiến thuật đi hộ tống. Sau, trước, bên phải, bên trái anh đều nhấp nháy nhiều đèn máy bay địch.

Thiết Hùng - sĩ quan dẫn đường radar, dẫn anh vượt qua tiêm kích, tiếp cận B-52. Chỉ huy sở thông báo cho Thiều, máy bay B-52 phía trước 10km. Anh quan sát bầu trời, xa xa những vì sao nhấp nháy, kia rồi, đèn vàng của B-52. Anh báo cáo chỉ huy sở, đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích. Bọn B-52 phát hiện có MiG, liền bắn tên lửa nhử mồi. Anh ngắm bắn bằng mắt thường chiếc B-52 đi sau. Đêm tối, anh cố tiếp cận và đã nhìn rõ đèn vàng B-52. Thiều phóng một lúc cả 2 quả tên lửa. Một quầng lửa to, B-52 bị nổ tung, bốc cháy. Do bắn ở cự ly gần, máy bay anh lao thẳng vào quân thù. Bọn địch hốt hoảng, trút vội hết bom, quay trở ra, không dám tiếp tục vào đánh mục tiêu đã định.

Máy bay MiG-21 của Anh hùng Phạm Tuân vừa được công nhận là bảo vật Quốc gia

Vũ Xuân Thiều - người con Hà Nội đã sống vẻ vang, chết oanh liệt cho quê hương, cho đồng bào cả nước. Anh hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi. Vũ Xuân Thiều đã lập một chiến công oanh liệt, góp phần làm vẻ vang lịch sử chiến đấu oai hùng của Không quân nhân dân Việt Nam và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngày 20-12-1994, liệt sĩ - phi công tiêm kích Vũ Xuân Thiều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đêm 28/12, ta tiếp tục bắn rơi tại chỗ hai chiếc B-52. Vũ Xuân Thiều bắn rơi 1 chiếc và bộ đội tên lửa hạ tại chỗ 1 chiếc.

Với cái đà này, nếu Níchxơn cứ lao đầu vào Hà Nội, khoảng một tháng thì toàn bộ hơn 400 chiếc B-52 của Mỹ sẽ đi đời nhà ma.

Gần nửa đêm 29/12, Tiểu đoàn tên lửa 79 bắn rơi chiếc B-52 thứ 34- chiếc cuối cùng của chiến dịch tập kích đường không của không quân Mỹ. Trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta đại thắng; mở ra một bước ngoặt mới, vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội…”, chúng tôi càng tin tưởng một bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã hiển hiện trước mắt.

Quân dân miền Bắc, nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, đã chiến đấu xuất sắc, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 chiếc B-52, hầu hết là rơi tại chỗ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm giặc lái. Dù ngày tháng có trôi đi, nhưng đòn đau này sẽ làm Mỹ nhớ đời.

Trích “Phi công tiêm kích” - Lê Hải

(Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2004)