Phi công tiêm kích hạ "siêu pháo đài bay" B-52

11:00 | 10/12/2012

3,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhân kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Petrotimes trích giới thiệu với bạn đọc một phần nội dung nói về chiến công của lực lượng Không quân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trong cuốn sách “Phi công tiêm kích” của Đại tá Lê Hải.

Pháo đài bay B52 - biểu tượng chiến tranh của nước Mỹ

 

Đại tá Lê Hải, phi công tiêm kích - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, lái máy bay MiG-17 từ năm 1966 đến năm 1973. Trong thời kỳ chống cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân đế quốc Mỹ, ông đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ (4 chiếc F-4, 1 chiếc F-105 và 1 chiếc F-8).

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu kiên cường, dũng cảm cùng đội ngũ phi công tiêm kích, đặc biệt là 12 ngày đêm lịch sử năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, ông đã dành những dòng hồi tưởng sâu sắc để nói về đồng đội và bản thân từng gắn bó suốt một thời đánh Mỹ.

Đại tá Lê Hải (ảnh tư liệu)

Cuối năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của quân và dân miền Nam giành được những thắng lợi quan trọng.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, để đối phó với phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lên cao ở trong nước, một mặt, Mỹ phải triệt thoái quân viễn chinh; mặt khác, chúng tăng cường không quân và hải quân nhằm “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh, cứu vãn chính quyền bù nhìn (ngụy quyền) trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Níchxơn ráo riết chuẩn bị những hành động phiêu lưu quân sự mới.

“Văn bản” - Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được các bên tham gia thỏa thuận. Ngày ký tắt và ngày ký chính thức đã được xác định. Nhà cầm quyền Mỹ tuyên bố nhằm lừa bịp dư luận “Hòa bình trong tầm tay”…

Thực chất, bọn xâm lược Mỹ đang chuẩn bị những đòn “bất ngờ”, hy vọng giáng cho Hà Nội một đòn chiến lược, hạ “nốc ao”!

Cuộc tập kích chiến lược mang tên “cứu vãn khung thành” với lực lượng, quy mô chưa từng có và kế hoạch rất chặt chẽ, bí mật đã được phác thảo. Đặc biệt, Mỹ còn đưa vào sử dụng kỹ thuật gây nhiễu hiện đại, làm vô hiệu hóa toàn bộ khí tài điện tử, phương tiện đánh trả chủ yếu của đối phương.

B-52 là một trong bộ ba vũ khí chiến lược rất hiện đại của Mỹ. B-52 có 16 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, B-52 cùng với F-4, F-105 và RB-66 yểm hộ, thả các sợi hợp kim nhôm, tạo ra một tầng sợi nhiễu tiêu cực dài từ 40 đến 70km, rộng từ 5 đến 7km, dày 1 đến 2km.

B-52 còn có tên lửa, khi phóng ra có tín hiệu trên màn ra đa. Được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa 20.000km, tốc độ 800-1.000km/h, độ cao bay từ 240m-13.700m. Một tốp B-52 ba chiếc, có sức oanh tạc bằng 50 chiếc máy bay chiến thuật.

Nhiễu của B-52 và các máy bay hộ tống, che kín màn hiện hình mục tiêu, vô hiệu hóa ra đa đối phương. Chúng hy vọng, toàn bộ đội hình B-52 và máy bay yểm hộ sẽ ung dung bay vào Hà Nội, Hải Phòng… gây tội ác rồi trở về yên lành. Tổng thống Níchxơn và bọn giặc trời Mỹ an tâm tin vào thắng lợi.

Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn thông qua kế hoạch tập kích bằng pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng điều thêm tàu sân bay và tàu chiến đến vịnh Bắc Bộ, thành lập Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy 3 liên đội B-52 gồm 103 chiếc và 250 tổ lái, mỗi tổ 6 người, trinh sát liên tục hệ thống sân bay và hệ thống phòng không của ta ở Hà Nội, Hải Phòng.

Khi bắt đầu chiến dịch, Mỹ tăng cường thêm 100 chiếc B-52 đến đảo Guam và Thái Lan. Chúng huy động toàn bộ 1.000 chiếc máy bay chiến thuật hiện có tại Đông Nam Á vào chiến dịch, hỗ trợ cho hơn 200 chiếc B-52, lực lượng tiến công chủ yếu của đòn tập kích chiến lược.

Theo kế hoạch đã được phác thảo, cuộc tập kích của chúng có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày, chia làm 2 đến 3 đợt ngắn. Về khu vực tập kích, chủ yếu là Hà Nội, để gây sức ép tối đa, tiếp theo là Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác, không loại trừ oanh tạc các khu vực dân cư đông đúc ở Hà Nội và Hải Phòng.

“Níchxơn đã gây ra một cuộc đụng đầu cực kỳ nguy hiểm. Sử dụng đến mức cao nhất sức mạnh tàn bạo của không quân Mỹ và những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật. Kẻ hiếu chiến này mưu toan gây cho dân tộc ta những thiệt hại đến chỗ không chịu đựng nổi mà phải khuất phục.

Chúng cho rằng, một khi hàng trăm máy bay chiến lược và chiến thuật của chúng trút hàng vạn tấn thuốc nổ xuống Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác, mạnh hơn cả bom nguyên tử, thì không có sức mạnh nào của con người đương đầu nổi. Hành động điên cuồng như vậy, bọn khát máu Níchxơn chẳng những mưu toan đè bẹp cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta, mà còn thị uy đối với các dân tộc và cả loài người bằng sự tàn bạo để cảnh cáo những ai chống lại chúng…

Chúng ta không sợ sức mạnh khổng lồ của Mỹ. Đương đầu với B-52, chúng ta có sức mạnh của ý chí một dân tộc muốn sống văn minh góp phần bảo vệ những giá trị cao quý của loài người, làm cho các dân tộc thoát khỏi ách áp bức của bọn đế quốc”.

Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang thông qua phương án chiến đấu chống B-52 tại Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 12 năm 1972 (ảnh tư liệu)

Nhân dân ta, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã chuẩn bị từ nhiều năm trước cho cuộc đụng đầu lịch sử này. Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các địa phương khác, đĩnh đạc, đàng hoàng bước vào cuộc quyết chiến cuối năm 1972 với B-52 của Mỹ.

Trong một dịp thăm và làm việc với các đồng chí chỉ huy quân đội, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Sớm muộn bọn Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi bị thua trên bầu trời Hà Nội…”.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và đích thân xuống duyệt “phương án tác chiến” đánh B-52 và ra lệnh: “Ngày 3/12/1972, Quân chủng phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B-52”.

Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ cho rằng, đối thủ nguy hiểm nhất đối với B-52 là MiG. Trước khi cho B-52 vào Hà Nội, chúng dùng F-111 và các máy bay cường kích đánh hủy diệt các căn cứ của MiG; dùng thủ đoạn gây nhiễu dày đặc, vô hiệu hóa các ra đa của ta ở miền Bắc, làm tê liệt hệ thống dẫn đường của MiG; đánh liên tục các sân bay, cả ngày lẫn đêm; không cho miền Bắc có thời cơ khôi phục hoạt động bình thường trên các sân bay có MiG hoạt động.

Trận tập kích của không quân Mỹ được mô tả như sau: Tối 18-12, chiến dịch tập kích bắt đầu. Các máy bay F-111 bay ở độ cao cực thấp, tốc độ siêu âm, xông vào các sân bay. Máy bay F-4 bay theo dãy nhiễu, hình thành hành lang “bịt mắt” radar đối phương. Hành lang kéo dài từ Đông Bắc thung lũng sông Hồng như cánh tay chỉ về hướng Tây Nam.

Phía cuối hành lang, song song với dãy núi Tam Đảo, các tốp B-52 tiến vào. Theo sau là 120 chiếc F-4 đánh chặn MiG và 4 chiếc F-105 mang tên lửa, để đánh ra đa, áp chế tên lửa (SAM).

Về thủ đoạn chiến thuật, không quân Mỹ hoạt động cả ngày lẫn đêm. B-52 đánh đêm là chủ yếu, có máy bay tiêm kích cùng bay hộ tống. Máy bay cường kích chủ yếu đánh ban ngày vào các sân bay, trận địa phòng không, trọng điểm là diệt trận địa tên lửa Sam; ban đêm, phối hợp với B-52. Trong hoạt động, chúng chú trọng nghi binh, cho máy bay cường kích, tiêm kích giả B-52 để lừa ta.

Quân và dân miền Bắc đã được chuẩn bị trước nên chủ động trong trận đối đầu lịch sử này, với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân. Địch chủ yếu dùng B-52 đánh vào ban đêm, nên phần lớn lưc lượng tiêm kích của ta gồm MiG-17, MiG-19 và phần nhiều MiG-21 phối hợp với lực lượng cao xạ, phòng không tầm thấp của dân quân đánh máy bay cường kích Mỹ ban ngày, bảo vệ tên lửa - lực lượng chủ yếu đánh B-52.

Các đồng chí chỉ huy và phi công tiêm kích đã chuẩn bị phương án, nếu Mỹ tập kích B-52 vào ban ngày, lực lượng không quân tham gia chiến đấu nhiều hơn. Anh em phi công đã chuẩn bị cách đánh tiếp cận đối đầu với B-52, vượt qua tiêm kích, nếu bắn không rơi sẽ đâm thẳng vào B-52.

Với số lượng hơn 100 phi công tiêm kích, ít nhất cũng đâm được 30 chiếc B-52. Mỹ sẽ gặp một cảnh hãi hùng trên bầu trời Hà Nội.

Radar của bộ đội phòng không Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm (ảnh Hiền Anh)

Ngày 18/12/1972, không quân Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội và cũng là ngày Không quân nhân dân Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu vô cùng cam go ác liệt với kẻ địch.

- 18 giờ, radar cảnh giới ở Quảng Bình phát hiện nhiễu cường độ lớn.

- 19 giờ 10 phút, Đại đội 16 Trung đoàn 921 phát hiện B-52 bay lên hướng Bắc.

Bộ Tổng tham mưu báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về hoạt động của B-52.

- 19 giờ 15 phút, báo động B-52. Toàn Quân chủng sẵn sàng chiến đấu.

Lực lượng trực chiến ban đêm MiG-21 trên các sân bay Nội Bài, Kép, Hòa Lạc gồm: Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, Nguyễn Văn Quang…

- 19 giờ 25 phút, 3 chiếc F-111 đánh Sân bay Nội Bài. Đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn 921 kiểm tra đường băng thấy vẫn còn sử dụng được. Chỉ huy sở cho Phạm Tuân cất cánh lên chặn địch hướng tây Hòa Bình. Lên đến độ cao 5.000m-6.000m, nhìn trước, nhìn sau, Phạm Tuân đều thấy máy bay địch, mở ra đa trên máy bay, bị nhiễu, màn hình trắng xóa, không bắt được mục tiêu.

Phạm Tuân thấy nhiều máy bay địch bật đèn, bay về hướng Hà Nội. Anh mở tăng lực, lấy độ cao và tránh tên lửa. Địch bám theo anh, đối phó cản MiG. Tình thế bất lợi, lại sắp vào trận địa hỏa lực tên lửa mặt đất, chỉ huy sở cho anh thoát ly về Nội Bài hạ cánh.

6 chiếc B-52 rải thảm Sân bay Nội Bài. Hệ thống đèn hạ cánh bị hỏng. Đài chỉ huy sân bay thông báo cho anh, đường băng bị bom, chiều dài phía đầu đông còn có thể hạ cánh khoảng 1.500m. Nhiên liệu gần hết. Phạm Tuân quyết định hạ cánh. Kiểu này là “năm ăn, năm thua”.

Phạm Tuân bình tĩnh điều khiển máy bay theo đài dẫn đường xa, gần. Quanh anh, rực trời ánh chớp của bom nổ, chớp đỏ trời của đạn cao xạ. May sao lúc máy bay B-52 bị tên lửa hạ, cháy sáng cả một góc trời, soi đường cho anh kéo bằng tiếp đất.

Anh thả dù, phanh gấp. Máy bay rung lên, dừng lại trước một hố bom sâu trên đường băng. Phạm Tuân đã lập một kỳ tích chưa từng có trong chiến tranh.

Cũng trong đêm 18/12/1972, một MiG-21 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, do bị nhiễu nặng, dẫn đường và phi công không phát hiện được địch, về hạ cánh, máy bay chạy lệch đường băng, gãy càng.

Đối với không quân, có hai vấn đề gay cấn để có thể diệt B-52 là làm sao vượt qua hàng rào tiêm kích địch yểm hộ rất chặt chẽ cho B-52. Bóc lớp vỏ cứng này mới vào được mục tiêu chủ yếu. Phải khắc phục được nhiễu ở ra đa dẫn đường và ra đa ngắm bắn trên máy bay MiG-21.

Ngay trận đầu, tuy không quân chưa có điều kiện bắn hạ B-52 nhưng sự có mặt của máy bay tiêm kích ta đã gây cho địch nhiều khó khăn, vì phải đối phó một lúc cả trên không lẫn dưới mặt đất.

(Xem tiếp kỳ sau )

Trích “Phi công tiêm kích” - Lê Hải