Phát triển đô thị thông minh

10:31 | 08/08/2017

1,756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên thế giới cũng như Việt Nam, các đô thị đều bị những sức ép giống nhau, đó là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng), liền với đó là các vấn nạn về môi trường, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; rồi tiếp theo là hạ tầng lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); tiếp nữa là đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (giáo dục, y tế, chính quyền)...

Sức ép ấy luôn luôn tạo nên sự quan tâm hàng đầu với mọi bộ máy chính quyền và những nỗi bức xúc không ngưng nghỉ trong dân chúng.

Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể khẳng định, chúng đang trở thành một công cụ của rất nhiều ý tưởng táo bạo.

Chính vì thế cụm từ ngữ “đô thị thông minh” ra đời. Vậy đô thị thông minh là gì?

Quả thật, cho đến nay, các chuyên gia cũng chưa đưa ra một định nghĩa thỏa đáng cho khái niệm này mà chỉ có thể khái quát rằng, đô thị thông minh là sự ứng dụng CNTT và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

phat trien do thi thong minh

Tại Việt Nam, từ tháng 5-2012, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam và là 1 trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM hỗ trợ phát triển Dự án “Thành phố thông minh hơn”. Nhiều ứng dụng CNTT liên quan đến lộ trình xây dựng thành phố thông minh đã được triển khai. Chẳng hạn, như hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến, đi…; triển khai một số hệ thống điều khiển tín hiệu, giám sát giao thông... bằng các phần mềm. Hoặc như hình thành Trung tâm giám sát tự động tại nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp các thông số thời gian thực về các mẫu nước và phân tích bởi các thiết bị cảm biến. Hệ thống camera giám sát của thành phố được triển khai rộng rãi và dự kiến tới khoảng 4.000 camera trên toàn thành phố...

Chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã từ lâu quan tâm xây dựng và thực hiện các tiêu chí tiến tới thành phố thông minh. Một dấu ấn mạnh mẽ đã xuất hiện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, thỏa thuận hợp tác phát triển Dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài đã được ký kết giữa UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo. Theo các nguồn tin cho hay, dự kiến dự án này lên tới 4 tỉ USD.

Thỏa thuận hợp tác này nhằm mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài. Trong đó, Tập đoàn BRG là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080ha.

Việt Nam có gần 20 tỉnh, thành phố (trong khoảng khoảng 774 đô thị lớn nhỏ) đã tổ chức hội thảo và ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông - CNTT để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh.

Tại TP HCM, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, từ năm 2015, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với nền tảng kiến trúc CNTT và truyền thông theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố và các bức xúc, trăn trở của người dân.

Ông cho biết, có 3 đối tượng chính của đô thị thông minh. Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Thứ hai, đối với người dân, đô thị thông minh tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân. Thứ ba, với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố. Ðồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng đô thị thông minh ngày càng bền vững.

Như vậy, mọi ước vọng về hệ thống đô thị thông minh của nước nhà đang được hình thành. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, muốn có một đô thị thông minh thực sự thì rất cần có những bộ óc thông minh để quản lý, sử dụng và khai thác nó.

phat trien do thi thong minh

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Việt Nam có thể học tập và hưởng lợi từ việc xây dựng đô thị thông minh như nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như, hệ thống quản lý nước thông minh được triển khai tại Trung Quốc, Brazil và Quatar đã giúp giảm 40-50% tỷ lệ rò rỉ nước. Hệ thống quản lý rác thải thông minh tại thành phố Cincinnati (Mỹ), giúp giảm khoảng 17% tỷ lệ phát xạ ô nhiễm từ rác thải.

Hệ thống giao thông thông minh đang áp dụng trên các tuyến cao tốc ở Anh giúp giảm tới 30% thời gian đi lại và góp phần giảm 50% các vụ tai nạn giao thông. Hệ thống quản lý đèn đường thông minh tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã giúp tiết kiệm khoảng 30% năng lượng...

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc